Trung Quốc không còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thị trường bất động sản Úc, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã rút khỏi thị trường.
Theo số liệu được chính phủ Úc công bố gần đây, Trung Quốc không còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thị trường bất động sản nước này. Hai yếu tố khiến giá nhà tại Úc sụt giảm mạnh cũng là do không thể rút tiền ra khỏi Trung Quốc và sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc kể từ giữa năm 2017 đến nay.
Trong vòng 5 năm trước đến giữa năm 2017, giá nhà ở Sydney đã tăng 75%. Người Trung Quốc thâu tóm hầu hết các căn hộ và biệt thự tại Chatswood – một vùng ngoại ô phía bắc cảng Sydney. Khoảng một phần ba cư dân sinh sống ở đây là người Trung Quốc. Điều này giúp bất động sản ở bờ biển phía đông bùng nổ một cách chóng mặt.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 đến nay, giá nhà tại các thành phố lớn của nước Úc đã giảm 13%. Điều này cho thấy người mua Trung Quốc đã làm thổi phồng bong bóng bất động sản nước Úc. Do vậy, việc ổn định trở lại với số lượng người mua trước đó là điều khó có thể xảy ra.
Mặt khác, các nhà chức trách Trung Quốc đang kiểm soát nghiêm ngặt dòng vốn chuyển ra nước ngoài, thế nên vấn đề huy động vốn từ Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Philip Lowe cho biết, sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường bất động sản. Hiện nay, RBA vẫn đang theo dõi sát sao sự suy giảm của thị trường địa ốc, đặc biệt là tác động của tình trạng này đến chi tiêu hộ gia đình và làm chậm phát triển nền kinh tế.
Ngoài ra, giá nhà của Úc có thể sẽ tiếp tục giảm, bắt nguồn từ các yếu tố trong nước khác như: việc các ngân hàng Úc đã tỏ ra dè dặt khi cho vay từ sau cuộc điều tra phát hiện nhiều sai phạm trong tín dụng bất động sản và nguồn cung về nhà ở cũng đang có chiều hướng tăng.
Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc rút vốn khỏi thị trường bất động sản Úc khiến thị trường lao dốc
Việc thị trường bất động sản Úc lao dốc khi các nhà đầu tư Trung Quốc rút lui là lời cảnh báo cho Việt Nam.
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy vốn FDI 4 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây.
Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thứ hai là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với 1,1 tỉ USD thu hút được từ FDI, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là số vốn khủng khi gần bằng toàn bộ nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này cả năm 2016 là 1,68 tỉ USD.
Như vậy, liên tục kể từ năm 2016 đến nay, bất động sản vươn lên đứng thứ hai thu hút vốn ngoại đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với số vốn không ngừng gia tăng.
Hiện cả nước có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỉ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư.
Tại hội thảo “Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019” được tổ chức vào ngày 15/5, các chuyên gia cũng cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc rất mặn mà với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam.
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Nhà ở của Savills miền Bắc và miền Trung, các nhà đầu tư Trung Quốc chiếm số lượng lớn trong làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam. Họ thường rất táo bạo, họ cũng là những nhà đầu tư khác hẳn so với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường có những nghiên cứu rất là sâu nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc khi vào thì đầu tư rất nhanh.
Gần đây ghi nhận, các nhà đầu tư Trung Quốc mua một lượng rất lớn condotel và sau đó thì bán lại cho người nước họ thông qua các đơn vị phân phối của họ.
Các chuyên gia ghi nhận dòng vốn ngoại sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính.
Tuy nhiên, khi lượng vốn đổ vào thị trường quá nhiều, nó có nguy cơ tạo nên bong bóng bất động sản, gây rủi ro tín dụng. Đến một lúc nào đó, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn hay bán tháo chạy khỏi thị trường, lập tức nó sẽ ảnh hưởng trước hết đến các nhà đầu tư bỏ vốn, thứ nữa là đến những người đang vay vốn để đầu tư (như chủ doanh nghiệp xây dựng vay vốn đầu tư dự án ở các phân khúc trong thị trường), đẩy họ vào khó khăn. Khi ấy, các ngân hàng cho vay đầu tư bất động sản cũng trở nên khó khăn.