VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 14/8/2020.

Chủ tịch Foxconn: “Thời hoàng kim là công xưởng thế giới của Trung Quốc đã kết thúc”; Anh trở thành nền kinh tế suy thoái tồi tệ nhất thế giới; Báo Mỹ: Nga tuyên bố vaccine Covid-19 đã được nghiên cứu từ 2014, trước cả khi thế giới xuất hiện đại dịch; Trung Quốc phát hiện thịt gà đông lạnh nhập từ Brazil dương tính với SARS-CoV-2;   Số lượng người mắc COVID-19 trên thế giới vượt mốc 21 triệu người…là những tin chính được cập nhật.

Chủ tịch Foxconn: “Thời hoàng kim là công xưởng thế giới của Trung Quốc đã kết thúc”

  Các đối tác của Apple thừa nhận Trung Quốc không còn là công xưởng của thế giới. (Ảnh: Twitter)   Các đối tác của Apple thừa nhận Trung Quốc không còn là công xưởng của thế giới. (Ảnh: Twitter)
Foxconn và nhiều đối tác Apple đang tích cực di chuyển dây chuyền sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc để tránh những tác động xấu từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Trong báo cáo tài chính quý II/2020 hôm 12/8, Foxconn đã thông báo kế hoạch di chuyển dây chuyền sản xuất nhiều sản phẩm ra khỏi Trung Quốc bao gồm iPhone, máy tính Dell và máy chơi game Nitendo Switch. Theo Bloomberg, Foxconn và nhiều đối tác của Apple đều thừa nhận thời hoàng kim là công xưởng thế giới của Trung Quốc đã kết thúc do tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ.
Hiện công suất sản xuất bên ngoài Trung Quốc của Foxconn đạt 30% tổng công suất, tăng 5% so với tháng 6/2019. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi công ty mở rộng hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và Đông Nam Á để tránh mức thuế Mỹ đánh vào hàng hóa tại Trung Quốc.

Anh trở thành nền kinh tế suy thoái tồi tệ nhất thế giới
Quốc gia này đã trải qua thời kỳ sụt giảm GDP tồi tệ nhất từ tháng 4 đến tháng 6, lên đến 20,4% – mức chưa từng có kể từ khi số liệu này bắt đầu được thu thập từ năm 1955 đến nay.
Theo CNN, sản lượng kinh tế của Anh đã ghi nhận mức giảm hàng quý tồi tệ nhất trong lịch sử. Mức sụt giảm GDP lên đến 20,4% từ tháng 4 đến 6 trong năm nay đã đẩy Anh rơi vào cuộc suy thoái sâu nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Phần lớn những ngành giảm nhiều nhất đến từ dịch vụ, sản xuất và xây dựng sau những biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, so với quý I/2020, kinh tế Anh chỉ hứng chịu mức sụt giảm khoảng 2,2%.

Báo Mỹ: Nga tuyên bố vaccine Covid-19 đã được nghiên cứu từ 2014, trước cả khi thế giới xuất hiện đại dịch
Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ vaccine với các quốc gia có thiện chí, và dành lời chúc may mắn với những tổ chức tỏ ý nghi ngờ về chất lượng sản phẩm mới được công bố.
Theo CNBC, Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc gia RDIF của Nga cho biết nước này đã nghiên cứu hiệu quả vaccine Covid-19 trong suốt 6 năm qua và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.
Hôm 11/8, Nga tuyên bố đã tự phê duyệt vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Nước này cho biết quá trình phát triển vắc xin phòng bệnh Ebola và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã giúp họ nhanh chóng tìm ra loại vaccine mới có thể phòng chống virus Covid-19.
“Nga luôn đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine. Chúng tôi đã rất may mắn bởi Covid-19 khá tương đồng với dịch MERS nên những nghiên cứu về vaccine phòng MERS trước đó được áp dụng lại để tìm ra vaccineCovid-19”, ông Dmitriev cho biết.
Loại vaccine mới do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ và vi sinh vật học Gamaleya của Nga phát triển sẽ được đặt tên là Sputnik V, lấy theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới được phóng lên vũ trụ năm 1957 dưới thời Liên Xô.
Về giá bán, Alexei Repik, Chủ tịch HĐQT công ty dược R-Pharm, cho biết 2 liều vaccine Covid-19 của Nga bán ra nước ngoài sẽ có giá ít nhất là 10 USD, đồng thời đưa ra nhận định “những lô hàng đầu tiên có thể có giá khá đắt đỏ”.

