-Chiều tối 12-5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước tiếp tục không ghi nhận người mắc mới dịch Covid-19 và là ngày thứ 26 liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiện WHO cũng cảnh báo Việt Nam phải luôn sẵn sàng ứng phó nếu có ca bệnh mới hay làn sóng bùng phát dịch mới.
Cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với TS Kidong Park
Hiện nay, số người mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 288 trường hợp, trong đó có 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.929 người, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 329 người, còn lại là cách ly tập trung tại cơ sở khác, tại nhà và nơi lưu trú.
Đáng chú ý, về tình hình điều trị, trong ngày có thêm 3 bệnh nhân Covid-19 (tái dương tính với virus SARS-CoV-2) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP HCM là các bệnh nhân thứ: 151, 207, 224. Cả 3 bệnh nhân này đều là người Braxin, hiện tại sức khỏe của họ ổn định, không sốt, không ho, không khó thở và sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Như vậy tới chiều cùng ngày, Việt Nam đã có 252/288 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân Covid-19 còn lại phần lớn trong tình trạng sức khỏe ổn định, trong đó 16 trường hợp có hơn 1 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn bệnh nhân thứ 91 (43 tuổi, phi công người Anh) nguy kịch, đã được chụp CT để đánh giá chức năng phổi và chiều cùng ngày, các chuyên gia đầu ngành tiếp tục hội chẩn để đánh giá khả năng ghép phổi cho bệnh nhân này.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có buổi làm việc với về diễn biến tình hình dịch Covid-19. Tại buổi làm việc, ông Kidong Park gửi lời chúc mừng Việt Nam khi 26 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng nhưng thực tế là đại dịch vẫn chưa qua. Do đó, các nước và Việt Nam vẫn phải đặt cảnh giác và theo dõi diễn biến dịch chặt chẽ. “Việt Nam không có ca bệnh trong nội địa 26 ngày qua, nhưng các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu vẫn đang ứng phó vô cùng vất vả với đại dịch Covid-19. Nguy cơ vẫn hiện hữu ở đó, do vậy nguy cơ có những ca bệnh tiếp theo trong cộng đồng là vẫn có thể”- TS Kidong Park nhấn mạnh.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho biết, WHO đã ban hành hướng dẫn mới, gồm 6 tiêu chí cho các quốc gia để thực hiện nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, cũng như các biện pháp phòng chống dịch dựa trên tình hình thực tế của từng quốc gia. Đồng thời, TS Kidong Park cũng nêu ra 2 hướng dẫn mới hữu dụng và phù hợp với Việt Nam trong thời điểm hiện tại, đó là những biện pháp y tế công cộng và xã hội tại môi trường làm việc trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo đó, chúng ta phải chuẩn bị về tâm thế, tâm lý, cũng như cách suy nghĩ và hành động để phù hợp với bối cảnh chung sống với dịch bệnh. Hệ thống y tế cần được đầu tư, công tác chuẩn bị phải luôn sẵn sàng ứng phó nếu có ca bệnh mới hay làn sóng bùng phát dịch mới. Đặc biệt là trong hoàn cảnh vaccine hay thuốc đặc trị Covid-19 có thể sẽ mất 1-2 năm mới có câu trả lời.
Ông Kidong Park cũng khẳng định, WHO cam kết làm việc chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam trong công tác ứng phó dịch Covid-19, tiếp tục chia sẻ thông tin và những cập nhật kỹ thuật mới nhất. Đồng thời, WHO mong muốn học hỏi các biện pháp phòng chống dịch sáng tạo của Việt Nam để chia sẻ với các nước thành viên và bạn bè quốc tế.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 nhất trí với nhận định của WHO về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp và nguy cơ bệnh xâm nhập từ bên ngoài còn rất lớn. Phía Việt Nam khẳng định phải “bao đê cho chặt” tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
NGuồn SGGPO-TT