VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số

 – Với dân số gần 100 triệu người (tính đến tháng 10 năm 2018), trong đó có hơn 64 triệu người dùng internet, hơn 130 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo, nhiều DN thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số,… Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.
Thông tin trên được chia sẻ tại “Diễn đàn Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 18/6.
Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số
Theo ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong suốt chặng đường phát triển, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm và không ngừng cải thiện môi trường pháp quy. Luật Doanh nghiệp năm 2000 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã phát triển nhanh chóng và tạo bước đột phá, số các doanh nghiệp đang hoạt động đã tăng hơn 13,3 lần trong giai đoạn 2000 – 2015 và vào năm 2018, tổng số doanh nghiệp đã đạt trên 700 nghìn doanh nghiệp, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Đây là một bộ phận quan trọng của xã hội, tạo ra công ăn, việc làm, sản xuất ra của cải, vật chất và có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước.
Cũng theo ông Hùng, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, điển hình như Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, trong năm 2018, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17.500.000 ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Tại “Diễn đàn Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp”
Tại “Diễn đàn Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp”
Liên quan đến sự phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số, ông Hung cũng cho hay, với dân số gần 100 triệu người (tính đến tháng 10 năm 2018), trong đó có hơn 64 triệu người dùng internet, hơn 130 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo, nhiều DN thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số,… Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.
Tuy nhiên, tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm 4,6% trong năm 2018, một tỷ lệ rất nhỏ so với mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 14,5%.
Doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ
Bên cạnh những cơ hội trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, nền kinh tế số cũng tạo ra những thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tiên là thách thức về thị trường do nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã có mặt trong các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam.
“Tầm ảnh hưởng, sức mạnh và việc ứng dụng công nghệ số hóa của doanh nghiệp đến từ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft… trong xã hội hiện nay rất lớn. Nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà”, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chia sẻ.
Ngoài ra, khả năng thích ứng với nền kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực doanh nghiệp này đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế số do những phiền toái, trở ngại về truy cập internet. Sự am hiểu về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, giải quyết các vấn đề tiến công qua mạng khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ, kiến thức cơ bản về phát triển trực tuyến còn nhiều hạn chế… cũng là một rào cản lớn.
Ngoài ra, các thiết bị công nghệ thông tin thường có chi phí rất đắt đỏ, dịch vụ kho vận yếu kém, chi phí bị đội lên cao so với nhiều nước trong khu vực cũng khiến nhiều doanh nghiệp “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa, lòng tin của phần lớn người tiêu dùng đối với mua sắm trực tuyến ở nước ta vẫn chưa cao.
Đưa ra giải pháp để phát triển bền vững, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không để phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số. Trong tương lai, với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay, rất có thể xuất hiện thêm những mô hình mới tiên tiến hơn.
Cũng theo ông Hùng, trước những cơ hội và thách thức do nền kinh tế số mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn. Đồng thời, nghiên cứu một cách bài bản, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Khi đã có phương pháp chủ động tiếp cận nền kinh tế số, các doanh nghiệp với nhiều tiềm lực và lợi thế sẽ trở thành “đầu tàu” dẫn dắt công cuộc số hóa trong nền kinh tế quốc gia.

Nguồn VNMedia-TT