– Kỳ họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc; Indonesia khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống; Cuba và Mỹ thành lập công ty liên doanh đầu tiên; WTO hạ mức dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu; Nga bắt đầu chuyển giao hệ thống S-300 tới Syria; Động đất, sóng thần ở Indonesia; Facebook bị tấn công mạng…là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Kỳ họp 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc
Từ ngày 25/9 đến ngày 1/10, kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Trong vòng 1 tuần lễ cấp cao, 81 nguyên thủ, 47 người đứng đầu chính phủ cùng hàng chục Ngoại trưởng các nước sẽ thay nhau phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Bên cạnh đó còn có khoảng 340 cuộc họp và hàng trăm cuộc gặp song phương bên lề sự kiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (Ảnh: Quang Hiếu)
Các chủ đề chính được các đại biểu tập trung trao đổi tại kỳ họp lần này gồm phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh, quyền con người, những quan ngại về sức khỏe cộng đồng và bình đẳng giới. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu như nội chiến Syria, giải trừ hạt nhân của Triều Tiên hay nền kinh tế thế giới…
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã tham gia các hoạt động của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo 193 quốc gia tham dự Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề: “Để Liên hợp quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chung vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Liên hợp quốc đã phát huy vai trò to lớn của mình, nỗ lực không mệt mỏi để gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc. Ngày nay, Liên hợp quốc đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Trong hơn 70 năm qua, Việt Nam đã đồng hành, đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc và là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG 2015 của Liên hợp quốc, nhất là về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế; bảo vệ tốt môi trường; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người.
Bên lề kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước Cuba, Bulgaria, Croatia… Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế một khi được tín nhiệm bầu vào cơ quan quan trọng này.
Indonesia khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống
Ngày 23/9, chiến dịch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo tại Indonesia đã được khởi động trong một buổi lễ tổ chức ở công viên Đài tưởng niệm quốc gia, Jakarta. Sự kiện này do Ủy ban bầu cử Indonesia chủ trì.
Tại đây, các ứng cử viên đã cam kết cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành hòa bình, an toàn, trật tự, dân chủ, tự do và không phân biệt chủng tộc…
Các nhà phân tích dự đoán, cuộc bầu cử Tổng thống tới sẽ là cuộc chạy đua giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo với đối thủ chính là cựu tướng lĩnh quân đội Prabowo Subianto.
Ở cuộc bầu cử này, Tổng thống đương nhiệm Widodo đã chọn ông Ma’ruf Amin, người đứng đầu Hội đồng Ulema – cơ quan lãnh đạo Hồi giáo cao nhất của Indonesia làm liên danh tranh cử. Còn ông Prabowo Subianto chọn cựu Phó Thị trưởng Jakarta Sandiaga Uno nằm trong liên danh.
Hiện các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đương kim Tổng thống Widodo đang giành nhiều lợi thế so với ông Subianto. Theo kết quả thăm dò dư luận do Indonesian Survey Circle tiến hành, tỉ lệ ủng hộ cặp liên danh tranh cử Widodo và Amin là 52%, còn tỷ lệ ủng hộ cặp liên danh Prabowo và Uno là 30%. Trước đó, trong cuộc bầu cử năm 2014, ông Prabowo đã từng bị thất bại trước Tổng thống Widodo.
Tuy nhiên, dù đang giành được nhiều lợi thế hơn, song các nhà phân tích cũng cho rằng, nếu muốn trúng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, Tổng thống Widodo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do giá trị đồng Rupiah hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua cũng như quan ngại về nạn tin giả có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Dự kiến cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 17-4-2019 với khoảng 186 triệu cử tri đi bầu.
Cuba và Mỹ thành lập công ty liên doanh đầu tiên
Ngày 26/9, Cuba và Mỹ đã thành lập một công ty liên doanh đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học với mục đích phát triển các phương pháp mới điều trị các bệnh ung thư. Theo thông báo từ Công ty Biocubafarma thuộc sở hữu của Nhà nước Cuba (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm công nghiệp), công ty liên doanh đầu tiên giữa Cuba và Mỹ đã được thành lập mang tên Innovative Immunotherapy Alliance S.A.
