Thế giới sắp cán mốc 120.000 ca tử vong vì COVID-19; Mỹ cận kề đỉnh dịch, Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng nhờ tín hiệu tốt; Số người chết tại New York vượt mốc 10.000; Pháp gia hạn các biện pháp chống dịch đến 11/5; Ông Trump nổi trận lôi đình, khẳng định toàn quyền dỡ phong tỏa chống Covid-19…là những tin chính được cập nhật.
Thế giới sắp cán mốc 120.000 ca tử vong vì COVID-19
Ảnh minh họa.
(ĐCSVN) – Số liệu mới nhất từ trang thống kê trực tuyến worldometers.info cho thấy, toàn thế giới ghi nhận đã có gần 120.000 ca tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Tính đến 8h sáng ngày 14/4 (giờ Việt Nam), đại dịch COVID-19 đã lan sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn thế giới đã có 1.920.258 ca mắc bệnh và 119.413 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới cũng ghi nhận có 67.893 ca mắc mới và 5.217 ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Nước này ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã lên tới 584.862 trường hợp và 23.555 trường hợp tử vong.
New York hiện vẫn là “tâm dịch” cả nước khi ghi nhận số ca mắc bệnh lên tới hơn 195.749 trường hợp, trong đó 10.058 ca tử vong. Tiếp đó là bang New Jersey với 64.584 ca mắc bệnh và 2.443 ca tử vong. Các bang gồm Massachusetts, Michigan, Pennsylvania, California, Illinois, Louisiana và Florida đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 20.000 ca.
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận có thêm 24.562 ca mắc mới, trong đó 1.450 ca tử vong. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cứ 1 triệu người Mỹ thì có đến 62 người tử vong vì dịch COVID-19. Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ông Robert Redfield cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ có thể đạt đến đỉnh điểm trong tuần này. Theo ông Redfield, việc áp dụng các biện pháp yêu cầu ở nhà, hạn chế ra đường nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 mà Mỹ thực thi trong những tuần qua ở nhiều khu vực trên cả nước, đã ảnh hưởng tới nền kinh tế, song giúp kiềm chế tỷ lệ tử vong.
Tại châu Âu, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 cũng tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới và tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tại Tây Ban Nha, số người tử vong vì COVID-19 ở xứ sở bò tót ngày 14/4 đã giảm xuống còn 547 từ 603 người vào hôm qua. Bộ Y tế cho biết đây là mức tăng hàng ngày nhỏ nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi. Trong một động thái phản ánh tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, ngày 13/4, Chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau 2 tuần áp dụng trên toàn quốc.
Theo đó, các hoạt động không thiết yếu như văn phòng, xây dựng, công nghiệp đã được phép hoạt động trở lại. Có khoảng 300.000 lao động tại các lĩnh vực này đã quay trở lại công việc kể từ ngày 13/4 sau khi Tây Ban Nha nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được thực hiện theo Sắc lệnh ngày 29/3 của chính quyền Thủ tướng Pedro Sanchez nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Theo Bộ Lao động Tây Ban Nha, nước này ghi nhận có khoảng 302.265 người mất việc làm trong tháng 3, tăng 9,31% so với tháng 2. Tính đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận đã có 170.099 ca mắc COVID-9, đứng thứ 2 chỉ sau Mỹ và 17.756 ca tử vong.
Quốc gia láng giềng của Tây Ban Nha là Pháp hiện cũng đã ghi nhận có gần 15.000 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 136.779 ca bệnh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5 nhằm hạn chế sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã nhấn mạnh rằng nước Pháp “đang sống trong những ngày khó khăn”. Ông thừa nhận rằng Pháp “rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ” cho đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn.
Theo số liệu cập nhật mới nhất, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Vương quốc Anh đã vượt con số 11.000 người, sau khi ghi nhận thêm 717 ca mới, nâng tổng số ca tử vong lên 11.392 người. Nước này cũng ghi nhận có thêm 4.342 ca mắc mới trong vòng 24 giờ. Số liệu mới nhất trên đã khiến Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 5 thế giới. Một cố vấn khoa học cấp cao của Chính phủ Anh cảnh báo nước này có nguy cơ trở thành nước bị tác động mạnh nhất châu Âu.
