Quỹ phục hồi kinh tế: Phép thử của EU; Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt 2,6 triệu; Nga sắp thành “tâm dịch” mới toàn cầu; Ngoại giao ‘chiến lang’ Trung Quốc lên ngôi thời Covid-19; Giá dầu có thể xuống âm 100 USD; Phát hiện Covid-19 có mặt ở Mỹ từ tháng 1, bị nhầm với cúm mùa; Thế giới thận trọng nới lỏng cách ly, WHO cảnh báo ‘đừng mắc sai lầm’…là những tin chính được cập nhật.
Quỹ phục hồi kinh tế: Phép thử của EU
EU sẽ họp Hội nghị thượng đỉnh bàn việc thành lập Quỹ phục hồi kinh tế
SGGP-Theo kế hoạch, hôm nay 23-4 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) về việc thành lập Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Mặc dù EU đang tiến gần hơn đến sự đồng thuận về sử dụng ngân sách dài hạn chung, tuy nhiên khối này vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng do còn nhiều chi tiết gây tranh cãi.
Giới hạn nội dung để hạn chế khác biệt
Ý tưởng về quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 được nhiều quan chức hàng đầu EU đưa ra sau khi hồi đầu tháng, Viện nghiên cứu Ifo của Đức và Viện Kinh tế Thụy Sĩ (KOF) đưa ra đánh giá, nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ rơi vào “suy thoái sâu” trong nửa đầu năm nay. Với ước tính dịch Covid-19 có thể “làm bốc hơi” 1/10 sản lượng kinh tế của khối, Ủy ban châu Âu (EC) đang cố gắng thương thảo một chương trình phục hồi trị giá 1.500 tỷ EUR.
Trong thư mời gửi các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, Quỹ phục hồi kinh tế nên được hình thành càng sớm càng tốt dựa trên ngân sách dài hạn tiếp theo của khối cho giai đoạn 2021-2027. Tuy nhiên, để tránh tình huống sẽ có nhiều khác biệt giữa các quốc gia thành viên EU dẫn đến sự lúng túng trong việc đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng EU chỉ nên bàn về việc đưa ra một quỹ cứu trợ dài hạn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra về việc quỹ cứu trợ này sẽ trị giá bao nhiêu cũng như cách lấy nguồn tiền ra sao vẫn đang gây ra bất đồng lớn.
Phập phù số phận “trái phiếu Corona”
Kế hoạch về gói cứu trợ sẽ phải được cả 27 quốc gia thành viên chấp thuận để có thể có hiệu lực từ năm tới. Đây được cho là thách thức to lớn với EU tại thời điểm đại dịch đang là phép thử cho tính thống nhất của khối trong bối cảnh ngân sách 7 năm tới của EU vốn đã là chủ đề gây chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên.
Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt 2,6 triệu
SGGPO – Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ 30 sáng 23-4 (theo giờ Việt Nam), dịch bệnh Covid-19 đã lây lan tổng cộng 210 nước và vùng lãnh thổ toàn thế giới, khiến 2.637.716 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 184.223 người đã tử vong. Hiện số người bình phục và xuất viện ở mức 717.759 người, trong khi số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch là 56.674.
Nga sắp thành “tâm dịch” mới toàn cầu
Nga ngày thứ 6 liên tiếp báo cáo hơn 4.000 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên gần 58.000 và được dự báo sẽ sớm vượt Trung Quốc về số ca nhiễm.
The Moscow Times ngày 22/4 dẫn thông báo của cơ quan ứng phó dịch COVID-19 tại Nga cho hay nước này ghi nhận thêm 5.236 ca nhiễm mới trong 24h gần nhất, nâng tổng số bệnh nhân lên 57.999. Tại Nga, 513 người đã thiệt mạng vì COVID-19.
Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Nga báo cáo hơn 4.000 ca nhiễm mới trong 24h. Hôm 21/4, số ca nhiễm mới trong ngày được báo cáo tại Nga là 5.642, chỉ xếp sau Mỹ, nơi ghi nhận 25.985 ca nhiễm mới, và bỏ xa các nước châu Âu.
Nêu tiếp tục đà này, Nga sẽ mất dưới một tuần nữa để có số người nhiễm COVID-19 vượt Trung Quốc, nơi dịch xuất phát và xác nhận 82.700 ca nhiễm. Nga hiện đứng thứ 10 trong danh sách các nước có nhiều người nhiễm nhất, ngay sau Trung Quốc.
