– Tôi hiểu tình trạng tiến thoái lưỡng nan này. Một mặt thì khó tiến về phía trước, mặt khác thì cũng khó lùi lại, nhưng Việt Nam không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải tiến lên. Nói thẳng ra là Việt Nam phải tiến lên.
LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trao đổi với Tuần Việt Nam về những rào cản phát triển, và con đường cần đi để vươn tới thịnh vượng.
Giao thông, hạ tầng luôn tắc nghẽn.
Ông Ousmane Dione nói: Đôi khi các bạn cho rằng, tôi quá lạc quan về Việt Nam. Đúng đấy, tôi rất lạc quan về Việt Nam nhưng không phải là tôi không biết về các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt; không phải là tôi không biết các quy tắc làm việc cứng nhắc tại đây. Trên bàn tôi có một quyển sách viết bằng tiếng Pháp tên là Histoire du Vietnam, tức là Lịch sử Việt Nam. Các bạn đã chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến trong lịch sử dù đó là chống quân Mông Cổ, Trung Quốc hay bất kỳ kẻ thù nào khác. Tuy nhiên, các bạn cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn những khối đá chặn đường đi và đôi khi các bạn va phải chúng. Vì sao các bạn không tự hỏi, tại sao khối đã này lại nằm ở đây để bỏ chúng đi.
Việt Nam trước ngã ba đường
– Ông nói rất nhiều lần về thành công của Việt Nam và tôi nghĩ ông đúng. Cách đây hơn 30 năm, hầu hết chúng tôi sống trong nghèo khổ. Nhưng vấn đề là đã hơn 33 năm đã qua kể từ Đổi mới, 44 năm kể từ khi đất nước thống nhất, đó là khoảng thời gian để một số quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản trở thành quốc gia phát triển hàng đầu.
Sau khoảng thời gian đó, Việt Nam ngày nay thế nào. Chúng tôi không đạt mục tiêu công nghiệp hóa đất nước; doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở đáy chuỗi cung ứng, không vươn lên được. Chúng tôi hầu như chỉ nhập hàng thô về gia công để kiếm công ăn việc làm chứ không chiếm được bao nhiêu giá trị gia tăng. Doanh nghiệp Nhà nước vẫn lớn trong khi doanh nghiệp tư nhân không lớn được. Ngành nông nghiệp, thế mạnh của Việt Nam, vẫn phải phụ thuộc nhiều vào giống, phân bón nhập khẩu, mà về thực chất là người nông dân đang bán sức lao động y như công nhân, và ít được hưởng giá trị gia tăng. Luật pháp có rất nhiều trong khi thực thi thì rất tệ…
– Những điểm anh nêu rất đúng, nhưng có một điểm căn bản tôi không đồng ý với anh vì anh cứ nói, chúng tôi không thể, chúng tôi không làm được. Đó là cái tôi không đồng ý với anh. Người Việt Nam và lãnh đạo Việt Nam không sống chung với cụm từ “không thể, không làm được”, theo góc nhìn của tôi. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể và phải làm được. Điều kiện cần để Việt Nam làm được là gì. Chính vì vậy tôi mới nói là nếu Đổi mới đưa Việt Nam đến ngày nay, thì bây giờ ta cần có Đổi mới 4.0. Cái tôi nói ở đây là những gì đưa ta đến đây không còn phù hợp nữa rồi, vì xong nhiệm vụ rồi.
Tất cả những gì anh nói đều đúng. Mô hình hiện nay đã đạt đến giới hạn của nó. Chúng ta phải t ìm cách điều chỉnh mô hình. Chúng ta không thể cứ làm như cũ và muốn đạt thành quả như cũ ngày nay vì thế giới đang thay đổi rất nhanh. Các quốc gia, tất cả những quốc gia anh đưa ra làm ví dụ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản v.v. đã không áp dụng đúng mô hình trước đây đểđạt được những gì họ có ngày nay. Họ cũng phải thay đổi, phải thêm thắt, điều chỉnh bản thân.