Chính phủ Italy ngày 10/4 thông báo sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly cho đến ngày 3/5. Trang thống kê worldometers.info cho biết, Italy ngày 13/4 ghi nhận thêm 431 ca tử vong vì dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong gần một tháng số tử vong hằng ngày xuống dưới mức 500 người và là con số thấp nhất tại nước này kể từ ngày 19/3. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Italy đến thời điểm này đã vượt mốc 20.000 người.
Ngoài châu Âu, các quốc gia thuộc châu lục khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Trong một động thái nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 13/4 thông báo sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho 25 quốc gia, trong đó phần lớn là các nước châu Phi, để giúp các nước này giảm nợ và đối phó tốt hơn với tác động của đại dịch COVID-19.
Khoản viện trợ sẽ do Quỹ hỗ trợ Catastrophe Containment and Relief Trust (CCRT) do IMF thành lập nhằm hỗ trợ các nước Tây Phi chống lại dịch bệnh chết người Ebola năm 2014 đảm nhiệm. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, các khoản tài chính này sẽ gồm một phần chi trả các khoản nợ cho IMF trong 6 tháng và phần còn lại sẽ dành cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế. Bà Kristalia cho hay, quỹ CCRT hiện đã có khoảng 500 triệu USD, bao gồm khoản đóng góp từ các quốc gia Anh (185 triệu USD), Nhật Bản (100 triệu USD) và một số khoản đóng góp khác từ Trung Quốc, Hà Làn và một số quốc gia khác. Quỹ đang đặt mục tiêu nâng mức đóng góp lên con số khoảng 1,4 tỷ USD.
Danh sách 25 quốc gia được IMF hỗ trợ đợt này sẽ bao gồm: Afghanistan, Belarus, Burkina Faso, Cộng hòa (CH) Trung Phi, CH Chad, Comoros, CH Congo, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Haiti, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Mozambique, Nepal, Nigeria, Rwanda, Sao Tome và Principe, Sierra Leone, Quần đảo Solomon, Tajikistan, Togo và Yemen./.
Mỹ cận kề đỉnh dịch, Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng nhờ tín hiệu tốt
Tính đến sáng 14/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 1.912.923 ca nhiễm Covid-19 và 119.483 ca tử vong – theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Số người chết tại New York vượt mốc 10.000
Số người chết do virus corona chủng mới tại bang New York đã vượt quá 10.000 người – Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết. Ông nói, 671 người đã tử vong trong vòng 24 giờ qua. Ông tin rằng “thời điểm tồi tệ nhất đã qua” khi số người nhập viện có dấu hiệu ổn định.
Toàn nước Mỹ hiện đã có 23.232 ca tử vong được ghi nhận, trong tổng số 577.307 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 12/4, hiện Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 20.000 ca nhiễm và 1.140 trường hợp tử vong. Bang Wyoming cũng ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên, đồng nghĩa với việc cả 50 bang của Mỹ đều đã có người chết do Covid-19.
Tín hiệu tốt từ Tây Ban Nha
Thêm 517 người đã tử vong ở Tây Ban Nha trong ngày 12-13/4, mức tăng thấp thứ 2 trong 3 tuần – Bộ Y tế nước này công bố hôm 13/4. Trong ba tuần qua chỉ có 2 lần, số người chết hàng ngày dưới mức 600 người. Hiện Tây Ban Nha ghi nhận 17.628 ca tử vong và 87.280 ca nhiễm vẫn đang được điều trị, trên tổng số 169.628 ca nhiễm.
