VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 5/4/2020

 Cảnh báo COVID-19 gây suy thoái hơn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009; Kinh tế Mỹ lao dốc, ông Trump mất cơ hội giữ ghế tổng thống?; Đại dịch Covid-19: Nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế ở các nước nghèo; Hơn 30 nước đặt mua, Nhật sẵn sàng miễn phí thuốc điều trị Covid-19; Kỳ vọng vaccine PittCoVacc; Mỹ thêm hơn 32.500 ca mắc Covid-19 và hơn 1.300 ca tử vong trong 1 ngày; Ông Trump cảnh báo “sẽ có rất nhiều người chết” trong tuần tới;  Cuộc chiến khẩu trang” tại Mỹ và châu Âu…là những tin chính được cập nhật.

 Cảnh báo COVID-19 gây suy thoái hơn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009

    Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào đình trệ; cảnh báo có thể xảy ra cuộc suy thoái với mức độ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung trực tuyến với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/4, bà Georgieva kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường những nỗ lực trợ giúp các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ứng phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch. Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã chịu ảnh hưởng lớn trong cuộc khủng hoảng này. 90 tỷ USD tiền đầu tư đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, lớn hơn nhiều so với mức thoái vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập niên trước. Một số nước cũng điêu đứng vì giá hàng hóa giảm mạnh.
Theo bà Georgieva, IMF đang cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra kêu gọi đối với Trung Quốc và các nước chủ nợ khác dừng thu hồi nợ của các nước nghèo trong ít nhất là một năm cho đến khi đại dịch lắng xuống. Bà cho biết Trung Quốc đã cho thấy thiện chí trong vấn đề này và IMF sẽ đưa ra một đề xuất cụ thể trong những tuần tới với các nước chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và WB tại các hội nghị mùa Xuân sẽ diễn ra trực tuyến trong khoảng hai tuần.
Trong khi đó, Chủ tịch WB David Malpass (Đa-vít Man-pát) cũng nhắc lại đánh giá cho rằng sau những tác động về y tế, đại dịch COVID-19 sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng. Ông nói việc dừng thanh toán nợ có thể bắt đầu từ ngày 1/5, giúp các nước nghèo có thêm thanh khoản để chiến đấu chống đại dịch và trong giai đoạn giãn nợ, WB và IMF có thể đánh giá tính bền vững về nợ của các nước này và sự cần thiết phải giảm nợ từ phía các chủ nợ chính thức và chủ nợ thương mại.
Hơn 90 quốc gia, chiếm gần một nửa trong tổng số 189 nước thành viên IMF, đã đề nghị viện trợ khẩn cấp từ tổ chức này để ứng phó với đại dịch. IMF và WHO đã kêu gọi sử dụng viện trợ khẩn cấp chủ yếu để tăng cường các hệ thống y tế, trả lương cho y, bác sỹ và để mua thiết bị bảo hộ. Bà Georgieva cho biết IMF sẵn sàng sử dụng quỹ dự phòng chiến tranh 1.000 tỷ USD nếu cần./.

Kinh tế Mỹ lao dốc, ông Trump mất cơ hội giữ ghế tổng thống?
Dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế Mỹ vào khủng hoảng và giới phân tích cho rằng Tổng thống Donald Trump đang đánh mất lợi thế lớn nhất của ông trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Dịch virus corona chủng mới có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đang xô nền kinh tế lớn nhất thế giới tới mép vực. Theo Market Watch, các chuyên gia kinh tế Mỹ dự báo tính đến tháng 5, khoảng 20-25 triệu người Mỹ mất việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên gần 20%.
Ngày 3/4, nhóm nghiên cứu của Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống -3,4% trong quý I và tới -38% trong quý II. Trước đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cũng đánh giá nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp ít nhất 28% trong quý II và “sự sụt giảm có thể còn sâu hơn nhiều”.
Người Mỹ đang chứng kiến nền kinh tế lao dốc với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Và theo The Atlantic, đây là tin rất xấu với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử tháng 11.
Bởi các nghiên cứu cho thấy điều cử tri Mỹ quan tâm nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống là sức khỏe của nền kinh tế vào năm đó.

