VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công: Thừa vốn, khó tiêu

 – Các nơi đều xin vốn nhưng đến lúc có vốn lại không làm đến nơi đến chốn, thậm chí có đơn vị, địa phương xin giảm, cắt, đó là thực trạng bức tranh giải ngân vốn đầu tư công hiện nay. Mặc dù không ít đơn vị, địa phương phát động, coi như một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tuy nhiên, trong văn bản vừa báo cáo Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã nêu rõ ước tính đến hết tháng 6, có tới 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp.
       Chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo ra những hiệu ứng gây lãng phí, ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh tế, thậm chí còn kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Trong số liệu của Bộ Tài chính cũng thắng thắn chỉ ra 4 cơ quan T.Ư có tỷ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0% hay nói cách khác là chưa tiêu được đồng vốn đầu tư công nào, gồm: Văn phòng Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn DN Nhà nước.
Ngoài ra, Văn phòng T.Ư Đảng được phân bổ 222,8 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng qua mới thanh toán được hơn 1 tỷ đồng, chiếm 0,47% tổng vốn được giao; Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%… Đáng lưu ý, có bộ được giao đi kiểm tra tình hình thực hiện vốn đầu tư công những lại có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp như Bộ KH&ĐT mới thanh toán được 74,8 tỷ đồng trong tổng số 1.108 tỷ đồng được giao, chiếm 6,75%; Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%. Trong danh sách hàng loạt các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 15% có Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước…
Giải ngân đầu tư công đang được xem là chìa khóa để kích cầu hiệu quả khi Nhà nước đóng vai trò hộ chi tiêu, thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch. Mặc dù việc này hiện đang đứng trước không ít thách thức, đặc biệt là phải thực hiện thận trọng khi đưa tiền vào nền kinh tế, đẩy lùi suy thoái nhưng không tạo ra áp lực lạm phát, không vì đẩy nhanh tiến độ mà làm ảnh hưởng đến chất lượng từng dự án được giao vốn. Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh đến căn bệnh trầm kha trong nhiều năm qua đó là việc ban hành văn bản chậm, phân bổ vốn chậm, thậm chí dù đã hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ được vốn kế hoạch năm 2020. Bên cạnh đó là những yếu tố về ràng buộc vướng mắc trong giải ngân dự án, phân bổ vốn đầu tư cho dự án, “vốn mồi” của Nhà nước giải ngân ít ảnh hưởng đến thu hút các nguồn đầu tư xã hội…
Dù bất kỳ nguyên nhân nào thì việc giải ngân chậm cũng đều tạo ra những hiệu ứng gây lãng phí, ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh tế, thậm chí còn kéo dài trong nhiều năm sau đó. Nỗ lực trong việc thu hút vốn đầu tư nhưng vấn đề giải ngân cũng đặt lên cấp thiết. Trong nhiều cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ và không ít đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế không khỏi sốt ruột trước thực trạng trên. Thậm chí tới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến việc sẽ đưa ra chế tài mạnh, sẽ có biện pháp với những người đứng đầu địa phương trong việc chậm giải ngân. Đó là việc làm cần thiết để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế không chỉ trong năm nay mà còn của những năm tiếp theo.
Nguồn Kinhtedothi-TT