VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

8 “chữ G” trong chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

    Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phát triển “thuận thiên” tại Đồng bằng sông Cửu Long không có nghĩa là phải là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa…
Sẽ huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vùng đất "Chín rồng" - Ảnh 1.   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3 – Ảnh: VGP
Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Nghị quyết 120 được đưa ra tinh thần thuận thiên, thích ứng nhưng “không phải chúng ta giao cho trời đất, tác động thế nào cũng được”.
Theo các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, kể từ sau Nghị quyết 120 được đưa vào đời sống, kinh tế toàn Đồng bằng sông Cửu Long liên tục đạt mức tăng trưởng cao (năm 2018 đạt 7,8%, năm 2019 đạt 7,22%). Năm 2020 trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19, các địa phương trong vùng đã nỗ lực (GRDP đạt 2,38%) góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020.
Để có kết quả này, trong giai đoạn 2016-2020, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước dành gần 200.000 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư toàn quốc từ ngân sách nhà nước, cao hơn nhiều so với mức 12% của giai đoạn 2011-2015. Nguồn ODA là 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Đời sống của người dân từng bước cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ở năm đầu nhiệm kỳ (2016) là 40 triệu đồng thì đến năm 2019 đạt mức 54 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 57 triệu đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu nhiệm kỳ.
Nói về các kết quả trong đầu tư phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây, Thủ tướng lưu ý, “không được kể công mà kết quả này hay là nhiệm vụ tới là trách nhiệm của Chính phủ, của cán bộ, công chức, của Thành ủy, của Tỉnh ủy, của UBND các tỉnh, thành phố”. Những kết quả đã đạt được là đáng mừng nhưng đó chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm.
8 CHỮ G TRONG CHIẾN LƯỢC MỚI PHÁT TRIỂN ĐẤT “CHÍN RỒNG”
Thủ tướng chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với Đồng bằng sông Cửu Long qua 8 chữ G để dễ vận dụng trong thực tiễn.
Chữ G đầu tiên là “Giao”. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.
Chúng ta đưa ra Nghị quyết 120 với tinh thần là “thuận thiên”, là thích ứng nhưng “không phải chúng ta phụ thuộc trời đất, tác động thế nào cũng được mà cái chính là những công trình giao thông, thủy lợi cần phải được quan tâm, những nơi sạt lở, gây mất mát cho đồng bào chúng ta thì cần phải được quan tâm”.
Chữ G thứ hai là “Giáo”. Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”.
Chữ G thứ 3 là “Giang” (sông). Theo Thủ tướng, kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông như Tiền Giang, Hậu Giang và nhiều con sông khác. Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công.
“Không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây. ‘Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ’, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề này vẫn còn mờ nhạt trong Nghị quyết 120, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm ‘kinh tế sông'”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chữ G thứ tư là “Gắn”. Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắng liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cùng phát triển bền vững.
Chữ G thứ 5 là “Giàu”. Đó là tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển cần phải xây tổ đón ‘đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.
Chữ G thứ 6 là “Giỏi”, là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng này. Vấn đề này vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót, Thủ tướng đề nghị phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với Đồng bằng sông Cửu Long.
Chữ G thứ 7 là “Già”. Đồng bằng sông Cửu Long có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường. Do đó, Đồng bằng sông Cửu Long cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế.
“Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120 chúng ta thấy vấn đề già hóa dân số đang nổi lên nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong Nghị quyết, cần được bổ sung, hoàn thiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chữ G thứ 8 là “Giới”, tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết 120.
THUẬN THIÊN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ CAM CHỊU, CHẤP NHẬN SỐ PHẬN
Giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, Thủ tướng nêu rõ, đối với thị trường lao động, các địa phương cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực một cách hiệu quả, đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất để chuẩn bị sớm các kỹ năng cần thiết cho người lao động, thích ứng với nhu cầu thị trường. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng và triển khai đề án này.
Đối với thị trường đất đai, cần thúc đẩy chuyển đổi đất đai để thích nghi với nhu cầu và mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của thiên nhiên. Nghiên cứu để có cơ sở linh hoạt trong quy hoạch diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi diện tích sang các cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn và có khả năng thích ứng với diễn biến của biến đổi khí hậu, đảm bảo thu thập và sinh kế bền vững của người dân.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, để chuẩn bị thay thế quy hoạch sử dụng đất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 đã hết thời hạn. Thủ tướng cũng cho biết Luật Đất đai sẽ được lấy ý kiến sửa đổi vào cuối năm nay.
Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của Nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy nhanh việc triển khai và thực hiện các dự án đã được quy hoạch.
