Bộ Công Thương đề xuất hai phương án cải tiến giá điện sinh hoạt, có thể được áp dụng từ năm 2021.
Ảnh minh họa.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014 vừa được Bộ Công Thương công bố để lấy ý kiến. Cơ quan này nghiên cứu đề xuất các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó có đề xuất giá bán lẻ điện một giá. Dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định dự kiến áp dụng từ năm 2021.
Theo dự thảo, đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án lựa chọn, một là gồm có 5 bậc và hai là 5 bậc và một giá.
Theo phương án 1, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã được rút xuống từ 6 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc. Bậc 1 và 2 hiện hành sẽ được ghép thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), đồng thời giữ nguyên giá bằng bậc 1 hiện hành. Giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh được giữ nguyên.
Các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh sẽ được ghép thành bậc mới, đồng thời tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.
Với phương án 2, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Tuy nhiên, với phương án 2, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất 2 mức giá.
Trong phương án 2A, giá bán lẻ điện một giá cho sinh hoạt để khách hàng lựa chọn là 145% giá điện bình quân tương đương khoảng 2.703 đồng/kWh. Theo cơ quan soạn thảo, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
Với phương án 2B, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá là 155% giá điện bình quân tương đương khoảng 2.889 đồng/kWh.
Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Theo cơ quan soạn thảo, hai phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt.
Đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích ngoài sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm sản xuất đã bao gồm cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Phương án 2, gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt.
Theo Bộ Công Thương, các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện hiện nay.
Nguồn doanhnhan.vn-TT