Bill Gates: Dịch Covid-19 sẽ chấm dứt ở các nước giàu vào cuối năm 2021
– Nhà đồng sáng lập Microsoft đưa ra dự báo rằng dịch bệnh sẽ còn ảnh hưởng kéo dài đến các nước đang phát triển.
Mọi người đều đang mòn mỏi chờ đợi ngày mà đại dịch Covid-19 kết thúc, và nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft Bill Gates cũng có dự đoán của riêng mình. Tuy nhiên, dự đoán của ông còn tùy vào việc bạn đang sống ở nước đang phát triển hay những nước phát triển như Mỹ.
“Tôi rất ấn tượng với cái cách mà công tác chuẩn đoán, chữa trị và chế tạo vaccine đang được cải tiến và mở rộng quy mô,” Bill Gates phát biểu với tờ Wired trong một buổi phỏng vấn mới đây. “Điều này mang đến cho tôi cảm giác rằng, đối với các nước giàu có, cơn khủng hoảng này phần lớn sẽ dừng lại vào cuối năm 2021, và ở phần còn lại của thế giới là cuối năm 2022″.
Với tư cách là nhà tài trợ của nhiều cuộc nghiên cứu y học và chương trình vaccine thông qua Quỹ Bill và Melinda Gates, vị tỉ phú này không hề tỏ là người lạc quan thái quá. Ông thừa hiểu rằng kể cả nếu dự báo của ông thành hiện thực, dịch bệnh cũng đã làm đình trệ vài năm phát triển của nhiều nước như cái cách mà những dịch bệnh như sốt, bại liệt, HIV đã làm.

Facebook, Amazon, Netflix đệ đơn kiện Tổng thống Trump
Mới đây, Reuters cho biết, các công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Amazon, Facebook hay Netflix đã đệ trình một bản tóm tắt pháp lý lên tòa án liên bang ở California để kiện Tổng thống Trump về chính sách đóng băng visa H-1B.
Được biết, từ ngày 22/6, sau khi Tổng thống Trump chính thức ký chính sách này đã ngay lập tức ảnh hưởng đến những lao động tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ và gia đình họ, những người đến Mỹ theo diện visa H-1B.
Trong bản đệ trình, các công ty cho rằng, chính sách hạn chế visa của Trump có thể gây ra thiệt hại không thể bù đắp cho các doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế của nước Mỹ.
“Các đối thủ cạnh tranh toàn cầu ở Canada, Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác đang chớp lấy cơ hội thu hút nhân tài được đào tại bài bản, có sáng kiến. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ phải cố gắng điều chỉnh, tuyển dụng nhân sự để làm việc tại các địa điểm ngoài lãnh thổ”, Reuters trích bản đệ trình. Được biết, Apple, Microsoft, Netflix, Twitter nằm trong số 52 công ty đã ký vào bản tóm tắt vụ kiện do NAM đề xuất.

Trung Quốc phát hiện thịt gà đông lạnh nhập từ Brazil dương tính với SARS-CoV-2
Chính quyền thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 13/8 cho biết, một mẫu cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil vào thành phố đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau khi có thông báo, các cơ quan y tế của Thâm Quyến ngay lập tức truy tìm và kiểm tra tất cả những trường hợp đã tiếp xúc với các sản phẩm nhập khẩu từ Brazil. Theo kết quả xét nghiệm ban đầu không ai có kết quả dương tính.
Trước đó vào hôm qua, các cơ quan Y tế Trung Quốc cho biết virus SARS-CoV-2 cũng đã được tìm thấy trên bao bì tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador tại Hạ Môn và  Đại Liên. Hiện Trung Quốc đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu hàng đông lạnh từ ba nhà sản xuất tôm của Ecuador.

Tổng thống Mỹ tiếp tục thúc đẩy mở cửa các trường học
Tổng thống Trump tiếp tục thúc đẩy việc mở cửa trở lại các trường học tại Mỹ trong bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp.
Phát biểu trước báo giới ngày 12/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Chính phủ liên bang sẽ cung cấp 125 triệu khẩu trang có thể tái sử dụng cho các khu vực trường học trên toàn quốc. Ông cũng bày tỏ hy vọng tất cả trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 11 tới trong nỗ lực đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường trong thời kỳ đại dịch.

