Liên quan đến việc phá dỡ công viên nước Thanh Hà, chủ đầu tư cho rằng việc này gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho doanh nghiệp, trong khi lãnh đạo quận Hà Đông cho rằng “làm đúng các quy định pháp luật”.
Công viên nước Thanh Hà tan hoang sau khi bị cưỡng chế.
“Tháo dỡ” hay “phá dỡ”?
Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 11/2, lãnh đạo quận Hà Đông đã nhận được nhiều câu hỏi xung quanh việc cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng tại khu công viên nước Thanh Hà (phường Phú Lương) do Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 đầu tư.
Theo TTXVN, trả lời câu hỏi của báo chí, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc cho biết, chủ đầu tư xây dựng công viên không phép nên chính quyền quận đã lập biên bản, hồ sơ xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Cụ thể quận Hà Đông đã thuê các đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ, cơ quan chuyên môn thẩm định, để UBND quận Hà Đông ra quyết định phá dỡ. Việc cưỡng chế đối với Công viên nước Thanh Hà đã được UBND quận tiến hành thận trọng, theo đúng các quy trình, thủ tục được pháp luật quy định.
Trước câu hỏi về việc UBND quận Hà Đông có xử lý vi phạm quá vội vã và đúng quy định pháp luật chưa? Đặc biệt, tại sao quận Hà Đông không chọn phương án xử lý là tháo dỡ mà lại đập bỏ hết, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng trăm tỉ đồng.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc cho biết, toàn bộ công trình công viên nước này không có giấy phép, chính vì vậy, các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã lập hồ sơ, xử lý theo quy trình xây dựng không phép đối với công trình này. Cụ thể, biên bản xác minh tình tiết vụ vi phạm xác định có 19 hạng mục công trình vi phạm.
Trong quá trình xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, cơ quan chức năng đã gặp gỡ doanh nghiệp, vận động, thuyết phục chủ đầu tư tự giác tháo dỡ. Đến ngày 26/11/2019, doanh nghiệp đã gửi công văn thông báo xin tự giác tháo dỡ bắt đầu từ ngày 6/12/2019.
Tuy nhiên, khi hết thời hạn khắc phục vi phạm về trật tự xây dựng trong các thông báo đã được gửi cho chủ đầu tư cũng như cam kết tự giác tháo dỡ của doanh nghiệp, thì hầu hết các hạng mục vẫn chưa được chủ đầu tư tháo dỡ. Cho nên, theo đúng quy trình của pháp luật, quận Hà Đông đã giao UBND phường Phú Lương tiến hành cưỡng chế, xử lý công trình vi phạm và toàn bộ 19 hạng mục đã được xác định.
Doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỉ đồng?
Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 đơn vị chủ đầu tư dự án Công viên nước Thanh Hà vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết việc UBND quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả vi phạm hành chính không đúng pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của doanh nghiệp.
Theo đơn kiến nghị của Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5, trong vụ việc này, việc gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng xuất phát từ những việc làm vô trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Hà Đông, để công chức, viên chức thực thi công vụ trái pháp luật dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp và đặt nhà nước vào tình huống phải bồi thường thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Do đó, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 “kêu cứu” Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân chịu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc cưỡng chế trái pháp luật gây ra thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố Hà Nội tiến hành điều tra, xem xét trách nhiệm cá nhân của những cán bộ, công chức có liên quan đến việc thực hiện việc cưỡng chế trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với doanh nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công viên nước Thanh Hà được khởi công năm 2018 trên lô đất A2.2 thuộc khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 (quận Hà Đông), rộng 3 ha với 11 công trình phục vụ vui chơi, 8 công trình phụ trợ. Giữa năm 2019 công viên đi vào hoạt động và được quảng bá là một trong những công viên nước lớn, hiện đại bậc nhất thủ đô.
Tháng 6 và tháng 9/2019, hai tai nạn đuối nước đã xảy ra tại công viên này.
Cuối tháng 11/2019, chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động, yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ các hạng mục của công viên do chưa có giấy phép xây dựng.
Đang xem xét trách nhiệm cán bộ
Đáng chú ý, đề cập đến vấn đề xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan khi để xảy ra công trình xây dựng không phép tồn tại trong thời gian dài, dẫn đến phải cưỡng chế, ông Nguyễn Quang Ngọc biết thêm, quận Hà Đông đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng và cán bộ có liên quan. “Hiện chúng tôi đang xem xét và sai đến đâu, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó” – ông Ngọc nhấn mạnh.
Về hướng xử lý của chính quyền địa phương sau thực hiện cưỡng chế tại khu vực Công viên nước Thanh Hà, ngày 6/2/2020, UBND quận Hà Đông đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về việc cưỡng chế khu vực Công viên nước Thanh Hà. Hiện UBND quận Hà Đông đang chờ sự chỉ đạo tiếp theo từ thành phố.
Nguồn tintuc.vn-TT