Ngân hàng Thế giới đã và sẽ đưa ra nhiều khuyến nghị về hàng loạt cải cách cho Việt Nam trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tới đây. Những cải cách đó không chỉ có góc độ kinh tế mà còn phải phản biện để hướng đến những tư duy mới, như về đổi mới sáng tạo. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ KH&CN về chiến lược đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo cần phải được lồng ghép vào hướng phát triển của Việt Nam.
Tương tự là nông nghiệp. Việt Nam không thể sản xuất nông nghiệp trong 10 năm tới với phương thức sản xuất và với cách thức quản lý đất đai như cách đây 20 – 30 năm. Làm thế là không được.
Tương tự, cách thức chúng ta tiếp cận giáo dục cũng rất quan trọng. Thế hệ ngày nay với trình độ phát triển ngày nay không thể được đào tạo giống như cách thức đào tạo các thế hệ trước, và với thế hệ tương lai thì lại càng không thể dùng cách phương thức đào tạo cũ nếu muốn đưa quốc gia đi lên.
Cải cách pháp lý là quan trọng, đúng là cần phải rà soát lại một số khía cạnh của hệ thống pháp lý. Cái này tôi đồng ý với anh, nhưng nếu chỉ riêng hệ thống pháp luật thì chưa giải quyết được vấn đề. Anh có biết rằng, Việt Nam cũng có rất nhiều luật tốt, Việt Nam cũng có nhiều văn bản luật. Nhưng vấn đề là làm sao để thực thi hiệu lực pháp luật, làm sao để triển khai luật thành công. Và khi ta nhận ra là có trở ngại trên đường đi, ta phải có khả năng linh hoạt, phải điều chỉnh.
Cái đó đòi hỏi thời gian, phải đưa ra những quyết định khó khăn, đòi hỏi khả năng lãnh đạo. Đôi khi việc ra quyết định ở Việt Nam là khó, đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro. Khi bạn chấp nhận rủi ro, có thể sẽ có thành công, nhưng cũng có thể thấp bại. Ta phải chấp nhận có một số thứ thất bại.
Câu hỏi của anh cũng đề cập đến giá trị gia tăng thấp mà tôi rất đồng ý. Nhưng nếu Việt Nam không nhập giống từ Trung Quốc, cho dù là giống gì, thì Việt Nam phải chấp nhận rủi ro là tự đầu tư nghiên cứu & phát triển. Nếu nghiên cứu & phát triển không đi đến đâu, hay nếu bạn không có năng lực, liệu bạn có chấp nhận rủi ro cần thiết khác để đổi mới sáng tạo để có được loại giống phù hợp cho nông nghiệp? Liệu có làm được không? Thế thì không có cách nào khác là phải nhập khẩu.
Tôi có thể nói cho anh về kinh nghiệm của chính tôi. Tôi đã sống ở những quốc gia như Pê-ru, Mỹ La-tinh. Những quốc gia đó làm nông nghiệp và chỉ chú trọng đổi mới sáng tạo nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu cải tạo giống, các loại bệnh dịch ảnh hưởng đến cacao, cà phê, ngô, đậu. Tất nhiên, sản phẩm nông nghiệp của họ không tồi. Vấn đề là, họ lại không chú trọng đến cả quá trình sản xuất, hàng nông nghiệp của họ chưa qua chế biến. Khi được xuất khẩu, có người mua lại tinh chế, đóng nhãn mác,… tạo ra giá trị gấp hai, gấp ba lần.
Việt Nam làm thế nào để thúc đẩy công nghiệp hóa? Một lần nữa tôi lại nói về hạ tầng, hạ tầng cứng, như hệ thống đường sắt. Nếu Việt Nam muốn phát triển hệ thống đường sắt thì phải tính đến chuyện có các ngành công nghiệp phụ trợ cho hạ tầng đó. Nếu Việt Nam không thể tự làm đầu máy, thì phải nghĩ đến chuyện đó. Tôi cho rằng đã có một số triển vọng tốt đang xuất hiện, đáng mừng.
Làm thế nào để Việt Nam công nghiệp hóa thành công? Các bạn không thể làm được nếu không có nghiên cứu & phát triển, không có hạ tầng nghiên cứu…
Vâng đúng là tôi hiểu điều anh nói. Và tôi cũng rất hiểu mong muốn chính đáng của người Việt Nam. Ai cũng muốn nhiều hơn, muốn tốt hơn. Đó là mong muốn chính đáng, là khát vọng của người Việt Nam. Vấn đề là họ không muốn ngày mai mới có, họ muốn phải có ngay bây giờ.