Mỹ cận kề đỉnh dịch, Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng nhờ tín hiệu tốt
Khoảng 300.000 công nhân thuộc dạng không thiết yếu sẽ quay trở lại làm việc từ ngày 13/4 ở khu vực Madrid. Mặc dù vẫn ghi nhận hàng trăm ca tử vong mới mỗi ngày, song Tây Ban Nha thông báo sẽ bắt đầu dỡ bỏ một số giới hạn trong lệnh phong tỏa tại nước này, bắt đầu từ sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Những người lao động không thể làm việc tại nhà sẽ được phép trở lại làm việc. Tuy nhiên, các cửa hàng, quán bar và các địa điểm kinh doanh thuộc diện không thiết yếu khác vẫn đóng cửa.
Italia vượt mốc 20.000 người chết
Tổng số người chết do Covid-19 tại Italia đã tăng lên mức 20.465 người, tăng 566 người – Cơ quan Bảo vệ dân sự Italia cho biết hôm 13/4. Số ca nhiễm hiện vẫn đang được điều trị là 103.616, tăng 1.363 người kể từ ngày 12/4, một trong những mức tăng thấp nhất trong tuần qua.
Tổng số ca nhiễm tại Italia cho đến thời điểm hiện tại là 159.516 người.
Pháp gia hạn các biện pháp chống dịch đến 11/5
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gia hạn các biện pháp khẩn cấp chống Covid-19. Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp đến người dân, ông cho biết các biện pháp nghiêm ngặt sẽ tiếp tục được áp dụng và biên giới sẽ đóng cửa cho đến ngày 11/5.
“Chúng ta vẫn chưa vượt qua đại dịch, và chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và áp dụng các quy định. Các quy định này càng được tuân thủ, chúng ta càng có thể cứu được nhiều người”, ông nói. Từ nay đến ngày 11/5, Pháp sẽ có thể xét nghiệm tất cả các công dân có triệu chứng của Covid-19.
Tổng số ca tử vong ở Pháp đã lên đến 14.986, tăng 574 so với một ngày trước đó – Bộ Y tế Pháp công bố. Bộ này cho biết có thêm 6.821 người đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt, giảm nhẹ từ con số 6.845 hôm 12/4.
Trong khi Pháp siết chặt các biện pháp chống dịch đến ngày 11/5, thì Áo là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu nới lỏng phong tỏa, với hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc mở cửa trở lại từ 14/4.
Số người chết tại Anh sẽ còn tăng
Số người chết tại Anh hiện ở mức 11.347 người, tăng 717 người so với ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm hiện ở mức 89.569. Phát ngôn viên của Thủ tướng Boris Johnson cho biết, 18.000 xét nghiệm đã được thực hiện tại Anh trong 24 giờ qua. Trưởng cố vấn khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance cho biết số ca tử vong hàng ngày tại Anh sẽ còn tiếp tục tăng trong vài tuần tới, và sẽ bắt đầu bình ổn sau 2-3 tuần nữa.
Thủ đô London im ắng do Covid-19
Ngoài ra, phát ngôn viên của Thủ tướng Johnson cũng cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi được xuất viện.
Một số tin tức khác liên quan đến đại dịch Covid-19 trên thế giới:
– Bộ trưởng y tế các quốc gia G20 dự kiến sẽ có cuộc họp qua mạng vào ngày 19/4, để thảo luận về tác động của đại dịch Covid-19 lên ngành y tế và xã hội trên thế giới.
– Nigeria sẽ giới hạn lệnh phong tỏa thêm 14 ngày để ngăn chặn virus. Lệnh phong tỏa hiện tại bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3. Nước này hiện có 343 ca nhiễm và 10 trường hợp tử vong.
– Số ca nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng 4.093 trong 24 giờ qua, bên cạnh 98 trường hợp mới tử vong. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ áp dụng lệnh phong tỏa mới vào cuối tuần tới.
– Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hứa trao thưởng 1 triệu USD cho các nhà khoa học nước này phát triển được vắc-xin phòng Covid-19. Ukraina hiện có 3.102 ca nhiễm với 93 trường hợp tử vong.
– Singapore xác nhận thêm 386 ca nhiễm mới trong ngày 13/4, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu tại quốc gia này, đưa tổng số ca nhiễm lên 2.918 với 9 trường hợp tử vong. Phần lớn các ca nhiễm mới liên quan đến các ổ dịch trong ký túc xá của người lao động nhập cư.
