VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Nhiều lo ngại sau khi thẩm tra Dự án sân bay Long Thành

 – Tăng nợ công; đội vốn; không hoàn thành đúng tiến độ; không đảm bảo hiệu quả kinh tế… là những điểm lo ngại lớn được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra sau khi thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
 Kết quả hình ảnh cho sân bay long thành  Nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu. Ảnh minh họa.

Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Kết quả thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về tờ trình này cho thấy, Dự án gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025.

“Có ý kiến cho rằng, cùng lúc vừa xây dựng Cảng HKQT Long Thành vừa nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất sẽ làm phân tán nguồn lực và chia sẻ lượng hành khách; nếu không tính toán kỹ có thể dẫn đến không phát huy tối đa hiệu quả của 2 cảng hàng không” – Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế tán thành quy mô giai đoạn 1 của Dự án, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 để vừa bảo đảm tính cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực, vừa có thêm đường cất hạ cánh dự phòng cho đường cất hạ cánh thứ nhất để quá trình khai thác được liên tục, hiệu quả.

Về giao thông kết nối, Báo cáo nghiên cứu khả thi kiến nghị bổ sung 02 tuyến đường bộ kết nối vào dự án đầu tư xây dựng. Uỷ ban Kinh tế tán thành với kiến nghị của Chính phủ nhưng đề nghị Chính phủ cần hết sức lưu ý, hiện Quốc lộ 51 và đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã quá tải, thường xuyên ùn tắc, khó bảo đảm giao thông cho Cảng HKQT Long Thành.
Mặt khác, theo Uỷ ban, kết nối Cảng HKQT Long Thành với tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh dự kiến đến năm 2040 mới được đầu tư. Như vậy, kết nối giao thông cho Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 khó có thể được bảo đảm.

Theo Tờ trình, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 4,779 tỷ USD, tương đương 111.689  tỷ đồng (chưa bao gồm hạng mục xã hội hóa). Cho rằng, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa, Uỷ ban Kinh tế đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư Dự án.

“Hội đồng thẩm định cũng đề xuất, do Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp, Hội đồng thẩm định sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư Dự án. Như vậy, tính chính xác của tổng mức đầu tư dự án chưa thể được bảo đảm” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh nhấn mạnh.

Về hình thức đầu tư, theo đề nghị của Chính phủ, hạng mục 1 giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư và cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; hạng mục 2 giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục 3 giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục 4 giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.

Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Cảng HKQT Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị, để bảo đảm vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ Cảng HKQT Long Thành.

Về phương án huy động vốn, Nghị quyết 94 của Quốc hội cho phép Dự án được sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho biết, báo cáo NCKT chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước (VATM) và doanh nghiệp do Nhà nước chi phối (ACV) thực hiện. Trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD.

Theo quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý nợ công thì Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ và nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công.

Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.

“Mặt khác, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.” – Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Ngoài ra, Uỷ ban đề nghị cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước. Đối với nguồn vốn của VATM cũng cần làm rõ hơn năng lực tài chính để thực hiện.

Về hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính, theo Ủy ban Kinh tế, nếu xét các thông số của Báo cáo thì Dự án có hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, cần lưu ý doanh thu, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sản lượng hành khách của Cảng HKQT Long Thành, sản lượng ngành hàng không và mức tăng trưởng GDP, trong khi những thông số này biến động phụ thuộc nhiều biến số, kể cả biến động kinh tế quốc tế, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực và trên thế giới.

Hơn nữa, tỷ suất nội hoàn kinh tế được tính trên cở sở tổng mức đầu tư do ACV lập và với điều kiện không tăng vốn trong quá trình đầu tư xây dựng.

“Nếu nhà đầu tư không phải là ACV hoặc trong quá trình đầu tư xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư thì tỷ suất nội hoàn có thể thay đổi” – Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Theo báo cáo NCKT, Dự án có thể đạt tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành vì sau khi báo cáo NCKT được phê duyệt, tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công, thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài. Ngoài ra, qua tham khảo việc xây dựng các cảng hàng không đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khả thi. Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện. Tính đến tháng 08/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao (dự kiến đến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%), do vậy, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ thu hồi đất khó bảo đảm.

“Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giai đoạn 1 của Dự án. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để Dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua” – Báo cáo Thẩm tra nhấn mạnh.

Đặc biệt, Uỷ ban Kinh tế cho biết, để Quốc hội có cơ sở thông qua thì Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) phải có báo cáo đầy đủ các nội dung và chỉ tiêu cụ thể nhưng cho đến nay HĐTĐ chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung theo Nghị quyết 94 như tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế – xã hội và tài chính của Dự án, công nghệ chính, quản lý vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù, do đó, không có đủ cơ sở và căn cứ để Quốc hội xem xét quyết định.

Luật Đầu tư công cũng không quy định Quốc hội phải thông qua Báo cáo NCKT và Nghị quyết 94 không quy định nội dung cụ thể của Báo cáo NCKT Quốc hội phải thông qua, do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội chỉ xem xét quyết định các đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ và những nội dung quan trọng của Dự án. Sau khi HĐTĐ có báo cáo, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định đầu tư Dự án giai đoạn 1 theo quy định của pháp luật.

Nguồn VnMedia.vn-TT