– Ý của tôi là đến nay, phát triển kinh tế của Việt Nam đã tới hạn mà để giải quyết vấn đề của nó thì nhiều khi lại vượt ngoài lĩnh vực kinh tế…
– Vâng đúng, nhưng tôi cho là điều đó tùy thuộc vào người Việt Nam. Và tôi nhấn mạnh rằng người Việt Nam có năng lực, có sự lãnh đạo, để có thể chấp nhận rủi ro.
Tôi biết các bạn muốn cái gì cũng phải xong ngay lập tức và tốt hơn trước đây. Nhưng phát triển không phải là con đường thẳng. Không, không phải thế. Với hoàn cảnh như hiện nay, nếu muốn trở thành một nước thu nhập trung bình thành công thì Việt Nam không thể không đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không thể không đầu tư vào nguồn vốn con người, không thể không đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ, và không thể không đầu tư vào nghiên cứu & phát triển.
Hoặc Việt Nam cũng có thể lựa chọn phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn vốn, con người từ các nước khác… Đó cũng là một chiến lược. Nhưng nếu chọn con đường đó, bạn sẽ lao đầu vào tường và không tiến lên được. Bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi đã nói tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam rằng, Việt Nam đang đứng trước ngã 3 đường.
– Đây là cảnh báo thú vị. Có người nói, chúng tôi cứ mãi ở ngã ba đường vì tiến lên thì đi theo kinh tế thị trường, trở thành tư bản, còn lùi lại như trước thì không được nữa rồi. Ông giải thích gì thêm về ý của ông khi đề cập đến tình thế tiến thoái lưỡng nan này?
– Tôi nói nghiêm túc đấy. Chúng ta đang ở ngã ba đường. Chúng ta muốn chọn hướng đi, vậy hướng nào? Ta muốn đi theo hướng có hạ tầng chất lượng cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào nghiên cứu & phát triển chất lượng cao và nhiều thứ khác nữa để từ đó chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu, hay ta sẽ chọn một con đường gập ghềnh hơn và mạo hiểm hơn?
Lời khuyên của tôi dành cho Việt Nam thì như tôi đã nói. Đó không hẳn là điều dễ làm, nhưng ta biết rằng đó là con đường dẫn đến thành công và đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình.
Tôi hiểu tình trạng tiến thoái lưỡng nan này. Một mặt thì khó tiến về phía trước, mặt khác thì cũng khó lùi lại. Và Việt Nam không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải tiến lên. Nói thẳng ra là Việt Nam phải tiến lên. Nhưng muốn tiến lên thì đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều yếu tố…
Khi phát biểu kết thúc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tôi đã lấy một đôi bạn trẻ 21 tuổi làm ví dụ. Trước hết người ta phải có cái đầu, tức là tư duy, tức là đổi mới, tức là sáng tạo. Cần phải có tư duy chiến lược. Nhưng bạn cũng cần có một trái tim, đó chính là khối tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân có thể làm được rất nhiều thứ. Nếu bạn lôi kéo các doanh nghiệp tư nhân cùng thực hiện chương trình nghị sự thì bạn sẽ phân bổ nguồn lực trong nước rất hiệu quả. Bạn sẽ có thêm nhiều nguồn lực để đầu tư …
Việt Nam đang thực hiện tất cả các biện pháp cải cách này. Một điều bạn cần luôn luôn nhớ là vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Họ có thể làm được gì. Làm cách nào để lôi kéo doanh nghiệp tư nhân tham gia khi cần. Và phải có quy định đi kèm.
