Thủ tướng: Doanh nghiệp chưa cấp được lương, thưởng Tết thì phải tạm ứng
– Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, nhất là các doanh nghiệp phải bảo đảm tiền lương, tiền thưởng cho người lao động. Trong trường hợp chưa thể giải quyết, cấp được đầy đủ thì tạm ứng, sau này có cơ chế xử lý tiếp tục.
Ngày 20/1, Thường trực Chính phủ đã họp về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Công Thương, sức mua trên thị trường sẽ tăng khá (dự kiến sức mua sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thông thường trong năm).
Về công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp chăn nuôi và phân phối đã cam kết sẽ giảm giá bán lợn thịt ra thị trường.
Hệ thống siêu thị Big C và GO đã thông báo sẽ bán thịt lợn với giá vốn (không lợi nhuận) từ ngày 28/12/2019 đến hết Tết Nguyên đán 2020. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã có dự kiến tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường vào dịp Tết với lượng tăng 30-40% so với hiện nay, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương…
Từ ngày 28/12/2019 đến nay, giá thịt lợn ngoài thị trường đã bắt đầu chững lại và có xu hướng giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại và tùy địa phương.
Còn theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tính đến 17/1, có 40/63 tỉnh, thành phố báo cáo tình hình lương, thưởng Tết của người lao động (gần 25.000 doanh nghiệp với hơn 3,15 triệu lao động).
Theo đó, năm 2019, tiền lương bình quân chung ước đạt 7,8 triệu đồng/tháng, tăng 6,8% so với năm 2018. Khoảng 89,3% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương (hơn 6,7 triệu đồng/người), tăng hơn 7%.
Mức thưởng cao nhất cho 1 cá nhân dịp Tết Dương lịch 2020 là 3,5 tỷ đồng tại doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng tại TPHCM, còn mức thưởng cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán là 950 triệu đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại Hải Dương.
Về giao thông, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hầu hết các địa phương dự báo Tết Nguyên đán này, lượng khách không biến động nhiều so với Tết năm ngoái, lưu lượng hành khách dự báo tăng so với ngày thường khoảng 25-45%.
Dự báo hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng 12% so với Tết năm ngoái và 22% so với ngày thường, ước đạt 12 triệu khách, trung bình 387 nghìn khách/ngày. Tổng số chuyến bay đi đến các cảng hàng không Tết 2020 dự kiến gần 73.000 chuyến, trung bình 2.350 chuyến/ngày.
Riêng đối với sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến năm nay nhu cầu khách đi lại tăng khoảng 11% so với Tết năm ngoái và 16% so với thường lệ ước đạt 4 triệu khách, trung bình 130.000 khách/ngày. Tổng số chuyến bay đi đến sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết 2020 là gần 30.000 chuyến, trung bình 956 chuyến/ngày.
Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, hiện nay năng lực khai thác 44 chuyến/giờ ban ngày và 32 chuyến/giờ ban đêm, Cục Hàng không Việt Nam đã xác nhận slot trung bình 943 chuyến/ngày cho các hãng hàng không. Do đặc tính của thị trường, lượng khách đi lại 1 chiều nên những hành khách từ phía Nam ra Bắc ăn Tết hiện nay đã gần kín chỗ, tuy nhiên hành khách từ phía Bắc vào Nam vẫn còn nhiều vé.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp
Chưa cấp được đầy đủ thì phải tạm ứng tiền lương, thưởng
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có phương án cụ thể trong công tác chuẩn bị Tết, đạt một số kết quả ban đầu như hàng hóa phong phú hơn, dự trữ dồi dào hơn. Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đã có chỉ đạo cụ thể để giữ giá, nhất là giá thịt lợn không tăng mà thậm chí giảm. Ít ùn tắc giao thông hơn, nhất là có các phương án trực, bảo đảm an ninh an toàn.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành đi vào chiều sâu, không chỉ trên bề nổi, trong thực hiện công tác chuẩn bị Tết phục vụ nhân dân, nhất là miền núi, nông thôn, vùng bị thiên tai. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được để thiếu hàng hóa, bảo đảm chất lượng, không được nâng giá, bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Các bộ, cơ quan, nhất là các doanh nghiệp phải bảo đảm tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, trong trường hợp chưa thể giải quyết, cấp được đầy đủ thì tạm ứng, sau này có cơ chế xử lý tiếp tục.” – Thủ tướng chỉ đạo
Phải bảo đảm phương án sản xuất, không để người dân thiếu nước sạch ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhấn mạnh công tác bảo đảm đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân, Thủ tướng nêu rõ, không để ai phải ở lại bến xe, bến tàu khi Tết đến, Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường kiểm tra vấn đề này.
Cần quyết liệt phòng, chống thương mại, buôn lậu. Hệ thống thanh toán ngân hàng bảo đảm an toàn thuận lợi cho người dân. Bảo đảm an ninh trật tự cho người dân, nhất là ở nông thôn, chống trộm cắp, cướp giật, đặc biệt không để những điểm nóng xảy ra. Đẩy mạnh phòng chống cháy nổ. Bộ VHTT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị có liên quan, nhất là báo, đài truyền hình, đặc biệt Đài Truyền hình Việt Nam, tạo không khí tinh thần vui tươi để người dân đón xuân.
Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương quản lý tốt việc tổ chức các lễ hội và làm việc sau Tết. “Chúng ta nghỉ dài ngày thì ngay sau Tết phải bắt tay vào việc với chất lượng tốt nhất. Vấn đề quan trọng là các đồng chí ở các cấp, các ngành, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là những nơi khó khăn để đảm bảo về mọi mặt để nhân dân vui Tết đón Xuân an toàn thuận lợi, đầm ấm”, Thủ tướng nói.