Trung Quốc lại thêm ca mắc COVID-19 từ tháng 4 tái dương tính
Trung Quốc lại có thêm 1 tỉnh thông báo phát hiện ca COVID-19 đã khỏi bị tái dương tính sau nhiều tháng mắc bệnh. Khác với trường hợp phát hiện trước đó là ca bệnh trong nước, người bệnh mới này vốn là 1 ca nhập cảnh.
Theo thông tin công bố ngày 12/8, Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo (Ban chỉ huy) công tác phòng chống dịch COVID-19 châu Diên Biên, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc nhận được thông báo về việc một cư dân nam ở thành phố Hồn Xuân thuộc địa phương này khi đến bệnh viện Trung Sơn thuộc Đại học Phúc Đán Thượng Hải khám bệnh đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 10/8. Cơ quan y tế địa phương khẳng định, đây không phải là ca Covid-19 mới, mà là trường hợp tái dương tính sau nhiều tháng khỏi bệnh.
Trước đó, cũng trong ngày 12/8, thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc đã xác nhận một trường hợp là nữ, 68 tuổi, sau khi nhập viện chữa bệnh đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 hôm 9/8. Bà từng mắc Covid-19 ngày 8/2 và đã “tái dương tính” sau nhiều tháng được chữa khỏi.

Quan tham Trung Quốc nhận hối lộ 258 triệu USD, nuôi 100 nhân tình
Cựu Chủ tịch một công ty quản lý tài sản có tiếng ở Trung Quốc bị cáo buộc nhận hối lộ mức tiền kỷ lục 1,79 tỷ NDT (258 triệu USD) trong hơn 10 năm. Lại Tiểu Dân, 57 tuổi, cựu Giám đốc China Huarong Asset Management, 1 trong 4 công ty quản lý tài sản tài chính lớn nhất tại Trung Quốc hôm 11/8 hầu tòa ở thành phố Thiên Tân với cáo buộc hối lộ, tham ô.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, từ năm 2008-2018, Lại lợi dụng chức vị ở Huarong và vai trò giám đốc bộ phận giám sát ngân hàng tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để nâng đỡ cho những người hối lộ mình. Số tiền hối lộ mà Lại nhận từ các đơn vị, cá nhân lên tới 1,79 tỷ NDT (258 triệu USD), phá vỡ kỷ lục về tham nhũng của các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh và trưởng bộ của Trung Quốc trong quá khứ.
Ngoài ra, Lai vung tiền mua cả một khu phố cho 100 người tình cùng con cái của họ sống chung. Kỳ lạ là tất cả đều chung sống hòa thuận và không hề xảy ra mâu thuẫn. Không chỉ cấp nhà, ông này còn để người tình nắm giữ các vị trí quan trọng trong Huarong và các công ty con như quản lý, giám đốc điều hành. Những người quan hệ với Lại càng lâu, vị trí mà họ nhận được càng cao.

Ngoại trưởng Mỹ: Mối đe dọa từ Trung Quốc lớn hơn thời Chiến tranh Lạnh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 12/8 cho rằng Trung Quốc gây ra mối đe dọa cho phương Tây nguy hại hơn so với thời Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu tại Thượng viện CH Séc trong chuyến thăm 5 ngày đến các nước Trung Âu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa từ Trung Quốc. “Những gì đang xảy ra bây giờ không phải là Chiến tranh Lạnh 2.0. Song việc chống lại các thách thức và mối đe dọa của Trung Quốc theo một cách nào đó còn tồi tệ hơn ở nhiều mặt”.
“Trung Quốc đã thâm nhập vào nền kinh tế, nền chính trị và xã hội của chúng ta”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh.

***    Số lượng người mắc COVID-19 trên thế giới vượt mốc 21 triệu người
(ĐCSVN) – Đến sáng sớm 14/8, thế giới có tổng số 21.030.489 ca nhiễm và 75.775 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 232.935 và 5.369 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
 Số lượng người mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao. (Ảnh: AFP)
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 10/8, đã có 13.830.153 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 6.448.529 ca bệnh đang điều trị, có 6.383.947 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 64.582 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoàn hành tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 64.142  ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mới nhiễm COVID-19 nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil và Mỹ với lần lượt là 54.402 và 44.100 ca. Tuy nhiên, Brazil mới là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19 khi con số này tăng vọt lên 1.200 ca ghi nhận được trong 24 giờ qua.

Bắc Mỹ tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 53.062 ca nhiễm COVID-19 và 1.725 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 6.360.997 và 242.008 ca. Với 5.404.402 ca nhiễm và 170.051 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau đó là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 498.380 và 121.028 ca nhiễm, cùng 54.666 và 9.012 ca tử vong vì COVID-19.

