– Một trong những rào cản thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là vấn đề luật pháp và minh bạch thông tin.
Tới đây, khi Luật Kinh doanh bất động sản được chỉnh sửa và cơ chế minh bạch một đơn vị quản lý thông tin được kỳ vọng sẽ giúp vốn FDI vào lĩnh vực này nhiều hơn.
Cả năm 2017, vốn FDI vào bất động sản (BĐS) chỉ ở mức 3 tỷ USD, nhưng chỉ trong 6 tháng năm nay, nguồn vốn này đổ vào Việt Nam đã đạt hơn 5,5 tỷ USD.
Nguồn vốn FDI không chỉ đổ vào lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng, mà đã và đang “dịch chuyển” vào nhiều lĩnh vực khác như văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở và hạ tầng đô thị.
Hiện nay, vốn FDI từ Nhật Bản đang cạnh tranh với nguồn vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam với nhiều dự án “khủng”. Tại Tp.HCM, các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Sanyo, Creed Group đã tăng mạnh dòng vốn đầu tư vào BĐS.
Trong đó phải kể đến dự án khu đô thị Akari City, quận Bình Tân với tổng vốn đầu tư 7.676 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư Nam Long cùng hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad hợp tác triển khai.
Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng đang hoàn thành những thủ tục cần thiết để có thể khởi công dự án khu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (Eco Smart City Thủ Thiêm) có tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, với tổng diện tích khoảng 7,45ha.
Hoặc tại Hà Nội, UBND Tp Hà Nội mới đây đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Thành phố thông minh có tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD do liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG hợp tác. Dự án này được kỳ vọng sẽ là thành phố ASEAN trong tương lai với hạ tầng được kết nối đồng bộ, thông minh.
Theo ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO, nhìn trên tổng quan, Việt Nam là quốc gia vô cùng hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài nhờ chính trị ổn định, an toàn, tăng trưởng kinh tế bền vững, du lịch phát triển mạnh, dân số trẻ với nhu cầu sở hữu tài sản BĐS cao.
Tuy nhiên, một thực tế là hầu hết dòng vốn FDI vào Việt Nam đều đến từ các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ khá dè dặt với thị trường BĐS Việt Nam.
Thêm nữa, số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng dòng vốn FDI và nguồn kiều hối rất đồi dào, tuy nhiên tiềm năng của thị trường này vẫn hạn chế bởi những tồn tại nảy sinh từ chính cơ chế chính sách hiện hành.
Đặc biệt là quy định của Luật Nhà ở đang giới hạn chỉ có tối đa 30% số lượng căn hộ trong một dự án được phép bán cho người nước ngoài. Người nước ngoài cũng không được sở hữu BĐS có gắn liền với đất.
Về vấn đề pháp luật ở Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cũng đã quy định rõ những vấn đề cho người nước ngoài mua, thuê và đầu tư BĐS tại Việt Nam, nhưng công tác triển khai còn nhiều hạn chế.
Đơn cử như đến nay, nhiều người nước ngoài vẫn không biết mua nhà như thế nào, thủ tục ra sao, sau khi kinh doanh có lợi nhuận có được chuyển tiền về nước không. Tương tự, đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các chủ đầu tư nước ngoài cũng vậy.
Trên thực tế, luật pháp đã có quy định nhưng việc thông tin đến người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là mỗi cơ quan bộ ngành của Việt Nam chỉ phụ trách một lĩnh vực.
Về đất đai do Bộ TN&MT quản lý, về thị trường BĐS do Bộ Xây dựng quản lý, Bộ Công an quản lý về visa – phải có visa mới được mua, quản lý thuế lại do Bộ Tài chính, việc chuyển tiền ra nước ngoài lại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý.
Kết quả là rất nhiều quy định người trong nước cũng chưa hiểu rõ hết được các thủ tục cần thực hiện chứ chưa nói đến người nước ngoài.
“Phải có một cuốn cẩm nang hoặc quy định chung, tổng hợp để các nhà đầu tư đọc cho dễ hiểu và nắm rõ các việc họ cần làm. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa làm được”, ông Hà nói.