– Thời gian cấp sổ đỏ cho người dân được rút ngắn; không giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học; giao dịch các loại bảo hiểm qua mạng; nới rộng trường hợp mở tài khoản ngân hàng… là những chính sách mới có hiệu lực từ 1/3.
Các loại bảo hiểm được giao dịch điện tử
Từ 1/3, Nghị định 166/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu có hiệu lực. Người dân có thể đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm; giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Nghị định quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN phải có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định và đăng ký với BHXH Việt Nam; có khả năng truy cập, sử dụng mạng Internet; có chứng thư số còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp (nếu chưa có chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do BHXH Việt Nam cấp).
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được nộp chứng từ BHXH điện tử qua cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày, bảy ngày trong tuần. Cơ quan tiếp nhận sẽ gửi thông báo xác nhận đã nhận được chứng từ BHXH điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp chậm nhất 15 phút sau khi nhận được chứng từ điện tử.
Người dân có thể giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT. (Ảnh: TL)
Bảo lãnh Chính phủ về đầu tư dự án
Theo Nghị định 04/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/3, Chính phủ bảo lãnh đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho chương trình, dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án.
Riêng với dự án được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc dự án thuộc diện phải triển khai cấp bách, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo quyết định đầu tư. Đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên, mức bảo lãnh tối đa 60% tổng mức đầu tư. Đối với các dự án khác, mức bảo lãnh tối đa 50% tổng mức đầu tư.
Nghị định cũng quy định cụ thể các điều kiện để được cấp bảo lãnh Chính phủ như: Là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, thành lập hợp pháp tại Việt Nam có thời gian hoạt động ít nhất ba năm; doanh nghiệp phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có lỗ lũy kế…
Cấp sổ đỏ trong 15 ngày
Từ ngày 3/3, Nghị định 01/2017 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai sẽ có hiệu lực. Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ giảm một nửa hoặc 1/3 thời gian so với quy định trước đây.
Đáng chú ý, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng sổ đỏ và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 15 ngày (quy định cũ là 30 ngày).
Việc đăng ký, cấp sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất cũng giảm xuống còn 15 ngày thay vì 20 ngày như trước.
Riêng thủ tục cấp lại sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất giảm 2/3 thời gian, xuống còn 10 ngày thay vì 30 ngày.
Đủ 15 tuổi được mở tài khoản thanh toán
Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 32/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (có hiệu lực từ 1/3) sửa đổi Thông tư 23/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Theo đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung đối tượng là cá nhân được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (không yêu cầu có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc mở tài khoản thanh toán như quy định hiện hành).
Thông tư cũng bổ sung thêm nhóm người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
50 km cao tốc phải có một trạm cấp cứu
Thông tư số 49/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc quy định mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên cao tốc bao gồm các trạm cấp cứu, được tổ chức như sau:
Trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua bao gồm trạm y tế xã/phường; trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm cấp cứu 115; bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân.
Tối thiểu, 50 km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy thuộc vào phạm vi chuyên môn kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm tổ chức việc kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tai nạn giao thông.
Đối với người bị tai nạn giao thông không có thẻ bảo hiểm y tế, cơ sở y tế vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người bị tai nạn giao thông. Sau khi sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn giao thông, cơ sở mới thực hiện thu phí vận chuyển người bệnh, phí sơ cứu, cấp cứu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước hoặc giá niêm yết đối với bệnh viện tư nhân.
Thông tư này có hiệu lực từ 1/3.
Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học
Theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT về quy chế thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, quy chế thi THPT và xét tuyển đại học trong năm 2017 có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Thay đổi về số lượng bài thi THPT (5 bài thi thay vì tổ chức 8 môn thi như trước đây).
Quy chế thi năm 2017 quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.
Theo quy chế, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi về Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Hai thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/3.
Lưu chiểu báo điện tử
Theo Nghị định 08/2017/NĐ-CP của Chính phủ về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí, có hiệu lực từ ngày 30/3, báo nói, báo hình phải được lưu giữ nguyên trạng tối thiểu sáu tháng kể từ ngày được phát sóng lần đầu; đối với báo điện tử, thời gian lưu trữ nguyên trạng ít nhất là 12 tháng kể từ ngày đăng tải lần đầu.
Đáng chú ý, các tác phẩm báo chí lưu chiểu điện tử còn được sử dụng làm căn cứ để xử lý trong trường hợp tác phẩm có nội dung sai phạm./.