Tại Nga, thủ đô Mocsow tiếp tục là khu vực hứng ảnh hưởng nặng nhất với gần 32.000 người nhiễm. Các bệnh viện ở đây bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải. Nga hôm 21/4 hoàn thành bệnh viện xây dựng mới ứng phó COVID-19 và khẩn trương tiếp nhận bệnh nhân vào đây.
Moscow đã phong toả toàn thành phố từ cuối tháng 3, song nhiều người dân vẫn được phép đi lại. Thành phố cũng cho phép những người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ tự điều trị cách ly tại nhà và sử dụng dữ liệu điện thoại để kiểm soát họ.
Ngoại giao ‘chiến lang’ Trung Quốc lên ngôi thời Covid-19
Từ khi Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát dư luận liên quan đến vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng.
Liệu Trung Quốc là nạn nhân, đã kiểm soát khéo léo một dịch bệnh chết người không thể lường trước và nay đang hỗ trợ các quốc gia khác chống dịch, hay là bên phải chịu trách nhiệm vì che giấu thông tin, khiến dịch bệnh lan khắp toàn cầu?
Trung Quốc đang nỗ lực truyền bá quan điểm đầu tiên. Bắc Kinh đã hỗ trợ lượng lớn vật tư y tế cho một số nước ở châu Âu và châu Phi. Trung Quốc còn nhận được lời khen ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì phản ứng của họ trước Covid-19, giúp họ phục hồi nhanh chóng, trái ngược với nhiều nơi trên thế giới hiện phải chật vật đối phó với dịch bệnh.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 mang đến cơ hội để Trung Quốc củng cố vị thế với tư cách một cường quốc và một lãnh đạo toàn cầu, đặc biệt khi mà Mỹ đang gặp khó khăn trong nỗ lực chống dịch và Tổng thống Donald Trump đang dần xa lánh các đồng minh với cách tiếp cận đặt nước Mỹ lên hàng đầu trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá Bắc Kinh khó lòng tránh khỏi những hoài nghi sâu sắc và chỉ trích gay gắt, chủ yếu từ Washington, nhưng không phải duy nhất, vì sự trì hoãn trong công tác ứng phó dịch bệnh ở những ngày đầu, làm mất đi cơ hội vàng ngăn chặn virus lây lan. Mặt khác, các số liệu liên quan đến Covid-19 mà Trung Quốc công bố cũng bị cho là không đáng tin.
Quyết tâm không để vuột mất cơ hội và xua tan những ý nghĩ cho rằng họ là “kẻ xấu”, giới lãnh đạo Trung Quốc đang đáp trả các ý kiến chỉ trích đầy mạnh bạo và thường đi kèm với thái độ tức giận. Nó được thúc đẩy không chỉ bởi truyền thông nhà nước mà còn nhờ hàng loạt nhà ngoại giao thường xuyên truyền những thông điệp tích cực về cách Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh tới các “khán giả” nước ngoài thông qua nền tảng mạng xã hội Twitter hay Facebook.
Giá dầu có thể xuống âm 100 USD
Thế giới nguy cơ hết chỗ chứa cuối tháng 5, trong khi giao dịch dầu thô không có giá sàn có thể đẩy giá chìm sâu xuống vùng âm.
Được phóng lên quỹ đạo từ năm 2014, Sentinel-1 được thiết kế để gửi về những hình ảnh có độ phân giải cao ghi lại mọi chuyển động trên bề mặt trái đất, gồm cả những bể chứa và các tàu chở dầu. Những dữ liệu này sẽ được sử dụng để tính toán lượng dầu thô đã lưu trữ. Mới đây, hình ảnh từ Sentinel-1 gửi đến một thông điệp đáng báo động: các kho chứa dầu đã đầy.
Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây và thị trường mới chỉ bắt đầu đoán xem điều đó có nghĩa là gì. Các chuyên gia cho rằng có thể chỉ trong vài tuần tới, thế giới sẽ không còn chỗ chứa dầu. Hệ quả là giá “vàng đen” tại nhiều nơi được dự báo sẽ về 0, thậm chí xuống mức âm.
“Dữ liệu từ vệ tinh Sentinel-1 cho thấy cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, cả thế giới sẽ rơi vào tình trạng hết chỗ chứa”, Florian Thaler – chuyên gia của Oilx, một công ty nghiên cứu dữ liệu gửi về từ vệ tinh, cho biết.