Đại dịch Covid-19: Nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế ở các nước nghèo
SGGP-Ngày 4-4, Liên minh Nghiên cứu lâm sàng Covid-19 gồm hơn 70 cơ quan khoa học đã gửi thư lên tạp chí y học nổi tiếng The Lancet cảnh báo, các nước nghèo cần được tiếp cận với nghiên cứu về dịch Covid-19 để tránh cho hệ thống chăm sóc y tế sụp đổ.
Dễ tổn thương
Liên minh trên gồm các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế công cộng và nhà nghiên cứu. Liên minh cho biết sẽ tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp cận dữ liệu nghiên cứu để ứng phó phù hợp với dịch bệnh. Liên minh cũng sẽ tạo điều kiện phê chuẩn nhập khẩu nhanh các thiết bị y tế và đẩy nhanh việc đánh giá thường kỳ như trong đợt dịch Ebola năm 2014. Việc này sẽ đi cùng với chia sẻ dữ liệu hàng loạt và phổ biến nghiên cứu trước khi có đánh giá chuyên môn.
Bức thư nêu rõ, sự lo ngại của các chuyên gia y tế không chỉ ở góc độ dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng nhiều người ở các nước nghèo, mà sẽ làm nghiêm trọng thêm các vấn đề đang tồn tại như nghèo đói, cơ sở hạ tầng yếu kém và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Các nhà khoa học còn cho biết, hàng trăm triệu người sống trong tình trạng thiếu nước sạch và mất vệ sinh, quá đông người tập trung ở các đô thị gây khó khăn cho việc thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả, nên thách thức đối với các nước nghèo càng lớn. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế không có thiết bị phòng hộ cần thiết, không được huấn luyện để xử lý các bệnh truyền nhiễm. Các tác giả của bức thư cảnh báo sự đứt quãng hoặc sụp đổ hoàn toàn hệ thống chăm sóc y tế sẽ làm gia tăng tỷ lệ tử vong trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh.
Nghiên cứu mới về khẩu trang
Một kết quả nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, sử dụng khẩu trang y tế sẽ làm giảm số lượng các virus cúm phát tán ra môi trường bên ngoài thông qua hơi thở và ho. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature trong bối cảnh đã có hơn 1,1 triệu người trên thế giới với hơn 61.000 người tử vong do Covid-19.

