Lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng tỉ lệ lao động giữ các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa có báo cáo Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”.
Lao động nước ngoài vào Việt Nam làm giám đốc, chuyên gia
Theo báo cáo, từ năm 2013 đến năm 2018, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng tỉ lệ lao động giữ các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, giảm tỉ lệ lao động giữ vị trí lao động kỹ thuật và có xu hướng tăng dần qua các năm.
Năm 2013 có 72.172 lao động nước ngoài thì đến năm 2018 có 88.845 lao động nước ngoài.
Đáng chú ý, lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật, đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được
Qua giám sát thực tế tại các doanh nghiệp, Ủy ban Đối ngoại đánh giá: Tổ chức sử dụng lao động nước ngoài về cơ bản đã tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Một trong những hạn chế của việc quản lý lao động nước ngoài, Ủy ban Đối ngoại đề cập đến quy định không cho phép chuyển đổi mục đích khi nhập cảnh.
Theo quy định, người lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp thường được các cơ quan xuất nhập cảnh cấp visa ký hiệu “DN” có thời hạn tới 3 tháng mà chưa có giấy phép lao động. Trong 3 tháng làm việc, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện các hồ sơ để xin giấy phép lao động để được cấp visa ký hiệu “LĐ”.
Trong khi đó, Khoản 1 Điều 7 của Luật số 47 không cho phép chuyển đổi mục đích khi nhập cảnh.
“Điều này dẫn đến số lượng lao động nước ngoài vào làm việc ngắn ngày mà không được cấp giấy phép lao động gây khó khăn cho công tác quản lý, cấp giấy phép lao động đối với lao động vào làm việc mà chưa được cấp giấy phép lao động”, báo cáo chỉ ra.
Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ ra các bất cập về quy định đấu thầu khiến cho tình trạng lao động nước ngoài làm việc ở những vị trí lao động trong nước có thể đảm nhận diễn ra phức tạp.
Cụ thể, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, nêu rằng: Với đấu thầu quốc tế, khi lập hồ sơ mời thầu phải quy định sử dụng lao động trong nước đối với những vị trí công việc mà lao động trong nước đáp ứng được và có khả năng cung cấp, đặc biệt là lao động phổ thông, chỉ được sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, Nghị định 63 cũng cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 đến 5 năm đối với hành vi vi phạm việc sử dụng lao động.
Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại thấy rằng trong Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư lại “không có nội dung xử phạt đối với nhà thầu sử dụng lao động không đúng theo phương án trong hồ sơ mời thầu”.
Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ ra tình trạng một số địa phương chưa chủ động, tích cực và quyết liệt trong việc rà soát, phát hiện lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp trên địa bàn, chưa thực hiện các biện pháp xử lý kiên quyết đối với lực lượng lao động này.
Theo Ủy ban Đối ngoại, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động; xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế.
Cụ thể, một số lao động nước ngoài sau khi nhập cảnh vào Việt Nam mới thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép lao động; một số cơ quan, doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc quy định về việc mời, bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam.
“Người lao động nước ngoài sử dụng visa DN hoặc vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan du lịch nhưng ở lại làm việc tại Việt Nam”, Ủy ban Đối ngoại lưu ý.
|
Chuyên gia Trung Quốc làm việc tại một nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam. |
Cảnh báo đầu tư chui, núp bóng
Báo cáo giám sát cũng đề cập đến tình hình đầu tư, kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, từ năm 2016 đến tháng 10/2019, đã có 11.595 dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 69,29 tỷ USD.
Trong giai đoạn này, số vốn giải ngân tăng đều qua các năm, từ 14,5 tỷ năm 2015, tăng lên19,1 tỷ năm 2018. “Đây là mức tăng kỷ lục về vốn thực hiện trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, báo cáo nhấn mạnh.
Ủy ban Đối ngoại cũng cảnh báo việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp ngày một gia tăng với quy mô lớn trong khi Luật Đầu tư quy định đơn giản về thủ tục; không bắt buộc nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư. Điều này gây khó khăn cho cơ quan nhà nước quản lý việc góp vốn tại doanh nghiệp dễ dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.
Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng: Các vụ khiếu kiện, tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan quản lý nhà nước và với Chính phủ gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, tốn kém về thời gian và nguồn lực xử lý. Tính đến năm 2018, đã có 6 vụ việc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện nhà nước Việt Nam, ngoài ra một số vụ việc khác nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định khởi kiện.
Đặc biệt, Ủy ban Đối ngoại đánh giá việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số doanh nghiệp nước ngoài chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng. Hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài kê khai, báo lỗ khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có hành vi chuyển giá. Trong khi đó, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa có quy định về hoạt động chuyển giá, các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, các biện pháp chống suy thoái nguồn thu.
“Hoạt động chuyển giá, việc quản lý thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới hiện nay chưa được quy định tại Luật Kế toán năm 2015, Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015”, theo báo cáo.
Đề nghị xây dựng Luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam |
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó quy định tỷ lệ góp vốn tối thiểu vào doanh nghiệp để người lao động nước ngoài được miễn cấp giấy phép lao động, quy định phải có giấy phép lao động thì mới được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề trong lĩnh vực đặc thù như hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, giáo dục, xây dựng, du lịch, dịch vụ.Nghiên cứu xây dựng luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó có quy định để quản lý lao động nước ngoài làm việc cho các nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.Nguồn VNN-TT |