Có nhiều nước có kinh nghiệm và bài học mà Việt Nam có thể học hỏi, ví dụ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện ta đang đứng giữa ngã 3 đường. Ta không thể cứ đứng mãi ở đây bởi vì ngoài ta ra còn có người khác. Họ luôn luôn tìm cách vượt ta. Ta không thể cứ đứng giữa đường và nói “Tôi không thụt lùi nhưng tôi cũng chẵng tiến lên”. Nếu cứ đứng giữa đường, ta có thể bị người khác va vào. Vậy ta phải tiến lên. Phải tìm cách đổi mới, phải xem xét hệ thống hoạt động thế nào, Chính phủ cần phải làm gì. Trong đó luôn luôn phải để ý đến khối doanh nghiệp tư nhân. Vâng, tôi hoàn toàn nhất trí. Chúng ta đang phấn đấu theo hướng đó.
Chín muồi để cải cách
– Ông vừa nói về những khuyến nghị cải cách tới đây cho Việt Nam. Đó là những khuyến nghị gì vậy?
– Đúng là chúng tôi đang phối hợp với Chính phủ và hỗ trợ trong nhiều khía cạnh liên quan đến xây dựng kế hoạch và cả chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Vừa rồi chúng tôi chia sẻ một số sản phẩm phân tích mà chúng tôi cho rằng Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới để cải thiện, cũng như xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Một là liên quan đến nghị trình cải cách, đây là lúc Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ cải cách và tôi nghĩ là nền kinh tế Việt Nam đã chín muồi để cải cách, nhanh hơn với những cải cách quan trọng hơn. Tôi cho là người dân Việt Nam cũng sẵn sàng cải cách. Và tôi cho là lúc này Việt Nam cần phát huy một số cải cách cụ thể để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cần có nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Về vĩ mô, Việt Nam cần tiếp tục tập trung hiện đại hóa nền kinh tế. Điều này rất quan trọng. Cải cách DNNN cũng rất quan trọng trong thế giới cạnh tranh. Có mội điều tôi cần làm rõ là đôi khi mọi người cho là cải cách DNNN thì nhất thiết phải cổ phần hóa. Không phải, hoàn toàn không phải. Vấn đề là làm sao một số DNNN có thể áp dụng quản trị hiện đại, phương thức hiện đại đển đảm bảo bền vững tài chính, cách thức hiện đại để đóng góp cho nền kinh tế, áp dụng kỹ thuật hiện đại, v.v.
Có những DNNN thành công trên thế giới mà không cần cổ phần hóa, nhưng hoạt động lại theo kiểu tư nhân. Đó là điều khác biệt. Họ hợp lý hóa được nguồn lực, áp dụng những phương thức quản lý tài chính hiện đại, đổi mới sáng tạo. Đó là những cái tôi thấy cần quan tâm để đẩy mạnh nền kinh tế trong thời gian tới. Cách tiếp cận truyền thống của Việt Nam đã đạt tới giới hạn và đó thách thức Việt Nam phải đối mặt.
Chính vì vậy, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội rất quan trọng. Nó quan trọng ở chỗ, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng quốc gia thu nhập thấp một cách rất thành công. Lúc này Việt Nam đã từ quốc gia thu nhập thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình, những thách thức cũ của Việt Nam không còn nữa, Việt Nam phải tìm hướng tiếp tục vươn lên. Đó là việc phải rà lại mô hình, cần những động lực nào, chất liệu nào, phụ tùng nào để đưa vào cỗ máy cho nó chạy tiếp.
Như vậy là có cải cách, nhưng ngoài ra còn có một số tác động về môi trường và sự nghiệp phát triển của Việt Nam không thể thực hiện với hệ quả gây tổn hại đến môi trường. Nếu vậy thì trước sau Việt Nam cũng phải trả giá và cái giá phải trả sẽ rất cao hơn xử lý ngay bây giờ. Ví dụ, về ô nhiễm. Theo ước tính hiện nay của chúng tôi, ô nhiễm gây tổn thất đến 2,5% – 3% GDP Việt Nam. Có một điều mà người ta không nhận ra là một số thành phố của Việt Nam, như Hà Nội, TP. HCM đang bắt đầu mất đi vẻ hấp dẫn vì ô nhiễm. Một người nước ngoài có con cái muốn đến một thành phố làm việc thì người ta quan tâm đến điều gì, trước hết là ô nhiễm. Đó là điều ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người, rồi tiêu chuẩn sống, v.v.
(Còn nữa)
Nguồn VNN-TT