Với 5.391.351 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 14/8, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 115.630 ca đã tử vong do COVID-19 và 4.114.462 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Iran và Saudi Arabia với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 2.459.613 ; 336.324 và 294.519 ca. Trong bối cảnh đó, công ty dược phẩm Zydus Cadila của Ấn Độ thông báo chính thức tung ra thị trường nội địa loại thuốc tiêm kháng virus Remdesivir ở dạng bột đông khô để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thể nặng. Loại thuốc này có giá 37,4 USD/1 lọ có hàm lượng 100mg. Tương tự, công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ cũng thông báo công ty công nghệ sinh học SK bioscience của Hàn Quốc sẽ sản xuất một thành phần của vaccine NVX-CoV2373 ngừa COVID-19 do Novavax phát triển và đang thử nghiệm lâm sàng. Hai công ty cho biết đã ký ý định thư với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc để cung ứng vaccine này tại thị trường Hàn Quốc. SK bioscience sẽ bắt đầu sản xuất kháng nguyên của vaccine trên tại cơ sở ở Hàn Quốc trong tháng này. Tập đoàn Fujifilm Holdings của Nhật Bản cũng thông báo sẽ hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chống cúm Avigan vào tháng 9 tới. Loại thuốc này được xem là một ứng cử viên tiềm năng trong việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 59.292 ca nhiễm và 1.420 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 5.038.231 ca và 166.884 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 54.402 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 3.224.876 vào thời điểm hiện tại. Với 1.200 ca tử vong được ghi nhận chỉ trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; trong khi Peru và Colombia – hai nước có số ca nhiễm nhiều thứ hai và thứ ba khu vực (498.555 và 422.519 ca) lại không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 3.127.312 ca, trong đó có 202.168 ca tử vong và 1.872.270 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 20.856 ca nhiễm và 360 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Tây Ban Nha và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 907.758; 379.799 và 313.798 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 41.347 ca, sau khi có thêm 18 ca trong 24 giờ qua. Viện Paul Ehrlich (PEI) – đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép vaccine ở Đức, cho biết chỉ có thể có vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Chủ tịch PEI Klaus Cichutek nêu rõ: “Tôi cho rằng việc cấp phép (tiêm vaccine) sẽ vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm tới với điều kiện giai đoạn 3 trong tiến trình điều chế có kết quả tích cực”.

Tính đến sáng 14/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.087.453 ca, trong đó có 24.683 ca tử vong và 781.691 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 572.865 ca nhiễm và 11.270 ca tử vong. Tiếp theo đó là Ai Cập và Nigeria, với lần lượt 95.963 và 47.743 ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hai quốc gia này đều không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới nào trong vòng 24 giờ qua, trong khi Nam Phi có tới 3.946 ca nhiễm mới và 260 ca tử vong ở cùng thời gian này.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 24.424 ca nhiễm (tăng 242 ca) và 387 ca tử vong (tăng 9 ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 231 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 22.358 ca, trong đó 361 ca tử vong (tăng 9 ca).

Trong bối cảnh rất nhiều trường học trên thế giới phải đóng cửa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 13/8 cho biết khoảng 43% trường học trên toàn thế giới bước vào đại dịch COVID-19 thiếu các điều kiện rửa tay bằng nước và xà phòng cơ bản và có khoảng 818 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ bị mắc COVID-19 và các bệnh lây nhiễm khác.

Báo cáo chung của WHO và UNICEF nhấn mạnh trong số 818 triệu trẻ em trên toàn thế giới thì có 355 triệu trẻ em đến trường học có nước rửa tay nhưng không có xà phòng, số còn lại không có các điều kiện hoặc nước để rửa tay. Tại 60 quốc gia có nguy cơ cao nhất diễn ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo và y tế do COVID-19 thì có 3/4 trẻ em thiếu các điều kiện rửa tay cơ bản tại trường học kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Tại các nước kém phát triển nhất, 7/10 trường học thiếu các điều kiện rửa tay cơ bản.

Theo Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore, “việc đóng cửa các trường học trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu đã tạo ra thách thức chưa từng có đối với giáo dục và quyền lợi của trẻ em. Chúng ta phải ưu tiên việc học của trẻ em. Điều này có nghĩa là phải đảm bảo các trường học an toàn để mở cửa trở lại, bao gồm cả việc tiếp cận với vệ sinh tay, nước uống sạch và điều kiện vệ sinh an toàn”. Còn Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thì nhấn mạnh: “Tiếp cận với ước, vệ sinh và điều kiện vệ sinh là điều cần thiết để ngăn ngừa và kiểm soát việc lây nhiễm hiệu quả ở tất cả các cơ sở, bao gồm cả các trường học. Đây phải là trọng tâm trong chiến lược của chính phủ các nước nhằm mở cửa trường học trở lại an toàn và đảm bảo hoạt động của các trường học trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra toàn cầu”./.
Tổng hợp-TT