– Khai mạc Năm Hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc 2017; căng thẳng ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ; Quốc hội Anh phê chuẩn Dự luật Brexit; FED tăng lãi suất cơ bản… là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Khai mạc Năm Hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc 2017
Lễ khai mạc Năm Hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc 2017. (Ảnh: Tổng cục Du lịch Việt Nam)
Ngày 16/3, tại Manila, Philippine đã diễn ra Lễ khai mạc Năm Hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc 2017. Đoàn Việt Nam do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn dẫn đầu đã tham dự buổi lễ.
Năm Hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc 2017 là sáng kiến triển khai quyết định của Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19 để kỷ niệm 25 năm Quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc. Sự kiện góp phần thúc đẩy trao đổi khách du lịch hai chiều và giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Năm Hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc 2017 tập trung vào các chiến dịch xúc tiến, chương trình khảo sát điểm đến của các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông du lịch, tham gia hội chợ du lịch quốc tế; các hội thảo về marketing điểm đến du lịch; các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực nhân lực du lịch; kết nối sản phẩm du lịch, nhất là du lịch đường biển; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch.
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc Năm Hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trung Quốc Li Jinzao đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước.
Tại cuộc gặp, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác du lịch giữa hai nước thời gian qua. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng mạnh, đạt 2,7 triệu lượt năm 2016, tăng 51% so với năm 2015. Số lượng khách du lịch Việt Nam đến Trung Quốc năm 2015 đạt 2,2 triệu lượt.
Các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên đều đạt được những kết quả quan trọng. Thời gian tới, hai nước tiếp tục thúc đẩy triển khai Hiệp định và các thỏa thuận hợp tác du lịch đã ký, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tăng cường trao đổi khách du lịch giữa hai nước; kết nối điểm đến; khuyến khích các địa phương hợp tác xúc tiến du lịch và đầu tư; phát triển nguồn nhân lực du lịch và hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc.
Dự kiến, Lễ bế mạc Năm Hợp tác du lịch ASEAN – Trung Quốc 2017 sẽ diễn ra vào tháng 11/2017, tại Trung Quốc.
Căng thẳng ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng đã bùng phát trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan khi ngày 11/3, Chính phủ Hà Lan đã không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam nhằm vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Erdogan.
Tiếp đó, ngày 12/3, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình cũng đã được hộ tống trở lại biên giới Đức, sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tìm cách đến Rotterdam bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý của phía Hà Lan. Động thái của Hà Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong ngày 11/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul vì “lý do an ninh”. Tổng thống Erdogan đã chỉ trích mạnh mẽ Hà Lan, đồng thời tuyên bố Ankara sẽ trả đũa bằng cách cấm các chính trị gia Hà Lan bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết định ngừng tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Hà Lan. Nước này còn cân nhắc có thể áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hà Lan.
Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan lần này diễn biến sau hàng loạt căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu đang có dấu hiệu lan rộng. Thái độ cứng rắn của Hà Lan lần này thêm một lần nữa cho thấy thái độ của các nước châu Âu đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, người bị chỉ trích là có tham vọng thay đổi Hiến pháp theo hướng tập trung quyền lực về tay tổng thống.
Quốc hội Anh phê chuẩn dự luật Brexit
Ngày 13/3, trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng lưỡng viện Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật Brexit về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Sự kiện này đã chính thức mở đường cho Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon nhằm khởi động tiến trình đàm phán (dự kiến kéo dài 2 năm) với Liên minh châu Âu.
Trước đó, trong lần trình lên Thượng viện vào ngày 1/3, dự luật Brexit đã vấp phải sự phản đối của Thượng viện, yêu cầu phải đưa thêm vào trong dự luật điều khoản đảm bảo các công dân Liên minh châu Âu đang sinh sống tại Anh được quyền sinh sống và làm việc tiếp ở Anh sau Brexit. Do đó dự luật Brexit lại phải quay trở lại để thuyết phục hai viện Quốc hội Anh thông qua một lần nữa vào ngày 13/3.
