– Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn hiện nay rất khó để áp dụng các biện pháp chống dịch ở mức cao như giai đoạn trước; thách thức lớn nhất là tâm lý lơ là, chủ quan của người dân trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chiều nay, 27/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp về công tác phòng, chống COVID-19.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, các địa phương, ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt, khoanh vùng truy vết, tăng cường xét nghiệm và cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình. Xã hội có niềm tin lớn đối với chỉ đạo của Chính phủ trong phòng chống dịch.
Theo kết quả một cuộc điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương, 97% người dân được hỏi bày tỏ ủng hộ các biện pháp phòng chống COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia.
Bên cạnh chống dịch, ở những nơi có điều kiện thì tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thu nhập cho người dân. Điều này cũng góp phần giúp cho người dân yên tâm hơn.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế báo cáo những vấn đề phát sinh, những bài học kinh nghiệm rút ra.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 27/8, trên thế giới dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu chững lại. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Australia, Pháp, Đức và Tây Ban Nha trong khoảng 4 tuần gần đây đang phải đối mặt với đợt bùng phát mới sau khi nới lỏng phong tỏa. Các quốc gia này đã phải tái thiết lập các biện pháp giãn cách nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.
Hiện nay, chỉ duy nhất Nga đã đưa vaccine tự sản xuất triển khai tiêm trong cộng đồng. Các quốc gia khác đang trong quá trình nghiên cứu và ít nhất cần 1-2 năm tới mới có thể đưa vào sử dụng trong cộng đồng. Hiện chưa có thuốc đặc trị virus, chỉ điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng bệnh nhân. Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia cũng nhận định, cần khoảng ít nhất 2 năm nữa dịch bệnh mới có thể được khống chế trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, cho đến nay, cả nước ghi nhận 1.034 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 381 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam), 30 trường hợp tử vong (tại Đà Nẵng 26 trường hợp, Quảng Nam 3 và Quảng Trị 1 trường hợp).
Tính từ 25/7 đến nay, cả nước đã thực hiện 517.138 xét nghiệm (624.065 lượt người) trong tổng số 950.477 (1.046.515 lượt người) xét nghiệm RT-PCR từ đầu dịch (chiếm 54,3% theo số xét nghiệm và 59,8% theo số lượt người) với công suất xét nghiệm gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3 và 4 vừa qua. Số lượng xét nghiệm trong khoảng 1 tháng qua hơn tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất trên 34.000 mẫu/ngày).
Theo Bộ Y tế, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng là thường trực. Với khoảng 60% các trường hợp bệnh là không có triệu chứng, nên vẫn có khả năng dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng khi vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là ở các cơ quan, công sở, xí nghiệp, người dân đối với chấp hành quy định phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc… Ngoài ra, trong thời gian tới với thời tiết mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp nên nguy cơ mắc các bệnh sẽ tăng cao.
Bộ Y tế cho rằng, đợt dịch lần này xảy ra phức tạp, diễn biến nhanh, khả năng lây lan rộng và có nguy cơ tử vong cao, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo quốc gia và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các địa phương, quán triệt quan điểm “chống dịch như chống giặc” trên tinh thần “thần tốc, quyết liệt”… các biện pháp phòng, chống dịch đã có hiệu quả trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, hạn chế sự lây lan rộng ra cộng đồng.
Trong giai đoạn hiện nay rất khó để áp dụng các biện pháp chống dịch ở mức cao như giai đoạn trước. Thách thức lớn nhất là tâm lý lơ là, chủ quan của người dân trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương luôn chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới, chuẩn bị đầy đủ các kịch bản có thể xảy ra của dịch bệnh. Phải xác định các ca bệnh được phát hiện không phải của riêng địa phương nào để sẵn sàng ứng phó. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh cần triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo kết quả đợt 1 thi tốt nghiệp THPT vừa qua và công tác tổ chức đợt 2 kỳ thi này.