VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Đức, Anh, Pháp khiến Trung Quốc đuối lý ở Biển Đông

Công hàm phản đối Trung Quốc ở Biển Đông của Anh, Pháp, Đức buộc Bắc kinh phản hồi nhanh chóng nhưng yếu về mặt pháp lý, theo chuyên gia.
Hôm 16/9, ba nước Anh, Pháp, Đức, hay còn gọi là nhóm E3, gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc, phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo đó, ba nước nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là “khuôn khổ pháp lý” cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn. Công hàm cũng khẳng định việc Trung Quốc vẽ ra cái gọi là “đường cơ sở thẳng” xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cùng khái niệm “quyền lịch sử” mà nước này đưa ra để đòi yêu sách với phần lớn Biển Đông, “vi phạm luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”. Điều này đã được xác nhận rõ ràng trong Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan, trong vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đánh giá về động thái của E3, giáo sư Jonathan Odom, chuyên gia luật tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Âu George Marshall, một trong các mô hình hợp tác giữa Mỹ và Đức, cho biết bước đi này có ý nghĩa lớn, khi nhìn vào vị thế của các nước. Anh, Pháp, Đức là ba thành viên lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), nằm trong 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là thành viên của UNCLOS. Pháp và Anh còn là uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. E3 đã đưa ra tiếng nói độc lập, không liên quan với bất cứ cường quốc nào khác, kể cả Mỹ. Họ cho rằng mình có lợi ích trong bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, là lợi ích của toàn cầu. Vì thế ba nước đã lên tiếng mạnh mẽ.
“Ba nước có tín nhiệm, có thể được các nước khác đề cao quan điểm. Vì thế việc này rất quan trọng”, Odom nói.
Đá Subi, một trong các đá Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh: ABC News.

Đá Subi, một trong các đá Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh: ABC News.