Hơn 30 nước đặt mua, Nhật sẵn sàng miễn phí thuốc điều trị Covid-19
Với kết quả thử nghiệm ban đầu khả quan, đã có hơn 30 quốc gia đặt mua thuốc điều trị cảm cúm của Nhật Bản để phục vụ chữa trị bệnh nhân nhiễm virus corona.
Theo Asian Nikkei Review, chính phủ Nhật Bản vừa tuyên bố sẵn sàng cung cấp miễn phí thuốc có thể điều trị virus corona cho các nước. Thuốc Favipiravir, được đăng ký thương mại với tên Avigan, là dược phẩm chống virus được phát triển bởi hãng Toyama Chemical, công ty con của Fujifilm Holdings.
Loại thuốc này đã cho kết quả khả quan có thể chống lại Covid-19 trong các thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga nói với một cuộc họp báo cho biết có tới 30 quốc gia đã đặt mua thuốc Avigan thông qua các kênh ngoại giao.
“Chúng tôi đang sắp xếp để cung cấp thuốc này miễn phí,” Chánh văn phòng Suga nói. Việc này cũng sẽ giúp mở rộng nghiên cứu lâm sàng với loại thuốc này.
Tại thời điểm họp báo, ông Suga cho hay Nhật chỉ có 2.617 ca nhiễm, tương đối ít so với tổng hơn 1 triệu ca trên toàn thế giới và điều này khiến cho các thử nghiệm lâm sàng diện rộng trở nên khó khăn.
Indonesia đã đặt hàng 2 triệu liều Avigan hôm 20/3 và có kế hoạch thử nghiệm trên lô hàng này. Nước này vừa chứng kiến số ca nhiễm virus corona tăng vọt lên 1.986 ca, dù trước đó nhiều tuần báo cáo không có ca nhiễm. Indonesia đã có 181 ca tử vong, cao hơn Hàn Quốc và chỉ đứng sau Trung Quốc ở châu Á.
Nhật Bản cũng đã nhận lời yêu cầu tương tự từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca trong cuộc gặp với ông Akio Miyajima, Đại sứ Nhật Bản tại Ankara, đã đề xuất mua Avigan.
Trước đó, Bộ trưởng Koca tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sử dụng một loại thuốc từ Trung Quốc để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 và có hiệu quả ở giai đoạn đầu. Truyền thông nước này sau đó cho hay phương thuốc này chính là favipiravir, hay Avigan. Thổ Nhĩ Kỳ đã có 20.921 ca nhiễm và 425 ca tử vong tính đến 3/4.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bắt đầu thảo luận về vấn đề này. Politico cho hay Nhà Trắng khuyến khích các cơ quan quản lý thông qua các phương thuốc điều trị virus corona.
Bất chấp những quan ngại về tác dụng phụ, mối quan tâm của Nhà Trắng với Avigan đã tăng lên khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải thích nó với Tổng thống Trump.
Truyền thông Đức hôm 3/4 cũng cho biết chính quyền Berlin đang tìm mua với lượng lớn thuốc Avigan, có kế hoạch tích trữ hàng triệu hộp để phân phối qua các bệnh viện đại học và tổ chức khác trong nước. Việc phân phối được hỗ trợ bởi quân đội, theo Frankfurter Allgemeine Zeitung.
Trước đó, thuốc điều trị cảm cúm Avigan của Nhật gây được sự chú ý khi chứng minh mang lại kết quả tích cực chống lại Covid-19 trong thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc. Thủ tướng Abe đã công bố kế hoạch bắt đầu quá trình thử nghiệm để chính thức phê duyệt điều trị virus corona ở nước này.
Hãng Fujifilm tuyên bố đã đưa các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra hiệu quả của Avigan chống lại virus và đang chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất. Chính phủ Nhật Bản sẽ dự trữ 2 triệu liều thuốc này.
Thủ tướng Abe hôm 3/4 cho hay Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia khác cũng đã bắt đầu thực hiện thử nghiệm mang tính quốc tế với thuốc remdesivir, sản phẩm từng được phát triển để chống lại Ebola và có triển vọng trong điều trị Covid-19.

Kỳ vọng vaccine PittCoVacc
SGGP-Theo giới khoa học Mỹ, thử nghiệm ban đầu của một loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 trên chuột đã cho kết quả khả quan. Trong thử nghiệm này, loại vaccine nguyên mẫu (các nhà nghiên cứu gọi là PittCoVacc) được đưa vào cơ thể chuột. Kết quả cho thấy loại vaccine này có thể kích thích một phản ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 ở mức độ có thể ngăn chặn nhiễm bệnh.
Nhóm các nhà khoa học tại Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) cho biết họ đã tăng tốc phát triển loại vaccine phòng Covid-19 tiềm năng này sau khi tiến hành nghiên cứu trên những chủng virus Corona khác gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Các nhà nghiên cứu trên lưu ý, do quá trình thử nghiệm ở chuột chưa đủ dài nên vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu có phản ứng miễn dịch chống Covid-19 hay không và có thể kéo dài trong bao lâu. Nhóm nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này trên người trong vài tháng tới. Trong diễn biến liên quan, báo cáo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, những người nhiễm Covid-19 có thể lây lan virus cho người khác từ 1-3 ngày trước khi có các triệu chứng mắc bệnh như sốt, ho hoặc thở gấp.

