Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố báo cáo về thị trường BĐS Việt Nam trong quý II/2020. Theo đó, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.
Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,77%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý I/2020.
Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.
Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý I/2020.
Lý giải về hiện tượng thị trường trầm lắng song giá bán bất động sản không giảm mà lại tăng, chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính (Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) cho rằng, nhà ở luôn có nhu cầu thực tế rất lớn nhất là căn hộ chung cư ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 chỉ làm khối lượng giao dịch lẫn nguồn cung từ thị trường chậm lại, chứ không thể khiến chỉ số giá nhà ở giảm.
Hiện nay nhu cầu mua nhà từ người dân đang cao hơn nguồn cung dự án tới 5 – 6 lần. Đối với căn hộ bình dân và giá rẻ, giá dưới 2 tỷ đồng, nguồn cung gần như “biến mất” ở các đô thị lớn. Vì vậy, kể cả có còn dịch bệnh hay không, thì giá trị vẫn tiếp tục tăng tịnh tiến theo thời gian.
Đối với phân khúc nhà ở cao cấp, theo ông Đính, khối lượng giao dịch dù có chậm hơn phân khúc nhà ở bình dân và giá rẻ nhưng hầu hết các dự án này đều nằm ở vị trí đắc địa, nguồn cung không nhiều nên giá bán “dễ tăng, khó giảm”.
“Với phân khúc nhà ở cao cấp có tỷ suất lợi nhuận rất cao, đứng đầu mọi phân khúc nhà ở. Tuy nhiên, do nằm ở trung tâm thành phố, có quỹ đất phát triển dự án rất hạn chế và chỉ hướng tới một nhóm nhỏ người có thu nhập cao, nên phân khúc này cũng khó giảm giá”, ông Đính nói.
Mặc dù vậy, nếu đặt tình huống dịch bệnh kéo dài và có thể diễn ra đợt giãn cách xã hội lần thứ 2 trên toàn quốc, chuyên gia này cho rằng, sẽ có khả năng phân khúc nhà ở cao cấp sẽ giảm nhẹ ở thị trường thứ cấp.
Bên cạnh yếu tố mất cân đối giữa cung – cầu, ông Đính cho rằng, giá nhà ở tại Việt Nam tăng bất chấp như hiện nay cũng có một phần nguyên nhân do chính sách, pháp luật và cách thực thi đang cứng nhắc.
Một số cán bộ mang tư tưởng nhiệm kỳ, sợ phê duyệt dự án mới, vì sợ sai. Yếu tố này đã khiến cho nguồn cung trở nên khan hiếm, làm tăng giá trị nhà ở.
Để kiểm soát giá nhà ở cũng như làm giá nhà ở giả, ông Đính cho rằng, Chính phủ cùng các Bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên cố gắng cắt giảm các thủ tục hành chính trong vấn đề cấp phép dự án mới, làm cho quy trình ngắn lại, gọn hơn, tránh kéo dài làm tăng chi phí đẩy vào giá thành.
Thứ hai, Chính phủ nên xem xét kiến nghị của một số doanh nghiệp trong vấn đề đóng tiền đất và thuế đất. Theo kiến nghị này, Chính phủ nên xem xét thu tiền đất, tiền thuế đất theo đợt, hoặc chia kỳ thay vì nộp 100% giá trị đất, thuế đất như trước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều khó khăn, giá nhà nhiều khả năng đi ngang hoặc giảm.
Trong khi đó, chia sẻ với Dân trí, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, quý I và quý II giá nhà vẫn có xu hướng tăng không giảm. Bởi ngoài việc ít dự án được mở bán còn do các chủ đầu tư vẫn còn nguồn lực để giữ giá bán.
Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, các phân khúc đều “thấm đòn” ảnh hưởng. Điều này gây khó khăn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính và khả năng chi trả của người dân. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư vay tiền mua BĐS đang phải chịu áp lực trả nợ rất lớn.
“Trong bối cảnh này, nếu nhà đầu tư vay từ 30-50% để đầu tư mua BĐS thì phải cân nhắc thật kỹ lưỡng để tránh rủi ro. Bởi nhiều khả năng giá nhà trên thị trường từ nay đến hết quý I/2021 sẽ đi ngang hoặc xuống nếu khu vực đó không có biến động lớn về hạ tầng”, ông Hiển nhìn nhận.
NGuồn DTO-TT