Ảnh minh họa
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương tháng 6/2019
Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6 năm 2019. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ đánh giá cao tinh thần làm việc chủ động, sát sao, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh của các bộ, ngành, địa phương; đã có nhiều mô hình tốt, cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm quý trong quản lý, điều hành cần tiếp tục nhân rộng để làm tốt hơn nữa trên phạm vi cả nước.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; theo dõi, đánh giá tình hình thế giới và trong nước, kịp thời có đối sách, giải pháp phù hợp; nghiêm túc quán triệt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời bám sát kịch bản tăng trưởng; chú trọng triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019 nêu tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 10/4/2019.
Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chị thị nêu rõ mục tiêu của Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo đảm công bằng, ổn định chính trị xã hội, hài hòa giữa các mục tiêu về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cải thiện môi trường sinh thái với việc bảo vệ và phát triển rừng; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đô thị, nguồn nước và không khí; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Nghị quyết hướng đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn văn minh hiện đại.
Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Tổ chức vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”
Chính phủ ban hành Nghị quyết 54/NQ-CP về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 9. Nghị quyết nêu rõ, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, đồng ý đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho 50 cá nhân; phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” cho 149 cá nhân.
Sửa đổi quy định xử phạt vi phạm về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; nuôi trồng thủy sản trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; phá dỡ, xê dịch mốc chỉ giới, biển báo của công trình thủy lợi hoặc tự ý đấu nối kênh, đường ống dẫn nước; hoạt động nghiên cứu khoa học, trồng cây lâu năm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đào đắp ao, hồ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Cụ thể, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản: a- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; b- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch; c- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; d- Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.
Bổ sung một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Nghị định 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Cụ thể, thay vì quy định 17 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Nghị định 64/2019/NĐ-CP quy định 28 loài được ưu tiên bảo vệ, trong đó bổ sung một số loài như: Thông đỏ nam (Thông đỏ lá dài, Thanh tùng), Hoàng liên gai lá dài, Hoàng liên gai lá mốc, Lan hài chai (Lan vân hài)…
Nghị định 64/2019/NĐ-CP cũng bổ sung thêm một số loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như: Voọc bạc trường sơn, Vượn má vàng trung bộ, Vượn siki, Công, Trĩ sao, Rẽ mỏ thìa, Choắt mỏ vàng… đưa tổng số loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ 83 loài lên 99 loài.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng
Để sớm chuyển sang thực hiện thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 849/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo đúng quy định; bảo đảm chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.
Nguồn Chinhphu.vn-TT