Công ty Innovative Immunotherapy Alliance S.A. được thành lập giữa sự hợp tác của hai trung tâm nghiên cứu của hai nước là Trung tâm nghiên cứu Miễn dịch học phân tử tại Havana của Cuba và Trung tâm nghiên cứu toàn diện bệnh ung thư Roswell Park tại Buffalo, New York của Mỹ.
Trụ sở của công ty liên doanh này sẽ được đặt tại Khu phát triển đặc biệt Mariel, cách thủ đô Havana của Cuba khoảng 50km về phía Tây. Khu vực phát triển đặc biệt Mariel là nơi tập trung trụ sở của nhiều công ty thương mại quốc tế, hoạt động theo luật thương mại và luật thuế riêng biệt so với phần còn lại của đảo quốc Cuba.
Công ty liên doanh mới được kỳ vọng sẽ phát triển các phương pháp điều trị chống lại nhiều bệnh ung thư. Theo kế hoạch, công ty liên doanh này sẽ sản xuất nhiều sản phẩm chống ung thư được phát triển bởi Cuba, bao gồm cả sản phẩm mang tên CIMAVax-EGF, được biết đến như một phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi.
Sự hợp tác giữa Mỹ và Cuba này đã chứng tỏ các sản phẩm dược liệu công nghệ sinh học của Cuba đạt tiêu chuẩn an toàn cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của Mỹ. Dự kiến, các sản phẩm điều trị của công ty liên doanh giữa hai nước sẽ có mặt tại thị trường Mỹ, sau khi nhận được giấy phép từ Cơ quan quản lý thực phẩm và dược của Mỹ (FDA).
WTO hạ mức dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu
Ngày 27/9, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tuyên bố hạ mức dự đoán tăng trưởng thương mại hàng hoá toàn cầu cho cả hai năm 2018 và 2019, trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại cũng như tình trạng thắt chặt tín dụng tại các thị trường quan trọng trên thế giới.
Theo đó, WTO điều chỉnh mức dự đoán tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2018 xuống còn 3,9% so với mức dự đoán 4,4% được đưa ra vào tháng 4/2018. Đồng thời, WTO cũng hạ mức dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,7%, so với mức 4,0% đưa ra trước đó. WTO ước tính rằng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục phát triển, nhưng chỉ ở tốc độ vừa phải hơn so với dự đoán được đưa ra trước đó.
Theo Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo, hiện nay tuy tăng trưởng thương mại vẫn ổn định ở mức khoẻ mạnh, nhưng việc WTO hạ mức dự báo tăng trưởng lần này phản ánh tình trạng căng thẳng giữa các đối tác thương mại lớn.
Tuy nhiên, WTO cũng tuyên bố các chính sách thương mại không phải là nguyên nhân duy nhất để WTO hạ mức dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu. Một nguyên nhân nữa là do chính sách thắt chặt tiền tệ tại những nền kinh tế phát triển đã góp phần tạo ra sự biến động trên thị trường tỷ giá hối đoái, và điều này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong vài tháng tới.
Nga bắt đầu chuyển giao hệ thống S-300 tới Syria
Ngày 28/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo nước này đã bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng không S-300 tới Syria, đồng thời cảnh báo rằng các nước phương Tây đang tìm cách cản trở những nỗ lực của do Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại New York, Ngoại trưởng Lavrov cho biết: “Nga đã bắt đầu chuyển giao hệ thống S-300 tới Syria và như những gì Tổng thống Nga đã khẳng định, những biện pháp mà chúng tôi thực hiện sẽ bảo đảm an toàn 100% cho các lực lượng của chúng tôi ở Syria”.