Mỹ thêm hơn 32.500 ca mắc Covid-19 và hơn 1.300 ca tử vong trong 1 ngày
– Trên toàn thế giới đã có trên 1 triệu ca mắc và trên 59.000 ca tử vong vì dịch Covid-19. Mỹ đang tiếp tục tăng mạnh cả số ca mắc và số ca tử vong khi trong vòng 24 giờ tính đến 7 giờ 50 sáng nay (4/4), nước này có thêm 32.532 ca mắc mới và 1.321 ca tử vong.
Tính đến 7 giờ 50 sáng nay (4/4), trên toàn thế giới đã có 1.097.810 người mắc virus Sars-Cov-2 với 59.140 ca tử vong.
Mỹ đang tiếp tục tăng mạnh cả số ca mắc và số ca tử vong khi trong vòng 24 giờ tính đến 7 giờ 50 sáng nay (4/4), nước này có thêm 32.532 ca mắc mới và 1.321 ca tử vong.
Tính đến sáng nay, Mỹ có tổng số 26.965 người mắc và 7.391 ca tử vong.
Pháp cũng có thêm 1.120 ca tử vong, nâng số nạn nhân của nước này vì đại dịch Covid-19 lên 6.507.

Ông Trump cảnh báo “sẽ có rất nhiều người chết” trong tuần tới
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/4 đã cảnh báo rằng nước này đang hướng tới một tuần đầy khó khăn. “Đó sẽ là tuần khó khăn nhất”, ông Trump nói trong cuộc họp báo thường nhật của Nhà Trắng về virus corona. “Thật không may, sẽ có rất nhiều người chết”.
Ông Trump nói rằng việc phân bổ nguồn lực cho các bang nguy cấp nhất sẽ khiến “ít người chết hơn”.
“Trong một vài trường hợp, chúng ta sẽ phải nói với các thống đốc rằng chúng ta không thể đến đó vì chúng ta không nghĩ rằng họ cần điều đó và nơi khác sẽ cần hơn. Và cho đến lúc này, gần như chúng ta đã hành động đúng. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy”, tổng thống nói.
Các nguồn lực khẩn cấp chống đại dịch Covid-19 gần như đang dàn trải ở tất cả mọi bang.
Theo NBC News, Tổng thống Trump đã bị chỉ trích vì chỉ đạo phân bổ các nguồn lực cho các tiểu bang có giá trị về mặt chính trị đối với ông, như Florida, thay vì ưu tiên các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn như New York, nơi máy thở dự kiến sẽ hết trong vài ngày tới và các bệnh viện đã hết thiết bị bảo hộ cá nhân.
Đến sáng 5/4, Mỹ có gần 8.400 người đã tử vong và gần 306.000 người dương tính với Covid-19. Trong đó, khoảng 2.000 người tử vong ở thành phố New York.
Nhà Trắng đã dự báo khoảng 100.000 đến 240.000 người Mỹ có thể tử vong trong đại dịch này, ngay cả khi họ tuân thủ các biện pháp hạn chế virus lây lan.
Tại bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết hôm 4/4 có thêm 630 người tử vong vì virus corona – con số cao kỷ lục trong ngày tại tâm dịch của nước Mỹ.
Hiện toàn cầu có hơn 1.192.000 ca nhiễm và hơn 64.000 ca tử vong. Trong đó, Italy có hơn 15.300 người chết và Tây Ban Nha có khoảng 12.000 người chết. Số ca nhiễm ở hai quốc gia này đang tương đương nhau với hơn 124.000 ca.
Mỹ tiếp tục dẫn đầu về số ca nhiễm trên toàn cầu.

Ngày tang tóc ở New York, ông Trump cảnh báo xám xịt
Bang New York, nơi bị dịch Covid-19 tấn công mạnh nhất, ghi nhận con số tử vong do Covid-19 cao kỷ lục lên tới 630 người trong một ngày, Reuters dẫn lời Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói ngày 4/4. Chính quyền New York kêu gọi các nhân viên y tế còn chưa tham gia cuộc chiến chống Covid-19 hãy tình nguyện phục vụ.
Tổng thống Donald Trump cảnh báo Mỹ đang bước vào những tuần lễ khó khăn nhất khi các ca nhiễm virus corona chủng mới tăng vọt trên cả nước. AP dẫn tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ trong một cuộc họp báo về đại dịch như sau: “Thật không may, sẽ có rất nhiều ca tử vong”.
Số người chết vì Covid-19 ở Mỹ hiện là 8.397 và số người nhiễm là 308.210. Nước này hiện rất cần các trang phục bảo vệ cho nhân viên y tế cũng như trang thiết bị y tế.
Thống kê về dịch Covid-19 trên toàn cầu
Theo thống kê của Worldometers, trên toàn cầu hiện có 1.197.034 ca nhiễm Covid-19, gần 65.000 ca tử vong và 246.115 trường hợp đã bình phục kể từ khi virus corona chủng mới xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Hiện, hàng tỷ người đang sống trong các kiểu phong toả khác nhau, khoảng 50% dân số trên trái đất phải ở trong nhà, trường học và các cửa hàng phải đóng cửa nhằm giúp chặn bước lây lan của đại dịch Covid-19.

