– Quốc hội có thể triệu tập chất vấn những tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn; đem sự kiện nóng ra chất vấn đột xuất, bất thường… là đề xuất của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Sáng 15/11, Quốc hôi thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Không nên khó quản thì cấm dịch vụ đòi nợ
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Đáng chú ý, dự luật bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) đồng ý đưa ngành nghề kinh doanh đòi nợ vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, bởi lẽ, thực tế trong cuộc sống xuất hiện dịch vụ này đa dạng, tuy nhiên chưa có quy định rõ để quản lý. Nhiều nơi làm dịch vụ này rất ngang nhiên gây hao tổn sức khỏe tinh thần của nhân dân…
Trong khi đó, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, để cấm một lĩnh vực thực tiễn đang đòi hỏi xã hội cần thì cần đánh giá tác động và thông tin đầy đủ hơn. “Không để xã hội đánh giá cơ quan quản lý không được thì cấm” – đại biểu nêu quan điểm.
Cũng đề cập tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là yêu cầu thực tiễn của đời sống, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi kinh tế, việc phát sinh dịch vụ này là cần thiết. Theo đại biểu, không nên bỏ loại dịch vụ kinh doanh đòi nợ, tuy nhiên cần quy định đầy đủ hơn về hành lang pháp lý cho dịch vụ này hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, quản lý nhà nước và không bị biến tướng. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị không nên để tên là “dịch vụ đòi nợ” vì hàm chứa yếu tố bạo lực, cần đổi sang tên khác là “dịch vụ xử lý nợ”, trong đó bao gồm tư vấn nợ và đòi nợ.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, phải nghiêm trị. Tuy nhiên, theo ông, dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và khi làm thì cần tuân thủ quy định gì, vi phạm thì xử lý ra sao, còn cấm là không hợp lý.
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp quá dễ…
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là nội dung về đăng ký doanh nghiệp.
Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Theo đó, người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay). Mặt khác, bãi bỏ 02 thủ tục không còn cần thiết, gồm: Thủ tục thông báo mẫu dấu; thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp.
Vê nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nhắc lại, vừa qua, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhiều về tình trạng nợ đọng thuế, tình trạng người kinh doanh bỏ địa chỉ kinh doanh của mình; nhấn mạnh, chúng ta rất muốn cải tiến thủ tục đăng kí thành lập doanh nghiệp, song đại biểu nêu thực tế bình quân một tháng có trên 10 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập nhưng số dừng hoạt động, giải thể cũng nhiều.
Ông nhận xét: Thủ tục đăng kí quá dễ, dễ hơn người muốn chạy xe Grab hiện nay. Muốn chạy grab thì tài xế phải làm lý lịch tư pháp, trong khi đó doanh nghiệp chỉ xin giấy phép thành lập doanh nghiệp.
Do đó, ông đề nghị nên xem lại điều kiện đăng kí doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện rõ ràng nhưng “phải đảm bảo được, kiểm tra được, tránh tình trạng kinh doanh nợ đọng thuế, trốn thuế rồi phải tìm rất khó”.
Liên quan đến quy định về doanh nghiệp nhà nước, một trong những mục tiêu của việc sửa đổi luật là nhằm nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà Nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế.
Về vấn đề này, theo đại biểu Ngân, cần làm rõ hơn tính chất hoạt động để đảm bảo lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm tiêu chí định lượng.
Đáng chú ý, đại biểu cho rằng, hiện nay ở ta thực hiện chất vấn theo định kỳ các phiên họp của các ủy ban, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn trong kỳ họp Quốc hội, có chất vấn thì cũng chỉ chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ. Đánh giá “chất vấn như thế là cần nhưng chưa đủ”, đại biểu đề xuất, Quốc hội nên triệu tập chất vấn những doanh nghiệp gây ảnh hưởng xã hội. Đối với những tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn thì Quốc hội được triệu tập chất vấn. Theo đại biểu, vấn đề này rất cần vì đó là những đơn vị đang quản lý tiền của dân. Nếu làm được vậy thì phiên chất vấn sẽ sôi nổi hơn – đại biểu nêu quan điểm.
Vẫn theo đại biểu, Quốc hội nên đem sự kiện nóng ra chất vấn đột xuất, bất thường. “Hiện giá thịt lợn đang tăng cao thì có thể mời Bộ trưởng chất vấn vấn đề đó ngay để tìm giải pháp giải quyết” – đại biểu Ngân ví dụ./.