Trước đó, máy bay trinh sát Il-20 của Nga đã bị mất liên lạc vào đêm 17/9 (theo giờ địa phương) trong một cuộc tấn công của 4 máy bay tiêm kích F-16 của Israel vào các mục tiêu tại tỉnh Latakia, Syria. Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Israel đã cố tình tạo ra tình thế nguy hiểm bằng cách lợi dụng máy bay của Nga như một lá chắn trước hệ thống phòng không Syria. Một tên lửa phóng lên từ hệ thống phòng không S-200 của Syria đã bắn nhầm vào máy bay Il-20 làm 15 quân nhân Nga trên máy bay thiệt mạng. Đây là trường hợp bắn nhầm nghiêm trọng nhất của quân đội Syria kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào nước này theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad cuối năm 2015.
Động đất, sóng thần tại Indonesia
Vào đêm ngày 28/9, một trận động đất mạnh 7,5 độ richter xảy ra đã gây ra sóng thần cao 6m, cuốn trôi người, ô tô và phá hủy nhiều nhà cửa trên đảo Sulawesi ở Indonesia. Theo số liệu thống kê mới nhất, thảm họa kép khiến ít nhất 832 người thiệt mạng.
Các nhà chức trách Indonesia lo ngại số người thiệt mạng tiếp tục tăng, khi lực lượng tìm kiếm và cứu hộ gặp khó khăn trong việc tiếp cận những khu vực bị cô lập sau thảm họa động đất và sóng thần.
Nhiều nạn nhân thiệt mạng được phát hiện dọc các bãi biển hay trong những tòa nhà đổ nát. Hàng chục người được cho là bị mắc kẹt trong đống đổ nát của hai khách sạn và một trung tâm thương mại ở thành phố Palu.
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra phần lớn các trận động đất mạnh nhất trên thế giới. Quốc gia Đông Nam Á này đã hứng chịu hàng loạt thảm họa động đất và sóng thần trong những năm gần đây.
Năm 2004, một trận động đất mạnh ở ngoài khơi đảo Sumatra gây ra sóng thần ở Ấn Độ Dương, khiến 226.000 người thiệt mạng tại 13 quốc gia khác nhau, bao gồm 120.000 người ở Indonesia.
Facebook bị tấn công mạng, ảnh hưởng tới khoảng 50 triệu tài khoản
Ngày 28/9, Facebook thông báo mạng xã hội này gần đây đã phát hiện ra một vụ tấn công mạng ảnh hưởng tới khoảng 50 triệu tài khoản. Đây là rắc rối mới nhất mà Facebook gặp phải trong năm nay.
Trong thông báo, Facebook cho biết các tin tặc đã khai thác tính năng “View As” để tiến hành vụ tấn công. Facebook khẳng định đã thực hiện những biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề an ninh này, cũng như thông báo với các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, để giải quyết vụ tấn công mạng trên, Facebook, mạng xã hội có khoảng 2,2 tỷ tài khoản hoạt động hàng tháng, cũng đã tiến hành quá trình cài lại tài khoản, trong đó khoảng 90 triệu tài khoản của mạng xã hội này đã tự động thoát ra và người dùng phải tự đăng nhập lại. Thông báo của Facebook cho biết mạng xã hội này chưa phát hiện ra được thủ phạm tiến hành vụ tấn công và tin tặc tới từ đâu. Facebook cũng cho biết hiện chưa thể xác định xem liệu những kẻ tấn công có sử dụng bất hợp pháp những tài khoản nào hay những thông tin cá nhân nào đã bị đánh cắp.
Cùng ngày, trong cuộc gọi trực tuyến với các phóng viên, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của Facebook – ông Mark Zuckerberg đã thừa nhận vụ tấn công mạng mới nhất mà mạng xã hội này gặp phải là “một vấn đề an ninh thực sự nghiêm trọng”.
Ngay sau khi thông tin về vụ tấn công mạng mới nhất được Facebook công bố, cổ phiếu của mạng xã hội này đã giảm 3% giá trị trong phiên giao dịch chiều 28/9 tại thị trường chứng khoán Mỹ./.