VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 3/5/2020.

Trung Quốc lại ngang ngược cấm đánh bắt cá trên Biển Đông; Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang ASEAN; Tình báo 5 nước nghi Trung Quốc nói dối về Covid-19; Thế giới cảnh giác bùng phát làn sóng Covid-19 mới…là những tin chính được cập nhật.

Trung Quốc lại ngang ngược cấm đánh bắt cá trên Biển Đông

Trung Quốc lại ngang ngược cấm đánh bắt cá trên Biển Đông - Báo ...   Ảnh minh họa.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố mùa cấm đánh bắt cá bắt đầu từ ngày 1/5 và kéo dài đến ngày 16/8, trên khu vực Biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tân Hoa Xã dẫn lời Cục Hải cảnh Trung Quốc cho biết khu vực cấm đánh bắt cá mà họ áp đặt đơn phương và phi pháp ở Biển Đông trải rộng từ vĩ tuyến 12 độ bắc trở lên.
Khu vực này bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và các bãi cạn, bãi ngầm mà Trung Quốc tự gọi là “quần đảo Trung Sa”.
Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu được Trung Quốc ngang nhiên áp đặt đơn phương vào năm 1999.
Trung Quốc gần đây liên tiếp có những hành động hung hăng trên biển Đông. Bắc Kinh đã công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” phi pháp nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Họ cũng công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông.
Trước đó, một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm, khiến 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn.
Việt Nam đã mạnh mẽ lên án các hành động này, khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và những hành động liên quan.

Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang ASEAN
SGGPO  Nhật Bản sẽ khởi động một chương trình trợ cấp nhằm khuyến khích các nhà sản xuất trong nước chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã làm rối loạn đáng kể chuỗi cung ứng của những công ty này, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Chương trình nói trên trị giá 23,5 tỷ Yen (220 triệu USD), được tích hợp vào gói kích thích kinh tế khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản nhằm giảm bớt đà đi xuống của nền kinh tế do Covid-19, sẽ giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc hỗ trợ tài chính để xây dựng các cơ sở sản xuất cũng như những nghiên cứu khả thi tại các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Sáng kiến này được đưa ra sau khi nhiều hãng sản xuất ô tô và các nhà chế tạo khác của Nhật Bản bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán – thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.
Trong một nỗ lực khác nhằm củng cố chuỗi cung ứng, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 220 tỷ Yen để thúc đẩy sản xuất trong nước các mặt hàng hiện phải nhập khẩu nhiều từ những khu vực nhất định.
Cũng nằm trong gói kích thích kinh tế nói trên, những khoản trợ cấp này sẽ hỗ trợ tài chính cho các công ty Nhật Bản chuyển địa điểm sản xuất ở nước ngoài về trong nước.
Chương trình này cũng nhằm vào những nhà sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho người dân Nhật Bản, hướng tới “một cuộc sống lành mạnh” trong bối cảnh đại dịch, trong đó có khẩu trang và dung dịch sát khuẩn.
Các công ty này cũng có thể nhận được trợ cấp khi mở thêm nhà máy hoặc thúc đẩy công suất hiện có của mình ở Nhật Bản.