– Số ca tử vong do Covid-19 tại Canada đã tăng gần 9% chỉ trong vòng một ngày – số liệu chính thức của cơ quan y tế công cộng nước này cho biết. Canada hiện có 25.551 ca nhiễm và 767 người tử vong.
– Tổng thống Vladimir Putin nói tình hình dịch bệnh tại Nga đang có chuyển biến xấu, và nước này phải thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết “cho mọi tình huống có thể xảy ra, bao gồm tình huống khó khăn và tồi tệ nhất”. Nga hiện có 18.328 ca nhiễm với 148 trường hợp tử vong.
– Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, tốc độ giảm số ca nhiễm sẽ chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng. Theo ông, các quốc gia cần thận trọng khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội.
Ông Trump nổi trận lôi đình, khẳng định toàn quyền dỡ phong tỏa chống Covid-19
Trong một cuộc họp báo mới diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ rõ sự giận dữ với những người chỉ trích cách chính phủ của ông ứng phó với dịch Covid-19.
Tối 13/4 (sáng 14/4 theo giờ Việt Nam), Nhà Trắng tổ chức cuộc họp báo thường nhật, do Tổng thống Trump chủ trì về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp tại Mỹ.
Đáng chú ý, theo báo Guardian, người đứng đầu Nhà Trắng đã cho phát một đoạn video được mô tả giống vận động tranh cử, tập hợp những trích đoạn clip từ kênh tin tức yêu thích của ông – Fox News. Nội dung đoạn video này ca ngợi những việc chính quyền Trump đã làm được nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Ông Trump cũng nổi trận lôi đình trước các phóng viên tỏ ý hoài nghi cách ứng phó dịch bệnh của ông. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Mọi thứ chúng tôi đã làm là đúng”.
Theo ông Trump, số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đang chững lại, chứng tỏ việc “giãn cách xã hội” đã thành công. Tuy nhiên, Nhà Trắng khuyến nghị người dân Mỹ nên tránh đến các nhà hàng và hoạt động đi lại “không cần thiết”, cũng như không tụ tập quá 10 người tới ít nhất ngày 30/4.
Ông Trump cho biết thêm, chính phủ liên bang đang hoàn thiện kế hoạch tái mở nền kinh tế đất nước, vốn gần như đang bị đóng cửa trước sự hoành hành của mầm bệnh nguy hiểm.
WHO xác nhận Covid-19 chết chóc gấp chục lần so với H1N1
Virus corona chủng mới đã chứng tỏ khả năng gieo rắc sự chết chóc gấp 10 lần so với cúm lợn, còn gọi là H1N1 vốn gây ra đại dịch toàn cầu vào năm 2009.
Theo Independent, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 13/4 tuyên bố tại một cuộc họp báo qua mạng từ Geneva, Thuỵ Sĩ rằng đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới gây ra số ca tử vong gấp 10 lần so với những gì đại dịch H1N1 gây ra.
“Chúng tôi biết Covid-19 lan nhanh, và chúng tôi cũng biết nó chết chóc gấp 10 lần đại dịch cúm lợn hồi 2009”, quan chức trên cho hay.
Số ca nhiễm virus corona chủng mới trên toàn cầu hiện là 1.924.679, số tử vong là 119.692, theo worldometers.
Điểm nóng chứng kiến tỷ lệ tử vong tàn khốc nhất vì virus corona
Các cơ sở dưỡng lão trên khắp thế giới ghi nhận hàng nghìn ca tử vong trong trận chiến với đại dịch. Chính phủ các nước đang làm gì để giải quyết vấn đề nhức nhối này?
Trong thời gian gần đây, cuộc chiến với Covid-19 trong các viện dưỡng lão trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết.
Tại Tây Ban Nha, quân đội phát hiện nhiều thi thể người già bị bỏ mặc đến chết trong một số viện dưỡng lão. Chỉ tính từ ngày 8/3, các cơ sở dưỡng lão tại Madrid ghi nhận 4.260 trường hợp tử vong do nhiễm virus corona, The Guardian dẫn số liệu từ chính phủ.
