Tuần qua, trong nước đã có thêm những ca nhiễm mới COVID-19, dịch bệnh trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly và chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng.
Ảnh minh họa
Cũng tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tập trung chỉ đạo: Chủ động, quyết liệt ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh (cả ở trong nước và xâm nhập từ nước ngoài); tổ chức cách ly hoặc giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; rà soát người nhập cảnh trong 14 ngày qua nhưng không thuộc diện cách ly tập trung, phát hiện kịp thời nguồn lây bệnh.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh. Cụ thể, tăng cường kiểm soát người nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không, trên bộ, hàng hải; lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua biên giới Tây Nam; tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương và hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam tại các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam theo quy định, quản lý thông tin khai báo chặt chẽ, hiệu quả và phát hiện sớm để thực hiện cách ly đối với những trường hợp đến từ hoặc đi qua vùng dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay giữa Việt Nam đến các vùng có dịch và ngược lại (kể cả của các hãng hàng không nước ngoài).
Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện việc cách ly; rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch cách ly trên diện rộng; có phương án huy động khách sạn, cơ sở lưu trú… làm nơi cách ly tập trung.
* Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng khẳng định Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, tinh thần và kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh, có khoa học công nghệ, có đội ngũ y bác sỹ giỏi, có hệ thống bệnh viện chuyên sâu đã từng chữa cho 16 người khỏi bệnh, ra viện, giai đoạn vừa rồi không có ca tử vong.
Tạm hoãn công tác nước ngoài để tập trung phòng, chống dịch Covid-19
Tại văn bản số 1774/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm hoãn đi công tác nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát tất cả chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài, cân nhắc và tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài, không cử cán bộ đi nước ngoài trong thời điểm hiện nay (nhất là những nước và vùng lãnh thổ có dịch), để tập trung chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Theo Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương có trách nhiệm tăng cường quản lý thị trường, chủ động phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối, các điểm thu gom động vật, sản phẩm động vật.
Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6… phát hiện sớm trường hợp người mắc bệnh, cách ly khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan diện rộng; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.
Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện điều tra ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc, động vật, sản phẩm động vật bán chạy, nghi bán chạy từ ổ dịch theo quy định của pháp luật.
Chương trình hành động của Chính phủ phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Theo đó, đối với nguồn nhân lực, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 33% tổng số lao động của cả nước. Khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung – cầu nhân lực trong nền kinh tế; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài.
Đối với nguồn vật lực, đến năm 2025, hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế – xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và kết cấu hạ tầng đô thị.
Đối với nguồn tài lực, đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu – chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Quy định mới về công tác văn thư
Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư. Nghị định này quy định về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư. Công tác văn thư được quy định tại Nghị định này gồm: Soạn thảo, ký ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường
Để tiếp tục phát triển ngành mía đường Việt Nam tương xứng với tiềm năng, tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về khó khăn của ngành mía đường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước; áp dụng biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng sirô ngô và các chất tạo ngọt khác; tăng cường chống buôn lậu đường, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu sớm giảm giá thịt lợn
Tại văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giá thịt lợn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Tổng cục Thống kê để phục vụ hoạt động tham mưu, chỉ đạo điều hành; bảo đảm sớm giảm giá thịt lợn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng đảm bảo giá cả cho người dân không được để tăng giá, trong khi giá thành sản xuất thịt lợn thấp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng cục Thống kê chủ động cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để bảo đảm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và gửi Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá) để tổng hợp báo cáo chung và gửi các Bộ, cơ quan liên quan.
Tăng giá điện sinh khối
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó sửa đổi quy định giá điện đối với dự án điện sinh khối.
Cụ thể, đối với các dự án đồng phát nhiệt – điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh tương đương 7,03 UScents/kWh (quy định cũ 1.220 đồng/kWh tương đương 5,8 UScents/kWh), theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.
Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt – điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh tương đương 8,47 UScents/kWh, theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.
Xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt với mục tiêu cụ thể là giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5-10% hàng năm; hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.