Việt Nam – điểm đến lí tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài
– Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời với những biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa.
Tại Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam với chủ đề “Việt Nam – Ngôi sao đang lên” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã có quá trình tái cơ cấu đầu tư và định vị lại chuỗi cung ứng. Gần đây, khi bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, và đặc biệt tác động tiêu cực của dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư, nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.
“Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời với những biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020, nhưng kết quả thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, đặc biệt vốn đăng ký mới tăng 6,6%, vốn đăng ký mở rộng và tăng thêm tăng 22,2%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những con số này rất đáng khích lệ, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, phù hợp với định hướng của Việt Nam. Đó là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian vừa qua, để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao cũng như thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư, như: chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch; đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đồng thời, thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư – kinh doanh như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) đã được thông qua với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam,…
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) cũng đã được Quốc hội thông qua mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữaViệt Nam và EU. Hai Hiệp định này cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác, được xem như các tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới; đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20.
Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), việc thực hiện đồng thời cả Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021 – 2030.