Anh thông báo về số ca tử vong cao kỷ lục do Covid-19 gây ra, trong số các nạn nhân có cả một em bé 5 tuổi. Tổng số người chết vì virus corona chủng mới ở Anh hiện là 4.313, số ca tử vong trong ngày tăng vọt, với 708 trường hợp.
Tuy nhiên, đã có những thông tin lạc quan hơn từ Italia và Tây Ban Nha. Số ca nhiễm bệnh và tử vong ở hai nước này đã chậm lại, theo Reuters.

Tây Ban Nha, hiện vẫn trong tình trạng gần như phong toả toàn bộ, chứng kiến sự sụt giảm các ca tử vong ngày thứ hai liên tiếp, chỉ với 749 trường hợp, theo Worldometers.
Tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này là 11.947, chỉ đứng sau Italia. Số ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha cũng bớt dần.
Tuy vậy, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vẫn tuyên bố, kéo dài phong toả nước này tới 25/4.

Italia cũng thông báo số lượng bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc tích cực lần đầu tiên đã giảm xuống. Ngoài ra, hôm 4/4, nước này đã ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần qua, theo Reuters.
Số ca tử vong ở Italia trong ngày hôm qua là 766, giảm từ mức đỉnh điểm gần 1.000 trường hợp chỉ cách đây một tuần.

Kêu gọi đeo khẩu trang
Một số nước, gồm cả Mỹ, Đức và Pháp trong vài ngày gần đây đã kêu gọi sử dụng khẩu trang nơi công cộng, dù trước đó họ cho rằng chỉ có các nhân viên y tế mới cần.
Thông báo đảo ngược này đã khiến nhiều người bối rối và tạo nên làn sóng dạy làm khẩu trang qua mạng.
Thông báo mới này được đưa ra sau khi có một số cuộc nghiên cứu cho thấy, các giọt bắn có virus có thể bay xa hơn phán đoán ban đầu. Và rằng, có bảo vệ dù bằng bất cứ thứ gì, đều hơn là không có.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã khuyến nghị người Mỹ sử dụng khẩu trang hoặc khăn nhằm làm chậm sự lây lan của virus. Mỹ là nước mới nhất đưa ra tuyên bố đảo ngược này. Tuy nhiên, bản thân ông Trump tuyên bố sẽ không dùng khẩu trang.
Lời kêu gọi của Mỹ có khả năng làm tình trạng thiếu hụt khẩu trang ở Mỹ và châu Âu tồi tệ hơn khi mà cả hai nơi đều dựa vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giới siêu giàu Mỹ đi nghỉ mát trốn virus, khu nghỉ dưỡng thành ổ dịch
Nhiều khu trượt tuyết và khu nghỉ mát tại Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến. Điều này làm quá tải hệ thống y tế yếu ớt tại đây.
Các thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hoảng do Covid-19 khi nhiều người dân rời khỏi các thành phố đến đây tránh dịch.
Các quan chức địa phương tại những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng đã ghi nhận ngày càng nhiều ca nhiễm Covid-19. Họ cũng lo lắng tình hình này sẽ làm quá tải những bệnh viện nhỏ ở địa phương, theo Guardian.
Trong nhiều thập kỷ, thành phố Sun Valley, quận Blaine, bang Idaho là nơi thu hút những người nổi tiếng và tỷ phú như Arnold Schwarzenegger, Mark Zuckerberg, Marilyn Monroe và Clint Eastwood. Tính đến hôm 2/4, đã có 351 ca nhiễm tại quận Blaine, nơi chỉ có dân số 22.000 người.
Số ca nhiễm tại quận Blaine đang chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm trên toàn bang. Tình hình đã làm quá tải bệnh viện duy nhất trong khu vực, nơi chỉ có một máy thở và đã ngừng hoạt động một phần sau khi một số bác sĩ bị cách ly.
Theo một phân tích trên Salt Lake Tribune, những khu vực có kinh tế dựa vào giải trí có số ca nhiễm tính theo đầu người cao nhất trong cả nước chỉ sau thành phố New York và New Orleans, hai điểm nóng của dịch ở Mỹ.