Tình báo 5 nước nghi Trung Quốc nói dối về Covid-19
Liên minh tình báo 5 nước phương Tây cho rằng Trung Quốc nói dối về khả năng lây truyền của nCoV và từ chối trao mẫu vật để nghiên cứu vaccine.
Tờ Saturday Telegraph của Australia ngày 2/5 công bố tài liệu 15 trang mà họ thu thập được từ liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), trong đó cáo buộc Trung Quốc cố tình “làm chìm xuồng hoặc hủy hoại” bằng chứng về Covid-19, đại dịch đã khiến hàng chục nghìn người trên thế giới tử vong.
Tài liệu tình báo này cho rằng chính phủ Trung Quốc che đậy thông tin về virus bằng cách bác bỏ khả năng lây từ người sang người của nCoV, “bịt miệng” các bác sĩ cảnh báo sớm, xóa bằng chứng trong phòng thí nghiệm và không chịu cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vaccine. Họ cho rằng hành động này của Bắc Kinh “gây nguy hiểm cho các nước khác” và không khác gì “đòn công kích vào sự minh bạch quốc tế”.
Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt các công cụ tìm kiếm từ đầu tháng 12/2019 để ngăn việc tìm kiếm thông tin về nCoV trên Internet, báo cáo của Ngũ Nhãn cho biết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi đó ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc và cũng phủ nhận khả năng virus truyền từ người sang người, bất chấp lo ngại của nhiều nước trên thế giới.
Báo cáo cho hay Trung Quốc có thể phát hiện bằng chứng nCoV lây từ người sang người vào đầu tháng 12/2019, song phủ nhận điều này cho tới 20/1. Trung Quốc áp lệnh cấm di chuyển toàn quốc, song lại tuyên bố lệnh cấm đi lại trên thế giới là không cần thiết.
Báo cáo của liên minh Ngũ Nhãn gồm tình báo Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada còn cho hay một số cơ quan tình báo trong liên mình tin rằng nCoV có thể lọt ra từ Viện Virus học Vũ Hán. Giả thuyết này bị coi là thuyết âm mưu và nhiều lần bị giới chức Trung Quốc bác bỏ.
Tình báo Mỹ chưa xác nhận về sự tồn tại của tài liệu 15 trang trên, nhưng một quan chức cấp cao nước này nói với Fox News báo cáo đó phù hợp với quan điểm của tình báo Mỹ rằng Trung Quốc biết việc nCoV lây từ người sang người sớm hơn những gì họ thông báo, rằng họ biết chủng virus này lây lan mạnh hơn những gì nước này tuyên bố với cộng đồng quốc tế trong những tuần đầu tiên dịch bùng phát.

Thủ tướng Anh: Các bác sĩ đã chuẩn bị cho cái chết của tôi
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong thời gian ông nằm viện vì nhiễm Covid-19, các bác sĩ đã chuẩn bị kế hoạch cần làm gì nếu ông không may tử vong.
Trong bài phỏng vấn với tờ The Sun, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói các bác sĩ đã chuẩn bị tuyên bố cái chết của ông trong tình huống xấu xảy ra.
“Đó là khoảnh khắc thật khó khăn, tôi không phủ nhận điều đó. Họ đã có chiến lược để đối phó với cái chết của tôi”, ông Johnson nói với The Sun. “Tình trạng của tôi không tốt lắm và tôi biết rằng họ đã có kế hoạch dự phòng”.
“Họ đã cho tôi đeo mặt nạ để thở hàng lít và hàng lít khí oxy”, ông chia sẻ. Tin tức về tình trạng tồi tệ của ông Johnson nhanh chóng được truyền đi khi ông phải vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Ông cũng nói “các chỉ số liên tục đi xuống và tôi nhận ra rằng không có cách chữa trị Covid-19”.
Trong khi đấu tranh giữa làn ranh sinh tử tại bệnh viện St Thomas vào tháng trước, ông Johnson đã tự hỏi mình: “Làm sao tôi thoát khỏi cảnh này?”
“Thật khó tin rằng chỉ sau vài ngày, sức khỏe của tôi đã tệ đến mức này. Tôi cảm thấy thất vọng. Tôi không thể hiểu được lý do tại sao tôi không khỏe hơn”, ông nhớ lại.
“Tuy nhiên, thời điểm tồi tệ nhất là khi các bác sĩ xem liệu họ có phải đặt ống khí quản cho tôi không”, ông Johnson nói. “Đó là khi họ bắt đầu nghĩ cách thông báo cái chết của tôi”.
Ông Johnson khỏe lại sau hai tuần thập tử nhất sinh đó. Ông hồi phục kịp thời để chứng kiến sự ra đời của con trai Wilfred của mình cùng hôn thê, bà Carrie Symonds.
“Nhờ sự chăm sóc tuyệt vời của các nhân viên y tế nên tôi mới qua khỏi”, ông chia sẻ. “Tôi không biết phải giải thích chuyện này thế nào, thật tuyệt vời”.
Ông trở nên khá xúc động, mắt đỏ hoe và phải ngừng lại hít một hơi sâu để tiếp tục nói về sự hồi phục của mình. “Tôi cảm thấy xúc động về điều này nhưng đó là điều phi thường”, ông nói.
Bà Carrie Symonds đã công bố bức ảnh đầu tiên của con trai hai người vào hôm 2/5. Cậu bé được sinh ra chỉ 17 ngày sau khi thủ tướng xuất viện.
Cậu bé có tên đệm là Nicholas để bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ Nicholas Price và Nicholas Hart, người đã cứu sống ông Boris Johnson.

