Những năm gần đây, thị trường BĐS Việt Nam nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tùy theo nhu cầu mà mỗi nhóm nhà đầu tư có sự quan tâm đến từng loại hình BĐS.
Lĩnh vực BĐS tại Việt Nam đang là một trong những thị trường thuộc nhóm dẫn đầu các ngành kinh tế về doanh thu. Điều này được xem là yếu tố tạo nên sức hút mạnh nguồn vốn ngoại vào thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã dần cởi mở hơn, khiến sức hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản đối với nhà đầu tư ngoại cũng được gia tăng.
Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà của một công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn bất động sản tại TP HCM nhận định, việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức “xuất khẩu” BĐS tại chỗ hiệu quả.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ 2 trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 5,54 tỉ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhà đầu tư ngoại quan tâm đến các thương hiệu khách sạn quốc tế, phân khúc căn hộ dịch vụ. Ảnh: Tâm An
Trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đứng vị trí dẫn đầu với tổng vốn đầu tư là 6,47 tỉ USD. Nếu như những năm trước, nhóm nhà đầu tư Nhật Bản không mấy quan tâm đến bất động sản thì nay họ đang gia tăng đầu tư vào thị trường này.
Chẳng hạn như dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) do một doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp cùng với đối tác Việt Nam đầu tư xây dựng. Dự án có tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 9/2018. Đây được xem là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất nửa đầu năm 2018.
Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng thể hiện sự quan tâm đối với loại hình văn phòng khi một doanh nghiệp của nước này đã công bố mua 24% cổ phần cao ốc Sun Wah Tower ngay trung tâm quận 1, TP HCM.
Hay như đầu năm nay, Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) cũng đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 100 triệu USD vào một dự án du lịch tại Đà Nẵng.
Trước đó, thị trường bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận dấu ấn của nhà đầu tư Nhật Bản sau những cú bắt tay với nhiều đại gia địa ốc trong nước để phát triển nhiều dự án khu dân cư, khách sạn, nghỉ dưỡng tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, như Nam Long, Phúc Khang, BRG, Hòa Bình…
Một người trong ngành cho biết, hiện nay các nhà đầu tư Nhật quan tâm nhiều đến việc mua các bất động sản đã hoàn thành tại trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư cũng thay đổi “khẩu vị”, không chỉ tập trung vào thị trường Hà Nội mà chuyển sang Hải Phòng, Bắc Ninh. Bất động sản họ hướng tới vẫn là các phân khúc như căn hộ để bán, căn hộ dịch vụ.
Cùng với Nhật Bản, thời gian qua các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore… cũng thể hiện sự quan tâm với bất động sản Việt Nam.
Xu hướng nhà đầu tư là người nước ngoài đã xuất hiện rõ vài năm trở lại đây. Minh chứng rõ nhất là tại thị trường các địa phương ven biển như Đà Nẵng, Huế… đã có nhà đầu tư Hồng Kông, Singapore quan tâm và quyết định đầu tư.
Thực tế cho thấy, thị trường Hà Nội ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hàn Quốc. FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang tăng cao, thuộc top đầu trong những quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Những người trong ngành cho rằng, ở các thị trường ven biển như Đà Nẵng, Phú Quốc, phân khúc được các nhà đầu tư nước ngoài yêu thích là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vì doanh thu hấp dẫn. Trong khi đó, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, các thương hiệu khách sạn quốc tế, căn hộ dịch vụ là mục tiêu mà nhóm nhà đầu tư này hướng tới.
Riêng loại hình chung cư của Việt Nam, giới kinh doanh địa ốc nhận định, mặc dù chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã khá thông thoáng, tuy nhiên vẫn còn một số trở ngại về giới hạn số lượng căn hộ, khu vực… nên phân khúc này vẫn chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư ngoại.
Giám đốc một công ty nghiên cứu thị trường cho biết, trong những năm qua, mặt bằng giá bất động sản Việt Nam so với hầu hết các thành phố khác ở châu Á được cho là khá hấp dẫn, khả năng sinh lời cũng đang ở mức tốt, nhất là với một số dự án mà các nhà đầu tư lựa chọn kỹ thì vẫn có thể đạt khả năng sinh lời cao. Đó là lý do Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư ngoại.
Vị này cho biết, nếu như tại Hồng Kông, Singapore, hay Hàn Quốc, người ta cầm 1-1,5 triệu USD để mua một căn nhà thì với số tiền đó họ sang Việt Nam có thể mua được vài sản phẩm bất động sản khác có khả năng sinh lời cao hơn. Việt Nam bắt đầu là một thị trường mà ở đó những người nước ngoài đã có thể giao dịch được.
Nguồn NLĐO-TT