Phát hiện Covid-19 có mặt ở Mỹ từ tháng 1, bị nhầm với cúm mùa
Giới chức y tế tại quận Santa Clara, bang California cho rằng virus corona đã xuất hiện ở khu vực này từ tháng 1, và các ca tử vong vì Covid-19 đã bị quy nhầm cho bệnh cúm mùa.
Theo Reuters, một phụ nữ 57 tuổi ở quận Santa Clara, bang California đã tử vong vì Covid-19 hôm 6/2, sớm hơn bất cứ ca nhiễm virus corona nào từng được ghi nhận ở Mỹ, theo giới chức y tế địa phương.
Trước đây, ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên ở Mỹ vẫn được cho là diễn ra vào ngày 29/2 ở bang Washington.
Thông tin về các ca tử vong sớm hơn 3 tuần ở bang California có thể sẽ giúp quan chức y tế công cộng hiểu đầy đủ hơn về sự bùng phát của đại dịch ở nước Mỹ.
Cái chết của người phụ nữ 57 tuổi và hai trường hợp khác, bao gồm một người đàn ông 69 tuổi chết hôm 17/2 và một người đàn ông 70 tuổi chết hôm 6/3, đều được xác nhận là những người nhiễm virus corona sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) lấy mẫu xét nghiệm những người này.
Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc phá hủy mẫu bệnh phẩm virus corona
Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Bắc Kinh phá hủy các mẫu bệnh phẩm nhiễm virus corona trong giai đoạn đầu của bệnh dịch, và yêu cầu chính phủ TQ chia sẻ thêm dữ liệu về đại dịch.
“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Trung Quốc đã không báo cáo về sự bùng phát của virus corona một cách kịp thời cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, ông Pompeo nói trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 22/4, theo South China Morning Post.
“Ngay cả sau khi Trung Quốc thông báo với WHO về sự bùng phát của virus corona, Trung Quốc cũng không chia sẻ tất cả thông tin mà họ có”, ông Pompeo nói thêm.
“Thay vào đó, họ che đậy sự nguy hiểm của bệnh dịch. Họ không báo cáo về việc lây nhiễm từ người sang người cho đến tận một tháng sau, khi bệnh dịch đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh của Trung Quốc”, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
“Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ mẫu virus từ bên trong nước này với thế giới bên ngoài, khiến cho không thể việc theo dõi sự tiến hoá của dịch bệnh”, ông Pompeo cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ trích WHO và cho rằng Tổng giám đốc Tedros Adhanom đã không sử dụng quyền “công khai” của tổ chức khi một quốc gia thành viên không tuân thủ luật lệ.
Thế giới thận trọng nới lỏng cách ly, WHO cảnh báo ‘đừng mắc sai lầm’
Đến sáng 23/4, thế giới ghi nhận 2.620.579 ca nhiễm Covid-19 và 182.903 trường hợp tử vong – theo ĐH Johns Hopkins. Hầu hết các quốc gia đều đang tỏ ra thận trọng trong việc nới lỏng các lệnh cách ly.
Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp
Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu phê chuẩn việc kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ 3, đến ngày 9/5.
Tình trạng khẩn cấp được tuyên bố lần đầu tiên hôm 14/3, nhằm thiết lập các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc di chuyển và các hoạt động kinh doanh.
Thủ tướng Pedro Sanchez cảnh báo quốc hội, giai đoạn giảm tải căng thẳng tiếp theo và hành trình trở về trạng thái bình thường “cần diễn ra từ từ và an toàn”.
Tây Ban Nha hiện có 208.389 ca nhiễm với 21.717 trường hợp tử vong, và là nước đã áp dụng lệnh giới hạn di chuyển nghiêm ngặt nhất ở châu Âu.
Hơn 25.000 người chết tại Italia
Ít nhất 25.085 người đã tử vong liên quan đến Covid-19 tại Italia, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự nước này. Hiện 107.699 ca mắc bệnh vẫn đang được điều trị.
Tổng số ca nhiễm, bao gồm các ca tử vong và khỏi bệnh, hiện là 187.327. Italia có số ca nhiễm cao thứ 3 và số ca tử vong cao thứ 2 thế giới.
Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới
Mỹ hiện có 846.982 ca nhiễm Covid-19, trong đó 46.560 trường hợp tử vong. So với con số chiều 22/4 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm đã tăng hơn 21.600 ca và có thêm 1.485 trường hợp tử vong được ghi nhận.