Chuyên gia người Mỹ nhận định đây là lần đầu tiên E3 gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông lên LHQ. Trước đó, Anh, Pháp, Đức trong tháng 8/2019 đã ra tuyên bố chung kêu gọi hòa bình ổn định ở khu vực này.
Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc, Đại học SOAS London, Anh, cũng khẳng định chưa từng thấy tuyên bố tương tự nào của E3 như công hàm này.
“Công hàm chung của E3 cho thấy mức độ lo lắng của họ về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh tăng cường ngoại giao chiến lang kể từ đại dịch Covid-19″, Tsang nói.
Theo phó giáo sư Vũ Thanh Ca, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, bằng việc gửi công hàm chung lên LHQ, E3 đã thể hiện rõ lập trường của mình trước những tuyên bố và hành động sai trái của Trung Quốc. Công hàm của E3 rất chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các quy định trong luật quốc tế, bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trái với UNCLOS ở Biển Đông, ngăn ngừa những hệ lụy tương lai của các tuyên bố và hành động của Trung Quốc.
Hôm 18/9, Trung Quốc đã gửi công hàm phản hồi văn bản của E3 lên LHQ. Odom lưu ý động thái của Bắc Kinh diễn ra chỉ sau hai ngày. Ông cho rằng Trung Quốc nhận thấy phải lên tiếng vì công hàm của E3 rất quan trọng, “nếu không thì tại sao Trung Quốc phải phản hồi mau chóng như vậy”.
Odom khẳng định vai trò thành viên UNCLOS của Anh, Pháp, Đức, đã khiến Trung Quốc phải nêu ra lập luận mới về yêu sách ở Biển Đông, nhưng theo một cách yếu hơn. Trước đây, khi Mỹ phản bác yêu sách của Trung Quốc, Bắc Kinh thường chuyển hướng sang việc Mỹ không phải là thành viên UNCLOS. Nhưng khi E3 đều là thành viên của Công ước, Bắc Kinh tìm cách đưa ra các lập luận đáng ngờ, với hai điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, Trung Quốc tự cho rằng nước này “được phép dùng đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo, với tư cách là một quốc gia lục địa”. Trong công hàm ngày 18/9, Trung Quốc cho rằng “Việc Trung Quốc vẽ các đường cơ sở trong vùng biển thuộc chủ quyền với các đảo và đá liên quan tuân theo UNCLOS và luật quốc tế nói chung”. Tuy nhiên, theo Odom, Bắc Kinh chưa bao giờ tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh Trường Sa, mà vẽ đường cơ sở thẳng dọc hầu hết toàn bộ bờ biển đất liền. Trong khi đó, Toà án công lý quốc tế (ICJ) cho rằng phương pháp dùng đường cơ sở thẳng trong UNCLOS chỉ được sử dụng trong các trường hợp ngoại lệ. Trung Quốc đã dùng ngoại lệ đó như “quy tắc chung”. Hơn nữa, phán quyết của Toà trọng tài thường trực năm 2016 khẳng định “Trung Quốc không đủ điều kiện để vẽ các đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo Bắc Kinh yêu sách”.
Thứ hai, Trung Quốc cho rằng UNCLOS không bao trùm mọi điều về trật tự hàng hải. Odom đánh giá Bắc Kinh đúng khi nói rằng có nhiều luật quốc tế khác, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì mình muốn ở các đại dương trên thế giới và viện các luật khác như một cái cớ.
“Có thể nói Trung Quốc đã đưa ra các lập luận yếu trong công hàm phản hồi văn bản của E3”, Odom nhấn mạnh.
Dự báo động thái tiếp theo của E3, Odom cho rằng Anh, Pháp, Đức có thể thúc đẩy quan điểm nhất quán đã nêu trong công hàm ngày 16/9 ở các diễn đàn quốc tế, như các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hay các cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ. Bên cạnh đó, E3 cũng có thể tăng cường trao đổi mối quan ngại trong các trao đổi song phương với các nước ở khu vực, trong đó có cả Trung Quốc.
Odom tin rằng Anh, Pháp, Đức có thể tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực. Trên thực tế, Anh và Pháp đã điều tàu đến Biển Đông. E3 cũng có hợp tác quân sự mạnh mẽ với Mỹ, tiến hành nhiều hoạt động và diễn tập ở nhiều nơi trên thế giới.
“Tôi hy vọng các nước châu Âu sẽ tiếp tục điều tàu đến Biển Đông, vì lời nói cần đi đôi với hành động”, Odom cho hay.
Giáo sư Tsang có chung nhận định, cho rằng E3 sẽ ủng hộ các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong đó, Anh sẽ có hành động sớm hơn Pháp và Đức.
Theo phó giáo sư Ca, ba nước châu Âu có thể tăng hợp tác với các nước thành viên khác của EU, đồng minh để phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. E3 cũng sẽ phối hợp với Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước có lợi ích ở Biển Đông để bảo đảm an ninh, trong đó có việc tăng hoạt động và giao lưu của tàu chiến, hình thành khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ba nước này có thể thực hiện các biện pháp kinh tế để buộc Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế.
Ông Ca đánh giá các nước châu Âu ngày càng nhận thức rõ mối đe dọa từ Trung Quốc, từ tham vọng và hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh. Do vậy, các hoạt động kiềm chế Trung Quốc của châu Âu được tiến hành trên tất cả các mặt trận, cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, trong đó, Biển Đông là một trong những mặt trận quan trọng. “Ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc trong quan hệ với các nước châu Âu khi các nước đang đối phó với Covid-19 đã làm xấu đi quan hệ của châu Âu với Trung Quốc.
Chuyên gia Odom đánh giá các nước châu Âu đang gia tăng mối quan tâm đến diễn biến ở Biển Đông trong vài năm gần đây. Mới nhất, Đức trong đầu tháng 9 đã thông qua các nguyên tắc liên quan đến Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây được coi là chiến lược quốc gia của Đức về tầm quan trọng của duy trì tự do hàng hải, ủng hộ phán quyết của PCA năm 2016 và kêu gọi các bên xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ràng buộc (COC).
Sau khi Nhật Bản, Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết 2016, hiện nay ba nước lớn ở châu Âu cũng gia nhập nỗ lực này.
“Mối quan tâm của Anh, Pháp, Đức đang gia tăng mạnh mẽ”, Odom nói.

Nguồn VnExpress-TT