Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cộng mùa thấp điểm sắp tới khiến nhu cầu đi lại của người dân càng thấp. Các hãng hàng không liên tục giảm giá vé, rẻ đến mức như cho không. Khó khăn, các hãng bay đồng loạt kêu cứu lên Thủ tướng.
Giá rẻ vẫn không có khách
Hàng không Vietnam Airlines và Pacific Airlines chiều 18/8 vừa thông báo mở bán vé đồng giá chỉ từ 98.000 đồng cho các chặng giữa Hà Nội – Đà Nẵng, Chu Lai, Huế, Vinh hoặc TP.HCM – Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn,… Cộng cả thuế phí, người mua phải trả 558.000 đồng/chặng.
Nếu hành khách bay chặng giữa TP.HCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh,… thì mức giá là 198.000 đồng/chiều, tương đương 668.000 đồng bao gồm thuế, phí; áp dụng cho hành trình bay từ 7/9/2020 đến 31/3/2021.
Như vậy, trong vòng 6 tháng tới, giá vé máy bay ở mức thấp chưa từng có. Lý do là bởi bình thường hàng năm, đây là mùa thấp điểm khi học sinh vào năm học mới và thời tiết chuyển mùa. Chưa kể, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên nhu cầu đi lại của người dân giảm đột ngột, cũng chưa thể lên kế hoạch đi du lịch được.
Dù giá vé máy bay rất rẻ nhưng sân bay vẫn vắng khách. Ảnh chụp sân bay Cam Ranh (Nha Trang) ngày 12/8
Đến nay, các hãng hàng không đã đồng loạt mở bán vé máy bay Tết nguyên đán 2020, như Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) với hơn 2 triệu ghế, Vietjet Air với 1,5 triệu vé trên tất cả chặng bay nội địa. Một số chặng đã hết vé rẻ, tuy nhiên, đó là những chặng nóng, vốn đông khách ra Bắc về quê ăn Tết như TP.HCM – Hà Nội, TP.HCM – Huế, TP.HCM – Đà Nẵng,… còn các chặng khác giá vé rẻ vẫn còn.
Để bổ sung vé Tết, hãng hàng không Vietjet Air vừa tung ra 2,6 triệu vé khuyến mãi siêu tiết kiệm chỉ từ 2.021 đồng (chưa gồm thuế, phí) trên tất cả chuyến bay khởi hành từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào miền Nam trong dịp Tết âm lịch tới.
Theo đó, từ ngày 18-22/8, các vé rẻ như cho này sẽ được mở bán không giới hạn khung giờ, áp dụng cho thời gian bay từ 18/8/2020 đến 28/2/2021.
Chưa kể thời gian này, hành khách mua vé 50 chặng nội địa của hãng từ 12/8-24/10 còn được miễn phí 15kg hành lý ký gửi cùng 7kg hành lý xách tay.
Với giá vé trên, hành khách đi máy bay chỉ phải nộp tiền thuế, phí sân bay, phí quản trị hệ thống,… các hãng hàng không chẳng thu được là bao.
Chẳng hạn, khi mua vé Hà Nội – Huế cho 4 hành khách đúng vào Tết Dương lịch 2021 của Vietjet Air, tính cả thuế phí hết tổng cộng 3,7 triệu đồng/khứ hồi, hành lý lại được miễn phí. Chưa bao giờ giá vé máy bay lại rẻ đến vậy. Tính ra, mỗi hành khách chỉ phải trả trung bình 925.000 đồng vé khứ hồi.
Trước đó, Bamboo Airways nhân kỷ niệm sinh nhật 2 năm cũng mở bán trong vòng 48 tiếng (từ 18/8 đến hết ngày 19/8) 3 loại vé giá rẻ chưa từng có tại hãng này: 18.000 đồng, 188.000 đồng và 1,888 triệu đồng tùy hạng vé, chưa gồm thuế phí. Thời gian bay áp dụng từ 20/8/2020-31/1/2021.
Bình thường, giá vé của Bamboo Airways vốn ngang ngửa hoặc thấp hơn Vietnam Airlines một chút, nhưng đây là lần đầu tiên hãng “chơi lớn” khi tung ra mức giá thấp nhất chỉ từ 18.000 đồng/chặng (chưa thuế, phí).
Hàng không kêu cứu
Giảm giá vé xuống đáy được cho là nỗ lực nhằm lôi kéo người dân tăng nhu cầu đi lại, góp phần mở ra lối thoát cho các hãng hàng không dù chưa thấy tín hiệu nào khả quan.
Kết quả kinh doanh quý 2 của các hãng hàng không cho thấy dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề lên các hãng. Trong lịch sử hoạt động, có thể nói chưa bao giờ các hãng bay lại rơi vào thảm cảnh như vậy.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Vietnam Airlines chỉ đạt 24.934 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Tổng lợi nhuận trước thuế âm 6.542 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 1.785,7 tỷ đồng. Mỗi cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tính đến tháng 6/2020 lỗ cơ bản tới 4.607 đồng.
Tại Vietjet Air, tình hình cũng u ám khi trong quý 2, riêng công ty mẹ Vietjet ghi nhận 1.970 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh vận chuyển hành khách và phụ trợ, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm thấp hơn khiến hãng mẹ lỗ gộp 1.926 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn lãi trên 1.102 tỷ). Kết quả, Vietjet lỗ trước thuế 1.165 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng, doanh thu của Vietjet là 9.194 tỷ đồng, giảm 54%. Hãng này lỗ ròng sau thuế 2.112 tỷ đồng.
Riêng Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quý 2 và 6 tháng đầu năm chưa công bố kết quả kinh doanh.
Vốn đã điêu đứng kể từ đầu năm, dịch Covid-19 tái phát từ cuối tháng 7 khiến các hãng hàng không “chết đứng” khi mất hẳn cơ hội khai thác cao điểm du lịch hè 2020, chuyển ngay vào giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không.
Trong văn bản kêu cứu lên Thủ tướng, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng, tuy các hãng hàng không đã tìm mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50-70%; đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé… song tất cả đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.
Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng được vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 3-4 năm; kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021; đồng thời chỉ đạo giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70% ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021; xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt, kiến nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Qua đó, cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch.
Nguồn VNN-TT