Ở Pháp, gần 1/3 tổng số ca tử vong do Covid-19, tương đương 3.237 người, là các cụ già trong trại dưỡng lão. Riêng tại thủ đô Paris, hơn 2.300 cơ sở chăm sóc người cao tuổi báo cáo có người chết vì dịch bệnh.
Sự chú ý muộn màng
Tại Italy, người dân kêu gọi quốc hội tiến hành điều tra cái chết của hàng nghìn người cao tuổi trong các viện dưỡng lão. Theo số liệu của Viện Sức khoẻ Quốc gia (ISS), kể từ 1/2, các cơ sở điều dưỡng do tổ chức RSA vận hành ghi nhận 3.859 người già tử vong.
Trong đó, phần lớn các trường hợp tập trung tại vùng Lombardy (Italy), khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Cũng tại đây, công tố viên đang điều tra vụ 27 người chết trong một nhà dưỡng lão ở Milan hồi đầu tháng 4.
Cô Giorgia Memo, thân nhân của một bệnh nhân trong cơ sở này, chia sẻ: “Tôi không muốn gán tội cho ai nhưng tôi muốn biết chính quyền định làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này”.
Hiện chính quyền Italy vẫn chưa ban hành hướng dẫn hay quy trình để xử lý các ca nhiễm Covid-19 trong trại dưỡng lão. Khi một ca bệnh xuất hiện, cả viện phải cách ly tập trung và mọi người không được xét nghiệm với virus corona.
“Những nhân viên trong trại thật xuất sắc. Họ làm việc suốt 12 tiếng và luôn cung cấp thông tin đầy đủ cho tôi. Tuy nhiên, họ đang dần đổ bệnh”, cô Memo nhận xét.
Trong khi đó, Đức cũng ghi nhận hàng trăm trường hợp tử vong là người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão. Đáng chú ý, một cơ sở ở Wolfburg (Đức) có tới 29 người tử vong trong khi 45 người khác nhiễm Covid-19.
Các công tố viên đang tiến hành điều tra viện dưỡng lão này dưới tội danh “ngộ sát”. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đức, bà Gerda Hasselfelft cho biết: “Nếu chúng ta không hành động, chỉ vài tuần nữa thôi, các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận hàng loạt ca nhiễm từ các viện dưỡng lão”.
Các chính phủ đang làm gì?
Ở Ireland, các cụm dịch Covid-19 xuất hiện tại 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, con số tăng gấp đôi sau chưa đầy 1 tuần. Diễn biến này cho thấy chính phủ vẫn chưa đủ nhanh nhạy để giải quyết vấn đề tại các viện dưỡng lão.
Trước đó, giới chức nước này thực hiện một vài biện pháp như thành lập đội đặc nhiệm đến diệt khuẩn ở các viện dưỡng lão, kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại đây hai lần/ ngày, tung ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 72 triệu euro.
Quan chức y tế tại Canada cũng đang chật vật với vấn đề nan giải này. Một cơ sở hưu trí ở Ontario ghi nhận 29/65 người tử vong do nhiễm virus corona.
Tại Mỹ, một cơ sở dưỡng lão tại hạt Kings, bang Washington trở thành “ổ dịch”, thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Viện này có 40 người già tử vong vì nhiễm bệnh và là nguồn lây truyền virus tới nhiều cơ sở khác trong khu vực.
Theo Công đoàn CSIF của Tây Ban Nha, tại Madrid, khoảng 400 ca nhiễm và 2 ca tử vong do Covid-19 là nhân viên điều dưỡng trong các trại dưỡng lão.
Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Aetesys, Elvia Gonzalez Santos cho biết, điều kiện làm việc thiếu an toàn trong các nhà dưỡng lão ở Tây Ban Nha cuối cùng cũng được phơi bày ra ánh sáng. Cô cho rằng sự việc lần này có thể khiến mọi người chú ý tới việc cải thiện môi trường làm việc cho các nhân viên hơn.
Tổng hợp-TT