Thế giới cảnh giác bùng phát làn sóng Covid-19 mới
Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 2/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận ít nhất 3.478.970 ca dương tính với virus corona chủng mới và 244.481 trường hợp trong số đó đã tử vong. Song, 1.107.840 bệnh nhân Covid-19, tương đương gần 1/3 tổng số ca bệnh, đã hồi phục sau điều trị.
Cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai ở Mỹ
hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm (1.158.881 người) và tử vong (67.293 người) tính đến sáng sớm ngày 2/5 đều cao nhất thế giới. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 27.851 ca nhiễm mới Covid-19 và 1.540 người thiệt mạng vì dịch.
Theo CNN, mặc dù tốc độ lây lan của virus corona chủng mới tại nhiều nơi thuộc Mỹ đang chững lại nhờ các biện pháp giãn cách xã hội nhưng bác sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia y tế hàng đầu Mỹ và thành viên đội đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng cảnh báo mọi người không nên chủ quan. Ông Fauci cho rằng, dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ tái bùng phát lần hai khi có thêm nhiều bang nới lỏng hoặc dỡ bỏ sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà và nhanh chóng khôi phục đời sống kinh tế – xã hội bình thường như trước kia.
Hãng tin AP ghi nhận, thời tiết đẹp trên khắp nước Mỹ tuần qua đã khiến hàng nghìn người bất chấp khuyến cáo đổ xô đến các bãi biển hoặc công viên để tắm nắng, giải nhiệt.
Tại bang New York, tâm chấn của dịch Covid-19 ở Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo kêu gọi người dân tuân thủ việc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Nhà chức trách cũng cử khoảng 1.000 cảnh sát và nhân viên của các công viên nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng chống dịch.

Nga ghi nhận kỷ lục buồn
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Nga có thêm 9.623 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới, mức tăng cao nhất trong ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 124.054 người. Tổng số ca tử vong vì dịch trên toàn quốc hiện là 1.222 người, tăng 53 trường hợp so với một ngày trước đó.
Theo báo RT, sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Nga gần đây có thể một phần do việc tăng xét nghiệm diện rộng ở thủ đô Moscow, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch tại quốc gia này. Chỉ trong ngày 2/5, Moscow đã ghi nhận thêm 5.358 ca mắc mới Covid-19.
Thị trưởng Moscow Serge Sobyanin cho biết, thành phố đã tăng gấp đôi công suất của các trung tâm xét nghiệm và tăng xét nghiệm kháng thể lên 10 lần trong tuần qua. Moscow đang cân nhắc thiết lập các bệnh viện dã chiến tại những khu liên hợp thể thao và trung tâm mua sắm để đối phó với sự gia tăng các bệnh nhân Covid-19.
Nhà chức trách Nga kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội, đồng thời hy vọng các biện pháp xét nghiệm tốt hơn sẽ giúp tăng cường công tác kiểm dịch và cho phép can thiệp y tế sớm với các ca bệnh nghiêm trọng.

Pháp kéo dài sắc lệnh khẩn cấp y tế đến tháng 7
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 2/5 thông báo, sau một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bộ trưởng, chính phủ nước này nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế đã ban hành trên toàn quốc từ tháng Ba, đến tận ngày 24/7 để ngăn chặn dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo BBC, nhà chức trách Pháp vẫn có kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5. Các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống sự lây lan của virus corona chủng mới sẽ được điều chỉnh theo từng vùng.
Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner lưu ý, “nếu đáp ứng các điều kiện”, mọi người sẽ không còn phải xin phép để ra ngoài đường nữa. Song, Thủ tướng Édouard Philippe sẽ có thể “thực hiện các biện pháp bằng nghị định để điều phối hoạt động di chuyển của người dân cũng như việc sử dụng các phương tiện giao thông”.
Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Castaner nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ phải chung sống với virus corona chủng mới trong một thời gian. Học cách chung sống với virus này là điều cần làm trong những tháng tới”.
Pháp hiện vẫn là “điểm nóng” về dịch Covid-19 trên thế giới với hơn 168.000 ca nhiễm Covid-19 và 24.760 trường hợp trong số đó đã tử vong.