Nhân viên y tế đưa một bệnh nhân có triệu chứng Covid-19 ra khỏi xe cứu thương ở bang Maryland, Mỹ hôm 21/4
Anh lo ngại về làn sóng thứ hai
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cảnh báo, làn sóng ca nhiễm thứ hai sẽ gây rủi ro lớn nhất cho đất nước, dẫn đến việc phải có khoảng thời gian phong toả tiếp theo.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab phát biểu tại Hạ viện hôm 22/4
“Rủi ro lớn nhất cho chúng ta bây giờ là nếu chúng ta nới lỏng các quy định giãn cách xã hội quá sớm, chúng ta có thể có một làn sóng các ca nhiễm virus thứ hai và một lệnh phong toả thứ hai, kéo dài những tác động kinh tế mà chúng ta đều đang phải trải qua”, ông Raab phát biểu trước báo giới.
Tương tự, Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh – Giáo sư Chris Whitty cũng cho rằng kỳ vọng vào việc đột ngột dỡ bỏ tất cả các lệnh giới hạn phong toả sẽ là phi thực tế, ngay cả khi các bộ trưởng cho biết nước Anh đã vượt qua đỉnh dịch.
Hiện Anh ghi nhận 134.637 ca nhiễm với 18.151 trường hợp tử vong.
Ấn Độ bảo vệ nhân viên y tế
Ấn Độ đã ban bố một sắc lệnh hành pháp khẩn cấp để ngăn các hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế.
Hồi tháng 3, nhiều nhân viên y tế ở thủ đô New Delhi đã bị đuổi ra khỏi nơi ở và đe doạ cắt điện. Hồi đầu tháng này, CNN cũng đưa tin về một đám đông đã ném đá vào các nhân viên y tế tuyến đầu khi họ cố gắng điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm virus corona chủng mới tại bang miền Trung Ấn Độ Madhya Predesh.
Y bác sĩ tại bệnh viện Narayan Swaroop ở Allahabad cầm các tấm biển ghi thông điệp phản đối các vụ tấn công nhân viên y tế gần đây tại Ấn Độ
“Nhân viên y tế đang cố gắng cứu đất nước khỏi đại dịch, nhưng không may lại đang phải đối mặt với những sự tấn công”, Bộ trưởng Liên minh Ấn Độ P Javadekar cho biết. Ấn Độ hiện có 21.370 ca nhiễm Covid-19 và 681 trường hợp tử vong.
Ukraina gia hạn lệnh phong toả
Ukraina sẽ kéo dài các biện pháp phong toả phòng dịch Covid-19 đến 11/5, sau những dự đoán rằng dịch sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng sau.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (thứ hai từ phải sang), trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ hôm 21/4
“Chúng ta cần phải nói chính xác cho người dân khi nào và những gì sẽ được mở cửa, và kế hoạch hành động của chính phủ là gì”, tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết. “Đỉnh dịch được dự kiến sẽ đạt vào đầu tháng 5. Mọi người cần phải hiểu rằng, họ có được phép đi bộ trong công viên, đến tiệm cắt tóc, phòng công chứng, luật sư và làm các công việc khác hay không”.
Ukraina hiện có 6.592 ca nhiễm và 174 trường hợp tử vong.
WHO hy vọng Mỹ sẽ nghĩ lại
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng chính phủ của Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi quyết định ngừng đóng góp cho tổ chức này.
“Tôi hi vọng việc ngừng tài trợ sẽ được cân nhắc lại. Mỹ sẽ lại tiếp tục ủng hộ công việc của WHO và tiếp tục cứu người”, ông nói, đồng thời cảnh báo việc tái mở cửa hoạt động di chuyển giữa các nước cần được quản lý cẩn thận.
“Hầu hết các nước vẫn đang ở các giai đoạn đầu của đại dịch và một số nước bị ảnh hưởng sớm đang chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại. Đừng mắc sai lầm, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Con virus này sẽ còn ở lại với chúng ta trong một thời gian dài”, ông phát biểu tại Geneva, Thuỵ Sĩ.
*** Cơ hội điều chế thành công vaccine COVID-19 tại Anh
Công cuộc nghiên cứu quốc tế nhằm tìm ra loại vaccine ngừa COVID-19 “có cơ hội thành công rất cao”, theo nhận định của một nhà khoa học Anh, trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine trên người vào ngày mai.