Việc Quốc hội Anh thông qua Dự luật Brexit ngày 13/3 và sau đó được Nữ hoàng Anh phê chuẩn vào ngày 16/3, đã giúp Thủ tướng Anh Theresa May được quyền khởi động tiến trình đàm phán Brexit (dự kiến sẽ là ngày 29/3 tới). Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu tới đây được cho là vẫn còn rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Về phía Anh, nếu tiến trình đàm phán đổ vỡ sẽ gây ra “hậu quả hết sức tiêu cực”, gây tổn hại kinh tế cho nước này và buộc nhiều doanh nghiệp và cá nhân rơi vào tình trạng rối loạn pháp lý. Trong khi đó, với Liên minh châu Âu, các cuộc thảo luận về đường hướng phát triển của một Liên minh châu Âu thiếu Anh thì vẫn chưa có hồi kết.
Bất lợi mới cho ứng cử viên tổng thống Pháp Francois Fillon
Ngày 14/3, trong bối cảnh cuộc đua vào điện Elysée đang ngày càng quyết liệt, thì ứng cử viên của đảng “Những người Cộng hòa” François Fillon đã chính thức bị truy tố với cáo buộc lạm dụng công quỹ khi chi trả tiền lương cho vợ và các con.
Mặc dù ông Fillon đã phủ nhận mọi cáo buộc trên và vẫn đang nỗ lực vận động đảng “Những người Cộng hòa” và các cử tri ủng hộ cho nỗ lực tranh cử của mình, nhưng hiện tín nhiệm của cử tri dành cho ông đã giảm sút đáng kể. Và trong tình thế này, phe cánh hữu ở Pháp đang bước vào một ván cờ dường như không có khả năng chiến thắng.
Hiện đảng “Những người Cộng hòa” không thể tuyên bố loại bỏ ông Fillon bởi ông Fillon là người đã được các cử tri của cánh hữu bầu chọn, trừ phi ông tự rút lui. Trong khi đó về thời gian, ngày 17/3 là hạn chót để các ứng cử viên tập hợp đủ 500/42.000 lá phiếu bảo trợ của các nghị sỹ, thị trưởng, ủy viên hội đồng vùng, tỉnh và toàn nước Pháp để chính thức trở thành ứng cử viên.
Tuy nhiên cho đến nay, trong số các ứng cử viên thì hiện ông Fillon là người duy nhất đã giành được 1.789 phiếu bảo trợ để tranh cử tổng thống. Các nhà phân tích cho rằng, trước diễn biến mới về việc ông Fillon bị truy tố thì dù có cố ra tranh cử thì khả năng thắng sẽ là rất khó đối với ông Fillon. Khi đó, cánh hữu cũng sẽ phải ngậm ngùi chấp nhận thảm bại, sau 5 năm chờ đợi và xây dựng đội ngũ.
FED tăng lãi suất cơ bản
Đúng như dự đoán, ngày 15/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất lên 0,75-1%, đánh dấu một nỗ lực lớn của cơ quan này nhằm đưa chính sách tiền tệ của Mỹ trở lại mức cân bằng hơn sau gần một thập kỷ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007 – 2008.
Theo các nhà hoạch định chính sách của FED, mức lãi suất được điều chỉnh tăng là nhờ những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ. Trong ba tháng qua, thị trường lao động tại Mỹ đã đều đặn tạo thêm được 209.000 việc làm/tháng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 4,7%, khá gần với mức “mong đợi” 4,5% của FED trong năm 2017 và duy trì tới năm 2019.
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng lãi suất, thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới đồng loạt khởi sắc. Kết thúc phiên giao dịch trên thị trường phố Wall ngày 15/3, chỉ số Dow Jones tăng 112,73 điểm, tương đương tăng 0,54%; chỉ số S&P 500 tăng 19,81 điểm, tương đương 0,84%; chỉ số Nasdaq tăng 43,23 điểm, khoảng 0,74%. Thị trường chứng khoán châu Âu, châu Á cũng đều ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Động thái tăng lãi suất của FED cũng đã khiến ngành ngân hàng lạc quan hơn vào việc mức lạm phát đang tăng ổn định và ngày càng tiến gần hơn đến mức mục tiêu 2% của FED.
Dự kiến nếu không có gì thay đổi, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình nâng lãi suất hai lần nữa trong năm 2017 và ba lần trong năm 2018.