 Trung Quốc tăng mua gạo Việt gấp 7 lần
Hai tháng đầu năm, Trung Quốc cùng với Đài Loan, Mozambique dẫn đầu các thị trường tăng nhập khẩu gạo Việt Nam.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, xuất khẩu 3 tháng đầu năm, ước tăng gần 20% về lượng (với 1,67 triệu tấn) và tăng 27,8% về giá trị (đạt 774 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 463,5 USD một tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Gạo trắng (43,1%) và gạo jasmine, gạo thơm (33,8%) được ưa thích nhất.
Tính riêng trong hai tháng đầu năm, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 35,9% thị phần. Ngoài ra, Trung Quốc, Đài Loan và Mozambique là những thị trường tăng nhập khẩu gạo Việt Nam nhất. Riêng Trung Quốc, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nước này mua gạo Việt gấp 7 lần về sản lượng, 8 lần về giá trị so với cùng kỳ 2019 khi đạt hơn 66.222 tấn (tương đương 37 triệu USD).

 Anh ‘thần tốc’ lập bệnh viện dã chiến lớn nhất thế giới
Bệnh viện dã chiến với 4.000 giường được lập trong 9 ngày tại Trung tâm triển lãm ExCel, London, hoạt động từ ngày 4/4.
Bệnh viện dã chiến Nightingale là bệnh viện đầu tiên trong số 6 bệnh viện tạm thời ở Anh để đối phó với Covid-19. Đây là bệnh viện lớn nhất thế giới hiện nay, với sức chứa tối đa lên đến khoảng 4.000 giường bệnh.
Bệnh viện được lập tại Trung tâm triển lãm ExCel, diện tích hơn 83.000 m2. Nơi này từng diễn ra một số sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thế vận hội London 2012.
Bệnh viện Nightingale nằm trong giai đoạn một của kế hoạch tăng số giường bệnh điều trị cho người nhiễm nCoV tại Anh. Bệnh viện ban đầu hoạt động với 550 giường bệnh, số giường còn lại sẽ được tiếp tục hoàn thiện.
Đây là bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 lớn nhất thế giới. Hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn được xây dựng ở Vũ Hán (Trung Quốc) có sức chứa lần lượt là 1.000 và 1.600 giường.
Bệnh viện dã chiến Nightingale được đặt theo tên bà Florence Nightingale, nhà thống kê y học người Anh và cũng là người sáng lập nghề điều dưỡng.
Mô hình bệnh viện dã chiến này sẽ được triển khai tại nhiều nơi khác trên cả nước như Manchester và Birmingham để cung cấp thêm 3.000 giường. Các bệnh viện khác cũng sẽ được thiết lập ở Bristol và Harrogate để chuẩn bị cho giai đoạn dịch đạt đỉnh và bệnh viện Nightingale quá tải.
Bệnh viện chuyên tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 nặng và cần điều trị tích cực, được chuyển đến từ các bệnh viện khác ở London. Với hiệu suất làm việc tối đa, bệnh viện dã chiến Nightingale sẽ cần khoảng 16.000 nhân sự, bao gồm y bác sĩ và tình nguyện viên.
Ngoài ra, những sĩ quan trong quân đội từng có kinh nghiệm làm việc tại Afghanistan và ứng phó dịch Ebola tại châu Phi được huy động để hỗ trợ nhân viên y tế.
Thái tử Charles, 71 tuổi, dương tính với nCoV, cho biết bệnh viện dã chiến được xây dựng như một chiến công ngoạn mục và gần như không thể tin được.

***   Cuộc chiến khẩu trang” tại Mỹ và châu Âu
Khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp châu Âu và Mỹ, một cuộc tranh giành thiết bị y tế như khẩu trang phòng độc và găng tay đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, thậm chí một số nước cáo buộc Mỹ chiếm đoạt các đơn đặt hàng.