Châu Âu thận trọng nới lỏng phong tỏa
Dù châu Âu vẫn là “điểm nóng” về dịch Covid-19 nhưng nhiều nước trong khu vực đã cho nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 trong hơn một tuần trở lại đây.
Tại Tây Ban Nha, người lớn hôm 2/5 đã bắt đầu được phép ra ngoài tập thể dục lần đầu tiên trong 7 tuần qua. Trẻ em dưới 14 tuổi đã được quyền làm điều này từ cách đây 1 tuần.
Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố, chính phủ sẽ phân phát miễn phí khoảng 6 triệu khẩu trang, chủ yếu tại các điểm giao thông công cộng và trao thêm 7 triệu khẩu trang cho các địa phương nhằm phục vụ cuộc chiến chống Covid-19.
Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với 245.567 ca dương tính với virus corona chủng mới và 25.100 trường hợp tử vong.
Ngoài Tây Ban Nha, các biện pháp phong tỏa cũng đang được dỡ bỏ dần dần ở một số nước châu Âu khác, dù quy định giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực. Một số nước cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi đi mua sắm tại các cửa hàng và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhằm làm chậm lại sự lây lan của virus corona chủng mới.

Xét về số trường hợp thiệt mạng vì Covid-19, Italia hiện là nước đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới sau Mỹ với 28.710 người, tiếp sau đó là Anh với 28.131 người.
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Italia ghi nhận thêm 474 ca tử vong vì dịch, cao hơn nhiều ngày trước đó và thêm 1.900 người mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 209.328 người.

Cùng thời gian, Anh có thêm 621 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong và 4.806 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc tính đến sáng 3/5 lên 182.260 người.

– Bộ Y tế Nhật cho biết sẽ khởi động hệ thống báo cáo Covid-19 trực tuyến từ ngày 10/5 và triển khai trên toàn quốc từ ngày 17/5 nhằm giảm bớt gánh nặng cho các trung tâm y tế đang phải vật lộn ứng phó với dịch. Chính phủ Nhật dự kiến sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp khoảng một tháng để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch. Hiện đã có 14.305 người ở đất nước mặt trời mọc dương tính với virus corona chủng mới với 455 trường hợp trong số đó đã thiệt mạng.

– Chính phủ Singapore ngày 2/5 đã công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm dập dịch, trong đó một số cư dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục từ ngày 5/5; một số dịch vụ như chế biến thực phẩm, vận chuyển thức ăn, đồ uống, giặt là, làm tóc, …  được phép khôi phục hoạt động từ ngày 12/5. Tất cả các doanh nghiệp sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1/6. Tính đến sáng sớm ngày 3/5, Singapore ghi nhận ít nhất 17.548 ca mắc Covid-19 với 17 trường hợp đã tử vong.

– Reuters dẫn lời Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Mario Victor Leonen ngày 2/5 thông báo, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19 trong các các nhà tù đông đúc, không thể thực hiện biện pháp giãn cách, nước này đã cho phóng thích 9.731 tù nhân. Hai nhà tù ở đảo Cebu là những nơi chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 cao nhất ở quốc gia này, với tổng số ca nhiễm là 349 người trong tổng số hơn 8.000 tù nhân. Tính đến sáng sớm 3/5, Philippines ghi nhận 8.928 ca dương tính với virus corona chủng mới và 603 trường hợp tử vong.

– Theo giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia, nước này đã bắt đầu đưa những người nhập cư bất hợp pháp vào các cơ sở tạm giữ tập trung nhằm ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan. Tính đến hết ngày 2/5, nhà chức trách địa phương đã bắt giam hơn 700 người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp trong chiến dịch truy quét tại thủ đô Kuala Lumpur, giữa lúc chính phủ áp lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc để kiểm soát dịch Covid-19. Malaysia hiện đã có 103 trường hợp tử vong trong tổng số 6.176 ca mắc Covid-19.

– Tiến sĩ Maria van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật Chương trình các tình huống y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng chúc mừng Vũ Hán, tâm chấn của dịch Covid-19 ở Trung Quốc vì thành phố hiện không còn ca nhiễm virus corona chủng mới ở tình trạng nặng. Bà Kerkhove cũng ca ngợi các cư dân địa phương đã tuân thủ nghiêm các biện pháp phong tỏa và cách ly trong gần 3 tháng để dập dịch thành công.

Bay cổ vũ công tác chống COVID-19, oanh tạc cơ B-52 bị… rơi cửa
Cánh cửa một khoang thiết bị trên chiếc oanh tạc cơ B-52 của Mỹ đã bị rơi khi đang thực hiện chuyến bay qua thành phố New Orleans để tôn vinh lực lượng y tế tuyến đầu chống COVID-19.

