VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Sân bay Long Thành: 23.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, lo nổi không?

ĐBQH cho rằng, tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành hiện nay quá chậm. Vì mỗi kiến trúc sân bay mà 2 năm vẫn chưa xong..

Phối cảnh một góc sân bay quốc tế Long Thành.

Phối cảnh một góc sân bay quốc tế Long Thành.

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tán thành giải phóng mặt bằng trước để bảo đảm tiến độ

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến tán thành với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước bảo đảm tiến độ của dự án theo nghị quyết 94 của Quốc hội. Vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thực hiện và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài. Nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án, sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra khoảng 2-3 năm. Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng và tiếp tục giao Chính phủ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017).

Thảo luận về nội dung này, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) và đa phần các ĐBQH đồng tình với để xuất của Chính phủ tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với lý do như Ủy ban Kinh tế đã thẩm định.  Vì báo cáo khả thi đến 2019 mới được phê duyệt, nếu đợi đến lúc đó mới giải phóng mặt bằng thì sẽ chậm tiến độ. Có ĐB còn tính toán, nếu không tách thì khả năng phải đến 2021 mới bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng, trong khi Nghị quyết Quốc hội khóa 13 đặt mục tiêu đến 2025 phải đưa vào hoạt động giai đoạn 1.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể, nguyên Thứ trưởng Bộ GT-VT chỉ ra, việc triển khai các bước của dự án là rất chậm: từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết 94 từ tháng 6-2015, đến nay đã 2 năm nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa phê duyệt được kiến trúc sân bay Long Thành. Vì phải có kiến trúc thì mới chọn được tư vấn  lập báo cáo nghiên cứu khả  thi. Tiếp đến là thiết kế kỹ thuật, thẩm định-phê duyệt, tuyển nhà thầu xây lắp.. “Nếu với tiến độ hiện nay thì theo lộ trình thông thường, phải mất 50-64 tháng thì mới có thể khởi công. Lộ trình Chính phủ báo cáo là quá chậm, không thể bảo đảm tiến độ. Vì mỗi kiến trúc sân bay đã làm mà 2 năm vẫn chưa xong”, ĐB Nguyễn Văn Thể nói. Vì thế, để bảo đảm tiến độ công việc, đề nghị các cơ quan liên quan phải tham mưu Chính phủ lên được một lộ trình triển khai cụ thể. Còn nếu theo lộ trình như hiện nay thì phải đến 2019-2020 mới phê duyệt được báo cáo khả thi.

23.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, lo nổi không?

             Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện. Trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của dự án, rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra băn khoăn về việc nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc bố trí vốn để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án (5.000 ha) theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.

Khi thảo luận, hầu hết các ĐB cũng đều lo ngại. Trước đó Quốc hội đã quyết 5.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2020. Tuy nhiên, khái toán của Chính phủ thì phải cần tới 23.000 tỷ đồng. Con số này là quá lớn, có lo nổi không? ĐB Hữu Thuận (Hải Phòng) băn khoăn, kinh phí giải phóng mặt bằng Chính phủ phải tính toán hết các nguồn, đừng để đến lúc  đặt Quốc hội vào sự đã rồi vì thiếu vốn. “Chính phủ phải giải trình rõ nguồn vốn 23.000 tỷ đồng thì lấy đâu ra, không thì Quốc hội không thể bấm nút thông qua”, ĐB Thuận Hữu nêu.

Các ĐBQH cũng cho rằng, chủ trương xây dựng sân bay Long Thành Quốc hội đã thông qua, Chính phủ phải có trách nhiệm làm báo cáo khả thi hết sức kỹ lưỡng, khả thi, không thể đặt Quốc hội vào tình cảnh phải bấm nút thông qua cho kịp tiến độ.

Nguồn SGGP-TT