VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Báo cáo tiến độ chạy thử đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước 30/9

Đó là yêu cầu được nêu tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, vừa được Chính phủ ban hành…

Phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ – Ảnh: QP

Nghị quyết nêu rõ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, quyết liệt hơn nữa trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, sâu sát thực tiễn, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.
Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là nỗ lực phấn đấu cao nhất, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm
Về các dự án điện, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2…, bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Cụ thể, đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, bảo đảm tiến độ đưa tổ máy 1 vào vận hành quý 2 năm 2021 và tổ máy 2 vào quý 3 năm 2021.
Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện báo cáo trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để bảo đảm tiến độ đưa tổ máy 1 vào vận hành trong tháng 12/2020 và tổ máy 2 vào quý 1 năm 2021.
 Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2019. Với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, bảo đảm tiến độ đưa tổ máy 1 vào vận hành quý 2 năm 2021 và tổ máy 2 vào quý 3 năm 2021. Về các dự án hạ tầng giao thông, theo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng dự án, công trình quan trọng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2019; chịu trách nhiệm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; đặc biệt là tập trung khắc phục các vướng mắc do thủ tục, làm rõ trách nhiệm của Bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban quản lý dự án, Nhà thầu và địa phương liên quan; đồng thời xử lý những tồn tại của một số công trình, dự án đang triển khai dở dang.
Trong đó, đối với dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về tiến độ khởi công 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư sau khi cấp có thẩm quyền có chỉ đạo chính thức hình thức lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm cơ bản hoàn thành các dự án vào năm 2021 theo đúng nghị quyết của Quốc hội, kịp thời báo cáo Chính phủ, Quốc hội xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng trì trệ, chậm tiến độ đề ra.
Dự án đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
 Liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, nghị quyết nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2019 về tiến độ chạy thử và đưa vào sử dụng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Chủ động biện pháp xử lý dứt điểm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nếu vượt thẩm quyền, không để tình trạng chậm trễ kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.
 Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định Nhà nước, khẩn trương thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 8.
 Với Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân Tp.HCM chịu trách nhiệm liên quan về tiến độ trình, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 Đối với việc sửa chữa khắc phục hư hỏng của hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng trong tháng 11 năm 2019.
Các vị này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra các vấn đề về mất an toàn hàng không do nguyên nhân từ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn. Rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư các cảng hàng không, phân loại, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp đối với từng cảng để công bố danh mục cảng kêu gọi đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2019.
 Sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu 
Nghị quyết cũng nêu rõ, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để kịp thời ứng phó, đồng thời tạo thêm dư địa cho điều hành, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những tác động bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Yêu cầu tại nghị quyết là Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành khung khổ thử nghiệm chính sách mới cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch phát triển các ngành để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí và không hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2020 của bộ, ngành mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.
 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát các biến động của thị trường trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tỷ giá phù hợp. Tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen.
 Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; triển khai sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giám sát, cảnh báo, ngăn ngừa các rủi ro về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử.

Nguồn VnEconomy-TT