“Lộ thông thì tài thông” (tài là tài lực), cần phát triển cả hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế vùng đất Chín Rồng”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời qua đó chia sẻ trở lại nguồn thu để hỗ trợ các địa phương bị tác động nặng bởi biến đổi khí hậu.
“Biến đổi khí hậu suy cho cùng cũng chỉ là những biến đổi mang tính ngoại sinh, một khi chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa và tinh thần dân tộc, những yếu tố mang sức mạnh nội sinh, chúng ta sẽ phát triển giàu mạnh trên mảnh đất thiêng liêng kế thừa từ cha ông, Thủ tướng nêu rõ”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên”, nhưng Thủ tướng cho rằng, nội hàm của nó không phải là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa.
“Biến đổi khí hậu không phải là do tự nhiên tạo ra mà chủ yếu là hệ quả của các hoạt động của con người. Do đó, chúng ta phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Xem thêm
5 năm tới, sẽ huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vùng đất “Chín rồng”Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – vùng đất “Chín rồng” – đã có những bước chuyển mình ngoạn mục…
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, định hướng phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 120, còn được gọi là Nghị quyết “thuận thiên” đã mang lại những kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo, thiết lập nền tảng quan trọng cho vùng đất “Chín rồng” tiếp tục “cất cánh” thời gian tới.
CUỘC CHUYỂN MÌNH NGOẠN MỤC SAU 3 NĂM NHỜ NGHỊ QUYẾT “THUẬN THIÊN”
Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3, các Bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh đã có báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ, trong đó đề cập đến những kết quả tích cực cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục thời gian tới.
Về quy hoạch xây dựng, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, ngay sau khi Nghị quyết 120 được ban hành, Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thành đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng cho biết nhờ những nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của thể của Nghị quyết, tỷ lệ đô thị hóa tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên; chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh. Bộ mặt nông thôn được cải thiện và có bản sắc, 100% các xã trong Vùng đã được công nhận nông thôn mới, góp phần thực chất nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nông dân. Nhà ở cho người dân được cải thiện, đặc biệt là người dân khu vực ngập lũ với khoảng 1 triệu người đã được bố trí chỗ ở an toàn, ổn định…
Về quy hoạch giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay Bộ đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông tại 13 tỉnh.
“Ba năm qua, chúng ta đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (nối Cao Lãnh – Rạng Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cũng giành gần 5.000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
“Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải có một số dự án như: Xây dựng cao tốc nối thành phố Cà Mau – Cần Thơ, và cao tốc nối Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ và Sóc Trăng”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công với ngành Giao thông vận tải tại khu vực là 57.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với nhiệm kỳ qua (29.000 tỷ đồng).
Về ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Nghị quyết 120 đã giúp khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ tại khu vực. Bộ trưởng cho biết, để thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển sang khai thác thế mạnh theo ưu tiên “thủy sản, trái cây, lúa gạo”.
“Năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD, nhưng năm 2020 đã là 8,8 tỷ USD, cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả. Cấp hộ, cấp doanh nghiệp chuyển động, 13 tỉnh thành chỉ đạo rất quyết liệt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
“Chính phủ đã bố trí 10.000 tỷ đồng để xử lý 119km bờ biển và một số khu vực ven sông, một số công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng”, Bộ trưởng thông tin. “Với 28.000 tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi trong vùng, hàng loạt công trình lớn chỉ trong 3 năm qua đã được đưa vào sử dụng, 300 nghìn ha đất nông nghiệp được chủ động nguồn nước từ các công trình này, chưa kể một loạt các công trình của địa phương”, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết.
Về môi trường, sau Nghị quyết 120, mạng lưới quan trắc, giám sát khí hậu, thời tiết được tăng cường, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai được nâng cao phục vụ thực hiện các giải pháp thích ứng, trong đó đã chú trọng các giải pháp phi công trình. Nhờ đó đã hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.
“Chuyển đổi kinh tế được đẩy mạnh nương theo thế mạnh tự nhiên; hình thành mạng lưới sản xuất thông minh, tập trung quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới như gạo ST25”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết.
Theo Bộ trưởng, các lợi thế sinh thái, văn hóa, lịch sử đã được bảo tồn, phát huy, thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ. Chỉ riêng năm 2019, khách du lịch ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt, thu đạt hàng chục nghìn tỷ đồng.
HUY ĐỘNG THÊM HÀNG TRĂM NGHÌN TỶ ĐỒNG CHO ĐẤT “CHÍN RỒNG”
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục được ưu tiên đầu tư.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương là khoảng 162.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388.000 tỷ đồng.
Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng…
Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.
Để có thêm nguồn lực ngoài khoản vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển.

Nguồn VnEconomy-TT