VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Nhiều quyết định quan trọng chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/8)

 Hàng loạt quyết định có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như Thêm 3 trường hợp được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; Đăng ký xe máy chuyên dùng tạm thời có thời hạn 20 ngày; Ép khách du lịch mua hàng, phạt tới 3 triệu đồng… đã chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 1/8.
Thêm 3 trường hợp được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT
Bộ Y tế đã ra Thông tư 09/2019/TT-BYT, hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo đó, kể từ ngày 1/8/2019, có thêm 3 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh. Bao gồm:
– Người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8,94 triệu đồng) (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
– Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ BHYT.
– Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
Đăng ký xe máy chuyên dùng tạm thời có thời hạn 20 ngày
Đây là một nội dung đáng chú ý nêu tại Thông tư 22/2019/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng ký xe máy chuyên dùng ban hành ngày 12/6/2019.
Theo đó, xe máy chuyên dùng chưa đăng ký, khi di chuyển trên đường bộ phải được đăng ký tạm thời và giấy này có thời hạn 20 ngày kể từ ngày cấp.
Cụ thể, trường hợp đăng ký lần đầu đối với xe máy chuyên dùng thì thành phần hồ sơ gồm có: Tờ khai cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời; Giấy xác nhận quyền sở hữu xe máy chuyên dùng (bản sao); Giấy tờ xác định nguồn gốc xe máy chuyên dùng (bản sao) tới Sở Giao thông Vận tải nơi chủ sở hữu đăng ký thường trú…
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng; không áp dụng đối với việc cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/08/2019.
Ép khách du lịch mua hàng, phạt tới 3 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch sẽ có hiệu lực từ 1/8/2019.
Nghị định nêu rõ, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính từ cảnh cáo đến phạt tiền.
Theo đó, mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch bị phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Mức phạt cao nhất từ 90 – 100 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi kinh doanh dịch vụ lữ hành khi bị thông báo dừng hoạt động, tước giấy phép kinh doanh du lịch lữ hành, bị đình chỉ hoạt động, không có giấy phép kinh doanh lữ hành, sử dụng giấy phép giả.
Đặc biệt, nếu tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; phân biệt đối xử với khách du lịch; không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 -3 triệu đồng.
Mức phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch. Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch…
Chơi thô bạo trong thi đấu thể thao bị phạt đến 25 triệu đồng
Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.
Cụ thể, người nào có hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng và phải xin lỗi công khai đối với hành vi của mình.
Mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Lương hưu, trợ cấp BHXH của cán bộ xã nghỉ việc tăng 7,19%
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 09/2019/TT-BNV, có hiệu lực ngày 01/8/2019, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/7/2019 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
Theo quy định tại văn bản này, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc sẽ tăng thêm 7,19% trên mức trợ cấp được hưởng.
Công thức tính mức trợ cấp hàng tháng từ 01/7/2019 = mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 x 1,0719.
Mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc, nguyên là bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã sẽ là hơn 2,1 triệu đồng/tháng. Đối với cán bộ nguyên là phó bí thư, phó chủ tịch, thường trực đảng ủy, ủy viên thư ký UBND, thư ký HĐND xã, xã đội trưởng, trưởng công an xã… là hơn 2 triệu đồng/tháng. Các chức danh còn lại hưởng mức hơn 1,8 triệu đồng/tháng.
Tăng trợ cấp, phụ cấp của người có công với cách mạng
Từ ngày 01/7/2019, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng, cao hơn mức hiện tại 109.000 đồng theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP.
Cụ thể mức trợ cấp, phụ cấp của một số đối tượng gồm: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: Trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng; Thương binh loại B: Trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng; Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng: Phụ cấp 1,67 triệu đồng; Bệnh binh (Trợ cấp tối thiểu 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng)…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.
Nguồn -TT