– Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ có 3 Chỉ thị nổi bật gửi đến các Bộ, ngành, địa phương với thông điệp: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh than, cung cấp than cho sản xuất điện; Tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Chỉ thị tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình tiêu biểu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức, lối sống.
Tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành GTVT
Chỉ thị số 30/CT-TTg của Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các địa phương liên quan tập trung tối đa để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng đối với các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đang thực hiện.
Chỉ thị tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh than, cung cấp than cho sản xuất điện
Tại Chỉ thị 29/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than; tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện sản xuất, kinh doanh than và công tác bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động sản xuất than; kiểm tra các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, các bãi tập kết, mua bán than nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sản xuất, kinh doanh than trái phép và vi phạm về kỹ thuật an toàn trong sản xuất than.
Quy hoạch tài nguyên nước phải phù hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia
Cũng về lĩnh vực tài nguyên, trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi của quy hoạch bao gồm toàn bộ phạm vi các lưu vực sông thuộc phần diện tích đất liền và một số đảo trên lãnh thổ Việt Nam; đối tượng của quy hoạch bao gồm: nước mặt, nước dưới đất.
Nguyên tắc lập quy hoạch tài nguyên nước là phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, định hướng, chiến lược phát triển ngành tài nguyên môi trường, chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai; bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng, từng lưu vực sông, nhóm lưu vực sông; đảm bảo tính đồng bộ về phạm vi, thời kỳ quy hoạch, thứ tự ưu tiên và khả năng đáp ứng nguồn lực theo các giai đoạn.
Đồng thời bảo đảm tính toàn diện, gắn kết giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa khai thác, sử dụng với bảo vệ tài nguyên nước gắn với phòng chống tác hại do nước gây ra; đảm bảo tính liên kết, thống nhất, hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các đối tượng sử dụng nước; bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia
Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng với mục tiêu tối ưu chi phí phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu,…
Phấn đấu 100% các khu du lịch biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.
KKT cửa khẩu Móng Cái trở thành 1 cực tăng trưởng kinh tế năng động
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Mục đích của việc điều chỉnh quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phù hợp với chiến lược phát triển biển Việt Nam, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, xây dựng thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà trở thành đô thị hiện đại gắn với xây dựng khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại và có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Xử lý dứt điểm sai phạm tại Dự án 8B Lê Trực
Về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng, trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại Dự án số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.