Theo báo cáo của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, 6 tháng cuối năm 2018, thị trường bất động sản sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới không ổn định, tín dụng bị siết chặt,…
Tính trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng căn hộ chung cư ở Hà Nội được mở bán là 15.012 căn, trong đó nguồn cung ở phân khúc chung cư có mức giá bình dân vẫn chiếm đa số với 43,8% và lượng hấp thụ ở phân khúc này vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất.
Tại TP.HCM, giao dịch đạt 25.019 căn, tăng đột biến đến 329% so với cùng kỳ năm 2017 (6 tháng đầu năm 2017 có 9.385 căn hộ chào bán mới). Chỉ tính riêng quý vừa qua, sản phẩm nhà ở chung cư mở bán tại TP.HCM đạt 14.587 căn, giảm khoảng 10,7% so với nguồn cung vào quý I/2018. Nguồn cung chủ yếu tập trung ở phân khúc có mức giá 25-35 triệu đồng/m2, chiếm 37,3% tổng nguồn cung ra thị trường.
Khác với Hà Nội, cơ cấu về sản phẩm chung cư chào bán mới tại thị trường BĐS TP.HCM lại đang có tỷ trọng cao nhất lần lượt thuộc về căn hộ trung cấp (37%), căn hộ cao cấp (21,5%) và siêu cao cấp (21%). Trong khi căn hộ có giá bình dân được chào bán mới có tỷ trọng trong tổng nguồn cung đạt thấp nhất (20%).
Các căn hộ hạng sang được chào bán trong quý II và 6 tháng đầu năm 2018 chủ yếu từ các khu đất vàng nằm ở khu vực trung tâm thành phố. Khu vực trung tâm và khu đông thành phố cũng là nơi cung cấp ra thị trường hầu hết nguồn cung các loại sản phẩm căn hộ cao cấp.
Quý II/2018 là thời điểm chứng kiến rất nhiều dự án BĐS được bắt đầu chuẩn bị đầu tư (sau thời điểm khủng khoảng 2013-2014) đã đủ điều kiện để đưa sản phẩm ra thị trường, thể hiện ở con số ấn tượng nhất về nguồn cung từ trước đến nay trong một quý: 15.696 căn hộ mới (trong đó có 626 căn nhà phố, biệt thự, liền kề và 483 nền đất).
Trong tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư tại TP.HCM, sản phẩm cao cấp được ra hàng nhiều nhưng lượng giao dịch chiếm tỷ trọng không lớn. Đây là kết quả của phong trào đầu tư mạnh mẽ từ quý I/2018 vẫn còn lan tỏa sang đầu quý II. Các sản phẩm cao cấp bán được chủ yếu từ các dự án ra hàng từ quý I/2018 còn tồn, chuyển sang quý II bán tiếp.
Ngược lại, căn hộ có giá bình dân, mặc dù có nhu cầu cao, ra hàng đến đâu gần như hấp thụ hết tới đó thì lại rất khan hàng. Nguồn cung về sản phẩm này trong quý II/2018 hầu như đều mới ra hàng vào thời điểm cuối quý và có tỷ lệ hấp thụ đều đạt trên 80%.
Điều này cho thấy nguồn hàng tồn các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp trong quý II là rất lớn, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm 2018.
Theo Hiệp hội môi giới bất động sản, tính nhộn nhịp, sôi động mua đi, bán lại trên thị trường của các nhà đầu tư, đầu cơ đã gần như không còn ở Hà Nội nữa. Hầu hết giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến các thị trường mới nổi tại các tỉnh lẻ trên cả nước, nơi có giá bất động sản đang ở mức thấp, có khả năng tăng giá sinh lời. Đây cũng là nguyên nhân làm giá bất động sản ở Hà Nội không tăng mạnh, thậm chí một vài phân khúc còn giảm như phân tích ở trên.
Nguồn VnMedia-TT