Ông Trump tuyên bố OPEC là băng đảng và “cả đời chống lại nó”
Giá dầu thế giới “sụp đổ” trong thời gian vừa qua do nhu cầu giảm vì dịch COVID-19 và OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) không thể đạt được thỏa thuận cắt giảm lượng dầu vào đầu tháng 4.

Bệnh viện, nhà xác quá tải, thi thể nằm la liệt trên phố ở Ecuador
Các đường phố của thành phố Guayaquil ở phía Tây của Ecuador trở nên vắng vẻ khi người dân ít ra đường hơn, thi thể người chết nằm bị bỏ lại trên đường phố.

Mỹ và châu Âu tổn thất to lớn từ sự trì hoãn
Mỹ và toàn châu Âu đang lao đao vì COVID-19. Những sự trì hoãn và thiếu chuẩn bị tại Mỹ và châu Âu đang chứng tỏ sự tai hại của nó đối với phần còn lại của thế giới với những tổn thất về kinh tế và y tế cộng đồng.

19 người chết trong đụng độ vũ trang ở Mexico
Ban Thư ký An ninh công cộng và quân đội Mexico đã cùng bắt tay trong một chiến dịch để tìm ra nơi ở trú ẩn của các nhóm vũ trang liên quan đến các vụ đụng độ đẫm máu mới diễn ra.

Tổng thống Trump: Hai tuần tới sẽ có nhiều người Mỹ chết vì COVID-19
Theo số liệu của Đại học John Hopkins, trên thế giới hiện có 1,196 triệu ca nhiễm COVID-19. Mỹ và châu Âu là những tâm dịch với số ca nhiễm trên 100 ngàn người.
Nhật Bản xem xét việc cung cấp miễn phí thuốc có thể điều trị COVID-19

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc cung cấp thuốc chống cúm Avigan miễn phí cho các quốc gia muốn sử dụng nó để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, người phát ngôn chính phủ cho biết hôm 3/4, theo tờ Mainichi.

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Iran vượt 3.400 người
Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) tại khu vực Trung Đông.

Cụ ông 104 tuổi chiến thắng COVID-19
Đây được cho là bệnh nhân cao tuổi nhất trên thế giới hồi phục sau khi mắc COVID-19.

Ông Trump sa thải tổng thanh tra tình báo liên quan đến vụ luận tội mình
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/4 đã thông báo cho Quốc hội về việc sa thải tổng thanh tra cộng đồng tình báo Mỹ, người có liên quan đến các nỗ lực của phe Dân chủ nhằm luận tội ông.

Tiết thanh minh ở Vũ Hán “ảm đạm” vì COVID-19
Cứ vào dịp lễ thanh minh hàng năm, anh Dai Jinfeng, một người dân sống tại Vũ Hán, đều lái xe chở mẹ đến nghĩa trang gần nhà để thắp hương và sửa sang lại mộ người thân. Nhưng năm nay, công việc này đã không được diễn ra vì COVID-19.

Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi “phản ứng toàn cầu” đẩy lùi COVID-19
Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 2/4 đã thông qua nghị quyết kêu gọi tăng cường các hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. Trước đó, cũng có rất nhiều ý kiến khẳng định rằng, chỉ có hợp tác toàn cầu mới có thể giải quyết được những hậu quả do dịch COVID-19 gây ra.

COVID-19 và tiến trình xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Đông Á
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, từ Chính phủ đến người dân của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có sự hỗ trợ và tương tác ôn hòa hiếm thấy trong những năm gần đây…

Mexico cho ngừng sản xuất bia Corona vì dịch COVID-19
Loại bia nổi tiếng của Mexico phải tạm ngừng sản xuất do hoạt động kinh doanh này được tuyên bố là không thiết yếu theo lệnh của chính phủ nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, theo CNBC.

Tokyo sẽ trở thành “New York thứ hai”?
Mỗi ngày trôi qua, Tokyo lại đón nhận thêm tin xấu liên quan đến dịch COVID-19.

Tổng hợp-TT