Bão tuyết gây thiệt hại nặng nề cho vùng Đông Bắc nước Mỹ
Ngày 14/3 (theo giờ địa phương), cơn bão tuyết Stella mang theo mưa đá và tuyết rơi dày đã bao phủ toàn bộ khu vực Đông Bắc nước Mỹ. Các nhà khí tượng học đánh giá đây là cơn bão tồi tệ nhất trong mùa Đông năm nay tại Mỹ với sức gió lên đến 88km/h, đưa nhiệt độ giảm xuống mức – 2,5 độ C và lượng tuyết rơi được dự báo từ 41-61cm.
Sức mạnh của cơn bão Stella đã khiến vùng Đông bắc nước Mỹ và vùng phía nam Canada phải oằn mình chống đỡ. Theo Cơ quan thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), cơn bão đã quét qua chiều dài 1.600 km, ảnh hưởng khoảng 20 triệu dân. Tính đến ngày 15/3, đã có ít nhất 1 người thiệt mạng do trận bão tuyết này.
Bão Stella cho đến nay đã khiến 8.700 chuyến bay bị hủy, 215.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng do mất điện dọc khu vực Virginia đến New England. Các trường học, cơ quan công quyền và hàng quán đều phải đóng cửa. Cũng do ảnh hưởng của trận bão tuyết này mà chuyến thăm đến Mỹ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải hoãn lại tới ngày 17/3.
Báo động và sơ tán hành khách tại sân bay Orly ở thủ đô Paris
Ngày 18/3, Bộ Nội vụ Pháp cho biết lực lượng an ninh tại sân bay Orly ở phía Nam thủ đô Paris đã bắn chết một người đàn ông, sau khi người này giật vũ khí của một binh sĩ. Ngay lập tức, cảnh sát Pháp đã tăng cường an ninh và sơ tán hàng nghìn hành khách có mặt tại sân bay Orly.
Sự việc sau đó được cơ quan điều tra làm rõ. Sáng ngày 17/3, sau khi uống rượu tại quán bar với anh họ, trên đường về nhà ở Garges-les-Gonesse, một khu vực phức tạp thuộc phía Bắc ngoại ô Paris, đối tượng Belgacem bị cảnh sát dừng xe vì chạy quá tốc độ. Belgacem đã nổ súng, làm bị thương nhẹ một cảnh sát. Sau đó Belgacem trở lại quá bar nổ nhiều phát súng và cướp một chiếc ô tô sau đó đi đến sân bay sáng 18/3, dùng vũ khí khống chế một nữ binh sĩ đang tuần tra tại sảnh Nam sân bay Orly, cướp khẩu súng trường của cô, nói rằng mình muốn “chết vì thánh Allah”. Một cuộc đọ súng đã xảy ra ngay sau đó và Belgacem đã bị hai cảnh sát bắn chết..
Vụ việc đã kéo theo những quan ngại về an ninh, trong bối cảnh nước Pháp vẫn đang duy trì mức cảnh báo cao sau một loạt vụ tấn công liều chết cướp đi sinh mạng của hơn 230 người trong 2 năm gần đây.
Sau vụ tấn công ngày 18/3, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố chính phủ sẽ đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố. Đảm bảo an ninh cũng sẽ là một chủ đề quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp vào ngày 23/4 và 7/5 tới
Hội nghị G20 không đạt tiến triển về thương mại tự do và chống bảo hộ mậu dịch
Sau hai ngày nhóm họp (17-18/3) tại Baden-Baden, Đức, Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung mà không có một cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống bảo hộ mậu dịch.
Theo tin truyền thông trước đó, Hội nghị G20 lần này có thể sẽ đưa ra những cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tuy nhiên sau hai ngày, hội nghị chỉ đạt được sự thỏa hiệp tối thiểu và không có cam kết chung rõ rệt nào được đưa ra.
Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh có ngày càng nhiều quan ngại rằng cuộc chiến thương mại sẽ bùng nổ do chính quyền Tổng thống Mỹ Trump chủ trương bảo hộ thương mại. Trong nhiều năm qua, các nước thành viên G20 đã cam kết không định giá thấp tiền tệ, đồng thời chống lại “mọi hình thức bảo hộ thương mại”. Trong khi đó, trước khi tham dự Hội nghị G20 lần này, Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tái khẳng định lập trường của Mỹ là sẽ làm mọi cách để bảo đảm quyền lợi công bằng cho người lao động Mỹ, song không mong muốn lâm vào cuộc chiến tranh thương mại với các cường quốc kinh tế khác./.