VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

“Tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát đến từng mét vuông đất”

 – Ngày 31/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước  (DNNN) và phát triển doanh nghiệp năm 2017.

Cuộc họp có sự tham dự của Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

     Ảnh minh họa
Theo Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long, năm 2017, có 69 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có các doanh nghiệp quy mô vốn Nhà nước rất lớn, trên 1.000 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn Nhà nước cổ phần hóa năm 2016. Cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách Nhà nước năm 2017 đạt 144.577,44 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao), trong đó thu từ cổ phần hóa 5.192,44 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 139.385 tỷ đồng.

Về tình hình phát triển doanh nghiệp nói chung, ông Nguyễn Hồng Long cho biết năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến hết năm 2017 ước tính trên 561.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đạt 47,3%, trong đó, DNNN kinh doanh có lãi chiếm 83,5% trong khối này, doanh nghiệp FDI là 54,4% và thấp nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 47%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, so với trước đây, số doanh nghiệp làm ăn có lãi đã tăng lên nhiều, trong đó trên 80% số DNNN làm ăn có lãi trong khi năm 2012 chỉ có khoảng 30%.

Phó Thủ tướng cho rằng năm 2017 là năm nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cổ phần hoá vì Chính phủ vừa ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa phải thực hiện nhưng đã đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả, cổ phần hóa, thoái vốn, phát triển doanh nghiệp dân doanh, FDI. Chưa bao giờ Chính phủ ban hành danh mục bán vốn tại doanh nghiệp, danh mục IPO tới năm 2020 và công khai cho các nhà đầu tư biết như năm 2017. Thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gấp tới 15,52 lần giá trị sổ sách là con số chưa từng có, trong đó riêng thoái vốn tại Sabeco mang lại giá trị gấp 32 lần mệnh giá, đạt lợi ích tối đa.

Nguyên nhân của thành quả trên, theo Phó Thủ tướng là tinh thần phối hợp nhanh, quyết liệt của các bộ, ngành. Tuy nhiên, kết quả đạt được không đồng đều, một số bộ, ngành còn chậm cổ phần hoá, bán vốn, tâm lý một số nơi quá thận trọng, nhiều nơi sợ sai, sợ phải giải trình. Nhiều DNNN đã cổ phần hoá nhưng vẫn không chịu niêm yết, dù đã đủ điều kiện, đây là việc phải chấn chỉnh.

Số doanh nghiệp đang hoạt động còn xa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Như vậy, tính bình quân từ nay mỗi năm phải thành lập mới 180.000 doanh nghiệp khi mà chỉ tiêu năm 2018 cả nước thành lập mới 135.000 DN. Hơn 80% DNNN làm ăn có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn và trên doanh thu còn thấp. Chi phí tài chính của DN vẫn còn cao, chưa kể chi phí ngầm, “bôi trơn”, không chính thức. “Sức khỏe của doanh nghiệp thế này vẫn chưa yên tâm được”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

“Tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát đến từng mét vuông đất”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị năm 2018 là năm cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quý I/2018 sẽ có 4 doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đây là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong tổng số 69 tập đoàn, tổng công ty đã được cổ phần hóa năm 2017.

Cùng với đó, cần sớm thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khi chưa thành lập được Ủy ban, các bộ không được phép “buông tay” với nhiệm vụ cổ phần hoá, bán vốn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, Nghị quyết của Quốc hội và Đề án mà Chính phủ đã phê duyệt. Tích cực đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được phê duyệt (bao gồm cả kế hoạch năm 2017 chuyển sang chưa làm xong); kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN về tổ chức, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề, nhân sự, tinh thần là tinh giản biên chế sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Kiểm soát chặt đất đai, giá trị doanh nghiệp và công khai minh bạch hoạt động qua niêm yết trên thị trường chứng khoán là 3 bài học lớn của cổ phần hoá, bán vốn năm 2017”.

Phó Thủ tướng dẫn chứng về bài học của Sabeco, tổng giá trị của doanh nghiệp này khi cổ phần hóa chưa đầy 3 tỷ USD nhưng chỉ sau một năm lên sàn chứng khoán phải tuân thủ các báo cáo tài chính minh bạch thì thoái 53,59% vốn đã thu về  gần 5 tỷ USD. Nếu bán hết có thể thu được 10 tỷ USD. Đây là hình mẫu của sự minh bạch trong thoái vốn. Trước đây một số DNNN bán đi, bán lại không được là vì cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát đến từng mét vuông đất. Đất đai phải kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch. Riêng đối với Hà Nội, đấu giá đất theo mảnh đất và vị trí. Hà Nội đang làm tốt khi xác định được 165 mảnh đất của DNNN cần thu hồi để đấu giá đất công khai.

Với những doanh nghiệp có quy mô vốn Nhà nước từ 1.800 tỷ đồng trở lên bắt buộc phải kiểm toán trước khi tiến hành cổ phần hóa. Những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn, nếu thấy cần thiết, Chính phủ vẫn tiến hành kiểm toán thẩm định giá.

Nguồn VnMedia-TT