–Ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào bốn xu hướng lớn là hình thái thương mại mới, nền kinh tế tri thức, biến đổi khí hậu và già hóa dân số.
Chia sẻ tại Hội thảo: “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững”, ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh phát triển bền vững và cạnh tranh, Việt Nam cần tập trung vào bốn xu hướng lớn trên. Đây là những xu thế lớn mang đến cả rủi ro và cơ hội, và điều quan trọng là tìm ra cách tận dụng chúng để tạo ra lợi thế của Việt Nam.
“Thẳng thắn mà nói, tiếng ồn sẽ rất lớn và những rung động từ những bước chân mạnh đến mức chúng ta không thể sống yên ổn. Lựa chọn thứ hai là mở cửa trước và xem cuộc diễu hành đi qua. Chúng ta thậm chí có thể cổ vũ, nhưng cuối cùng vẫn là những người quan sát thụ động. Hoặc, với lựa chọn thứ ba, chúng ta có thể quyết định tham gia vào cuộc diễu hành. Chúng ta có thể học cách điều chỉnh tốc độ của nó và tìm hiểu xem chúng ta đang ở đầu, giữa hay cuối cuộc diễu hành. Và chúng ta có thể nói chuyện với những người tham gia khác để tìm hiểu xem những gì đang diễn ra. Việt Nam sẽ theo lựa chọn nào?”, ông Ousmane Dione khẳng định.
Đồng thời, ông Ousmane Dione cũng khẳng định sự phát triển bền vững và cạnh tranh của Việt Nam phụ thuộc vào việc có được một nền kinh tế có khả năng chống chịu các xu hướng lớn, đồng thời phát triển và triển khai các loại vốn khác nhau. Theo đó, có bốn loại vốn lên quan đến chúng ta: thể chế, con người, vật chất do con người tạo ra, và tự nhiên.
Cụ thể, về vốn thể chế, là thành phần tạo ra môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tăng trưởng. Vốn thể chế liên quan đến việc xây dựng khả năng chịu đựng cho kinh tế vĩ mô trong khi khuyến khích cải cách cơ cấu cho tăng trưởng dựa trên năng suất.
Đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi phải xác định và hỗ trợ các động lực mới của tăng trưởng, dịch chuyển để vai trò của nhà nước nhẹ hơn, và đưa ra các chiến lược phát triển đầu tư nước ngoài (FDI) và thị trường vốn có hướng tới tương lai và được xây dựng dựa trên thông tin đầy đủ. “Lấy hình ảnh của cơ thể của con người, chúng ta có thể coi vốn thể chế là trái tim của sự phát triển bền vững và cạnh tranh của một quốc gia. Nó bơm máu và oxy đến toàn bộ hệ thống để đảm bảo sức khỏe tổng thể của một nền kinh tế”, ông Ousmane Dione phân tích.
Về vốn nhân lực, là tổng hòa các yếu tố sức khỏe, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của người dân. Vốn nhân lực có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh của một quốc gia, đặc biệt tại thời điểm có sự thay đổi nhanh chóng đòi hỏi số lượng người tài giỏi ngày càng tăng để duy trì tăng trưởng.
Tuy nhiên, vốn nhân lực không tự cụ thể hóa; nó phải được xã hội và nhà nước nuôi dưỡng trong suốt vòng đời. Trong một xã hội già hóa có nguồn cung lao động co lại, bạn có thể tưởng tượng tầm quan trọng của việc phát triển và phát triển vốn nhân lực của từng người để đạt tiềm năng cao nhất. Lấy hình ảnh cơ thể con người, có lẽ vốn nhân lực có thể được coi là bộ não của sự phát triển bền vững và cạnh tranh của một quốc gia.
Tương tự như trên, vốn vật chất hoặc do con người tạo ra là xương sống của một nền kinh tế và bao gồm đường xá, cầu, cảng, nhà xưởng, hệ thống thủy lợi và đất đô thị. Mục tiêu ở đây là phát triển và triển khai có hiệu quả các loại vốn vật chất hoặc do con người tạo, tối đa hóa vai trò của khu vực tư nhân và đảm bảo rằng dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Nếu nghĩ về tương lai, thì cần phải xem xét tác động của thay đổi công nghệ, bao gồm giá năng lượng mặt trời sẽ thấp hơn, hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn chạy không có xung đột, lưới điện thông minh và các cơ hội mới cho các nền kinh tế tuần hoàn và chia sẻ.
Về vốn tự nhiên, bao gồm đất nông nghiệp, rừng và các khu bảo tồn trên cạn, cũng như năng lượng và khoáng sản.
Ông Ousmane Dione cho rằng, mục tiêu là sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn vốn tự nhiên, điều chỉnh giá cả và các ưu đãi để tạo ra khả năng phục hồi khí hậu, và định hướng quốc gia vào quỹ đạo phát triển carbon thấp hơn đáng kể. Ngoài ra, còn có khía cạnh giới. “Trong khi phụ nữ và nam giới có quyền bình đẳng đối với quyền sở hữu đất đai, chỉ có 18% phụ nữ được coi là chủ sở hữu duy nhất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chỉ 22% được công nhận cùng với chồng của họ. Vì vốn tự nhiên là tất cả những gì xung quanh chúng ta, tôi đề xuất xem nó như là da, hay cơ quan lớn nhất của cơ thể, bao trùm nền kinh tế”, Ousmane Dione dẫn chứng.
Theo ông Ousmane Dione bốn loại vốn gồm thể chế, con người, vật chất, và tự nhiên – là để một quốc gia vững vàng trước các xu hướng lớn, bốn loại vốn phải được phát triển và sử dụng một cách đầy đủ, công bằng và hiệu quả.
“Chúng ta phải giảm chi phí phát triển tất cả các loại vốn, chúng ta phải đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận, và chúng ta phải tạo ra chất lượng cao nhất có thể. Một số vốn, đặc biệt là vốn nhân lực, mất nhiều thời gian hơn để phát triển nhưng có lợi nhuận cao. Vì vậy, thời gian là quan trọng và chúng ta phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu rủi ro hoặc nắm bắt đầy đủ các cơ hội mà các xu hướng lớn đem lại”, ông Ousmane Dione khẳng định.