Ấn Độ dừng sử dụng kit xét nghiệm nhanh COVID-19 của Trung Quốc vì lỗi
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) đã khuyến cáo tất cả các bang dừng sử dụng kit xét nghiệm nhanh COVID-19 do Trung Quốc sản xuất trong hai ngày tới vì phát hiện lỗi, theo CNN.
Tử vong vì COVID-19 chưa đầy một tháng trước khi hết 44 năm tù
Một tù nhân ở Michigan, Mỹ, đã qua đời vì COVID-19 chỉ chưa đầy một tháng trước khi mãn hạn tù 44 năm.
Một bang của Mỹ kiện Trung Quốc vì dịch COVID-19
Bang Missouri, Mỹ ngày 21/4 đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc, tuyên bố rằng Bắc Kinh đã có liên quan đến việc bùng phát dịch COVID-19, dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế, theo SCMP.
Phát hiện một loạt ca nhiễm COVID-19 trên du thuyền tại Nhật Bản
33 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã được phát hiện trên một du thuyền Italia đang neo đậu ở tỉnh Nagasaki, Nhật Bản hôm 22/4, dấy lên nghi ngại về một kịch bản tương tự du thuyền Diamond Princess sẽ xảy ra.
Ông Netanyahu nắm quyền tiếp, Israel thoát bế tắc chính trị giữa “bão” COVID-19
Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ tiếp tục nắm quyền sau khi đạt thỏa thuận với đối thủ chính trị Benny Gantz nhằm thành lập chính phủ liên minh, qua đó chấm dứt một năm bế tắc chính trị ở Israel.
Bác sĩ người Nga thiệt mạng vì biến chứng bất ngờ của COVID-19
Một bác sĩ Nga 56 tuổi đã qua đời vì biến chứng bất ngờ của COVID-19, trở thành nhân viên y tế đầu tiên tại nước này thiệt mạng vì dịch.
Dịch COVID-19 làm gia tăng sự kỳ thị chủng tộc ở Úc
Ở Úc, một số cư dân gốc Á đã trở thành những nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán.
Hé lộ căng thẳng trong nội bộ Hoàng gia Saudi Arabia
Trong khi hoàng tử kế vị đang ra sức trấn áp những người ly khai, một bức thư ngỏ đăng trên Twitter đã hé lộ những căng thẳng trong nội bộ Hoàng gia Saudi Arabia. Công chúa Basmah Bint bày tỏ lo ngại về sự lây lan của coronavirus tại nhà tù Al-Ha’ir nơi bà đang bị giam giữ.
Vừa khỏi bệnh, Thủ tướng Anh điện đàm ngay với Tổng thống Mỹ
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hợp tác chống COVID-19, ngay khi tình trạng sức khỏe của ông trở nên ổn định hơn.
Người phụ nữ tử vong bất thường sau khi xuất viện âm tính với COVID-19
Một người phụ nữ đã thiệt mạng bất ngờ trên đường phố ở thủ đô Moscow của Nga, một ngày sau khi xuất viện với kết quả âm tính COVID-19.
COVID-19 và những thách thức chưa từng có với nước Mỹ
Theo các nhà phân tích, “cuộc chiến” với COVID-19 là thách thức chưa từng có với Tổng thống Donal Trump.
Bị bắn không chết vì làm ngực silicon
Nhờ cấy ghép ngực silicon, một người phụ nữ đã may mắn sống sót sau khi bị bắn ở tầm gần.
Châu Âu rục rịch cho trẻ đến trường hậu phong tỏa
Hà Lan và Pháp là hai trong số nhiều quốc gia châu Âu tuyên bố sẽ mở cửa trở lại các trường tiểu học vào tháng tới, trong một nỗ lực nới lỏng hạn chế đi lại đối với trẻ em, sau nhiều tuần đối phó với đại dịch COVID-19.
Nga nghi có âm mưu đằng sau vụ giá dầu lao dốc xuống mức âm
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, từng giữ chức Tổng thống và Thủ tướng Nga, nói rằng vụ giá dầu lao dốc xuống mức âm có thể là do bàn tay thao túng.
Đợt bùng phát thứ hai của COVID-19 tại Mỹ có thể còn thê thảm hơn
Người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 21/4 cảnh báo rằng đợt bùng phát thứ hai của dịch COVID-19 dự kiến diễn ra vào mùa đông này có thể nguy hiểm hơn cả tình hình đại dịch hiện nay khi nhiều bang đẩy mạnh mở cửa lại nền kinh tế và dỡ bỏ lệnh hạn chế di chuyển.
Tổng hợp-TT