Nổ súng bất ngờ ở biên giới liên Triều
Hãng tin Yonhap cho biết một trạm gác của Hàn Quốc ở khu Phi quân sự (DMZ) biên giới liên Triều đã trúng đạn từ phía Triều Tiên và lực lượng Hàn Quốc đã bắn trả.

Số ca nhiễm gấp 2,5 lần Nga, Thống đốc New York nói mở cửa kinh tế là “mù quáng”
Thống đốc bang New York cảnh báo các biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế cần được cân nhắc kỹ, không thể hành động “mù quáng” vì điều đó liên quan đến sinh mạng của người dân.

Tổng thống Trump nói gì sau tin ông Kim tái xuất?
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông rất vui khi thấy Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện khoẻ mạnh sau vài tuần vắng bóng.

Người dân Tây Ban Nha đổ xô ra đường tập thể dục sau 49 ngày phong toả
Sau khi chính phủ quyết định nới lỏng các hạn chế sau 49 ngày phong toả đất nước vì dịch COVID-19, người dân Tây Ban Nha đã được phép ra ngoài và tham gia các hoạt động ngoài trời như chạy bộ, đạp xe, lướt sóng…

Nhiều điểm du lịch tại Trung Quốc “nóng” trở lại dịp nghỉ lễ
Số lượng người đi du lịch ra khỏi thành phố nơi họ sinh sống đã tăng 40% trong ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ Quốc tế lao động so với ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ Thanh Minh hôm 4/4, theo Reuters.

Bạo loạn tại nhà tù Venezuela, ít nhất 17 người thiệt mạng
Ít nhất 17 tù nhân đã thiệt mạng trong lúc gây bạo loạn nhằm mục đích trốn thoát khỏi một nhà tù tại Venezuela hôm 1/5, Reuters đưa tin.

Canada cấm vũ khí tấn công sau vụ xả súng hàng loạt
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 1/5 cho biết chính phủ nước này quyết định cấm các loại súng tấn công quân dụng.

EU tăng sức ép, thúc giục Trung Quốc hợp tác điều tra COVID-19
Liên minh châu Âu (EU) đã gia tăng áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc, kêu gọi nước này hợp tác điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, theo SCMP ngày 2/5 đưa tin.

Sau Thủ tướng, một Bộ trưởng Nga nhiễm COVID-19
Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Nhà ở của Nga và cấp phó của ông đã phải nhập viện vì nhiễm COVID-19, một ngày sau khi Thủ tướng Mikhail Mishustin thông báo dương tính với virus.

Ông Kim Jong-un tái xuất hiện sau nhiều đồn đoán về sức khoẻ
Sau nhiều đồn đoán xung quanh vấn đề sức khoẻ, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 2/5 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham dự lễ khánh thành một nhà máy phân bón ở Bình Nhưỡng.

Cuba lên án vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán nước này tại Mỹ
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel ngày 30-4 (giờ địa phương) đã kịch liệt lên án vụ tấn công bằng súng nhằm vào Đại sứ quán Cuba tại Mỹ, đồng thời yêu cầu nhà chức trách Washington nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc. Ông cũng nhấn mạnh việc các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ những phái bộ ngoại giao thường trực trên lãnh thổ của mình.

Căng thẳng Mỹ – Trung cản trở nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế
Trong bối cảnh số người nhiễm COVID-19 lên đến hơn 3,3 triệu người, trong đó có hơn 234.000 ca tử vong, tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh được nhận định là đang cản trở những nỗ giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Nhật Bản kéo dài tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 thêm 1 tháng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 1/5 cho biết, Chính phủ nước này sẽ lên kế hoạch kéo dài tình trạng khẩn cấp toàn quốc thêm một tháng, trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tại quốc gia này tiếp tục tăng, nhất là tại ổ dịch Tokyo.

WHO muốn tham gia điều tra COVID-19 cùng Trung Quốc
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/5 đề cập mong muốn hợp tác với các đối tác quốc tế theo lời mời của Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Nga phá vỡ mọi kỷ lục
Một ngày sau khi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố đã mắc bệnh COVID-19, hôm 1/5, nước này tiếp tục xác nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại đây, với gần 8.000 ca.

Tổng hợp-TT