Những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm
–Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã đạt cao nhất gần thập kỷ qua là 6,98%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong bối cảnh, kinh tế thế giới có tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái. Mặc dù, tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế giảm mạnh (tăng trưởng của Mỹ 2%, EU 1%, Nhật Bản 0,6%, Ấn Độ 5%, Trung Quốc dưới 6%, Singapore 0%…), nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, 9 tháng qua đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tăng trưởng GDP cao nhất trong 9 năm trở lại đây
Theo Tổng cục Thông kê, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. Đây là dấu hiệu rất tích cực, trong đó nông nghiệp tăng 2,02%, công nghiệp tăng 9,36%, dịch vụ tăng 6,85%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, kết quả tăng trưởng 6,98% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%).
Thị trường tài chính tăng trưởng tích cực
Số liệu 9 tháng cho thấy, các ngành ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán có những tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế với tổng mức huy động vốn đạt 203,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 24/9/2019, chỉ số VN-Index đạt 996,74 điểm, tăng 0,2% so với cuối tháng trước và tăng 10,4% so với cuối năm 2018; mức vốn hóa thị trường đạt 4.504 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2018; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm 2019 đến nay đạt 4.576 tỷ đồng/phiên, giảm 30,1% so với bình quân năm 2018.
Trên thị trường trái phiếu, có 511 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.142 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 97.271 hợp đồng/phiên, tăng 23% so với bình quân giao dịch năm 2018.
Vốn đầu tư tiếp tục tăng khá
Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2019, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Tính đến thời điểm 20/9/2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.789,8 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng năm nay đạt 15.763,2 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
CPI hiện đang được kiểm soát theo đúng hướng
Bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Về cơ bản, CPI hiện đang được kiểm soát theo đúng hướng và thấp hơn dự kiến nên đã gia tăng dư địa cho việc điều chỉnh một số giá dịch vụ công vào cuối năm. Những yếu tố làm cho giá tiêu dùng tăng cao là do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao vào hai tháng đầu năm làm cho giá một số mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh như: Giá thực phẩm tăng 4,21%, trong đó, riêng giá thịt lợn tăng 8,04% làm cho CPI chung tăng khoảng 0,34% so với cùng kỳ năm trước; Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng khoảng 1,92% và các loại quần áo may sẵn tăng 1,75%; Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,17%; Giá du lịch trọn gói tăng 3,16%.