Nội dung trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ tháng 9
– Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 chiều 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, làm rõ nhiều vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP
PV Thùy Ngân (TTXVN): Xin Ngân hàng Nhà nước cho viết những kết quả cụ thể về tăng trưởng tín dụng và kế hoạch trong 3 tháng cuối năm để đạt được kết quả cao nhất nhằm phục hồi nền kinh tế!
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Trong quý II/2020, tín dụng khoảng 4,2-4,3%. Riêng trong tháng 9 tăng từ 4,3% đến 6,1%, tức là tăng khoảng 1,8%. Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhất là các tháng quý I, tín dụng tăng rất chậm, quý II có nhanh hơn một chút nhưng vẫn trong khó khăn chung của dịch bệnh tác động đến nhiều lĩnh vực.
Riêng trong tháng 9 vừa qua đã cho thấy những dấu hiệu rất tích cực về thanh toán vốn của các doanh nghiệp và các hộ nông dân, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất, dịch vụ… chiếm 63% trong tổng số dư nợ hiện nay.
Như vậy, chúng ta đánh giá rằng, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của dịch nhưng các doanh nghiệp có những chuyển biến rất tích cực và linh hoạt tiếp cận các khoản vay mới trên cơ sở khoản nợ cũ thì đã được giãn thời gian, hoãn hoặc cơ cấu lại.
Thời gian sắp tới, trong điều kiện chúng ta kiểm soát tốt dịch như hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp tích cực như hiện nay, thì dư nợ tín dụng trong năm nay có thể tăng khoảng hơn 9% là khả thi.
Để đạt điều đó thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm cả cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn. Nhưng có lẽ một trong những giải pháp quan trọng nhất chính là giảm hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất cho vay, tổng mức giảm 3 lần khoảng 1,5-2%, tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổ chức cho vay với lãi suất thấp hơn dành cho các doanh nghiệp.
Bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã giảm chi phí và tăng hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế, vấn đề hỗ trợ thông qua các khoản lãi xuất và khoản cho vay cũ cũng như các khoản vay mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt hơn.
Vì vậy tôi cho rằng, việc hạ lãi suất cũng là một trong những lý do cơ bản quan trọng để tạo điều kiện cho tín dụng mở rộng. Ngoài ra, cùng với nhiều chính sách khác của Chính phủ, các bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn trong hỗ trợ về tài chính, về thuế giúp các doanh nghiệp.
PV Ngọc Thành (Thời sự VTV): Xin Bộ Công an thông tin về vụ án vu khống xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk?
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Theo thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xác minh nguồn tin về tội phạm theo đúng quy định của pháp luật, trong quá trình xác minh thấy có dấu hiệu tội phạm
Ngày 19/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Minh Tuấn về tội “Vu khống”, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với thời gian 2 tháng và được Viện Kiểm sát phê chuẩn.
Sau khi mở rộng điều tra, ngày 1/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can (thời hạn 2 tháng) đối với Phạm Đình Quý về tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quá trình điều tra, 2 đối tượng bước đầu đã khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Hiện nay cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, tiếp tục điều tra về hành vi của 2 đối tượng nêu trên để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Công an đã giao Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm thông tin chi tiết hơn nếu nhà báo cần hỏi về vụ án này.
PV Hiếu Công (Zing News): Gần đây, gia đình ông Nguyễn Đức Chung có xin cho ông này được tại ngoại và điều trị ung thư. Xin hỏi Bộ Công an sức khỏe của ông Chung như thế nào và diễn biến điều tra vụ việc liên quan đến ông này tiến triển ra sao?
Vừa qua, bão số 5 làm khoảng 600 cột điện ở miền Trung bị gãy đổ. Xin hỏi Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản có chỉ đạo gì với các đơn vị thành viên làm rõ chất lượng cột điện và có kế hoạch cử đoàn thanh tra về vấn đề này hay không? Nhân đây xin hỏi Bộ Xây dựng, về góc độ chuyên môn thì chất lượng của cột điện đang như thế nào?
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Về sức khỏe của ông Chung, theo báo cáo của cơ quan điều tra, ông Chung hiện nay tình trạng sức khỏe bình thường trong điều kiện mới. Vụ án của ông Chung đang được tiếp tục mở rộng điều tra. Như chúng tôi đã thông tin thì cơ quan điều tra cho rằng ông Chung liên quan đến 3 vụ án, hiện nay mới là 1 vụ, còn các vụ tiếp theo cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tiến hành trong thời gian tới.
Về việc luật sư hay gia đình ông Chung nộp đơn bảo lãnh để thay đổi biện pháp ngăn chặn, cơ quan điều tra đã nhận được đơn này và cũng đang xem xét. Qua kết quả điều tra và trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thì thấy rằng tội “Chiếm đoạt bí mật Nhà nước” có tính chất rất nghiêm trọng. Do đó cơ quan điều tra chưa thay đổi biện pháp ngăn chặn. Cơ quan điều tra đã phố hợp với cơ quan y tế trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bị can Nguyễn Đức Chung trong trại tạm giam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Như chúng ta đã biết, bão số 5 đổ bộ vào khu vực miền Trung đã gây ra thiệt hại đáng kể đối với nhân dân và cả các cơ sở hạ tầng trong khu vực, trong đó lưới cung cấp điện cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại, gây mất điện trên diện rộng, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị.
Theo số lượng mà EVN báo cáo thì có tới hơn 300 cột điện trung thế và hạ thế thuộc quản lý vận hành của Tổng công ty Điện lực miền Trung bị đổ gãy do ảnh hưởng của bão. Ngay trong bão và sau khi bão tan, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo và EVN, trực tiếp là Tổng công ty Điện lực miền Trung, đã nỗ lực huy động lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, vật tư để khắc phục sự cố. Chỉ trong vòng 3 ngày, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã khắc phục, cấp điện trở lại cho 100% khách hàng, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng ở trong vùng bị tác động của cơn bão số 5.
Liên quan đến chất lượng của cột điện mà phóng viên hỏi, thì cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định số 46 ban hành ngày 12/5/2015 của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thi công, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách và cũng đã rất kịp thời ban hành công văn số 4777 ngày 2/10/2020 tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê công cốt thép li tâm sử dụng trên các công trình đường dây chuyển tải điện trên không, yêu cầu tất cả các công trình có các cột điện bê tông cốt thép li tâm phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra để khắc phục tốt nhất những nguy cơ, ví dụ như do cơn bão số 5 gây ra.
Về phía Bộ Công Thương, ở lĩnh vực điện, chúng tôi đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.
Thứ hai cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện và tăng cường kiểm tra, quản lý công tác vận hành, kịp thời phát hiện, xử lý các điểm xung yếu trên lưới điện để bảo đảm an toàn lưới điện.
Cần phải khẩn trương lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của ngành điện. Hiện nay chúng tôi yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan không những của EVN mà cả các doanh nghiệp sản xuất và vận hành trong ngành điện phải lưu ý thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
PV Ngọc An (Tuổi trẻ TPHCM): Các báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, những ngành như dệt may, da giày… đơn hàng của doanh nghiệp rất ít, dòng tiền của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong cuộc họp ngày hôm nay, Chính phủ đã có những đánh giá như thế nào? Chúng ta có lo ngại làn sóng dừng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới hay không? Chính phủ có những giải pháp nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngăn chặn làn sóng này trong thời gian tới? Khi nào có gói hỗ trợ lần hai?
Vừa qua báo Báo Tuổi trẻ TPHCM đã có bài viết về tình trạng đẩy giá thiết bị y tế, không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà còn nhiều bệnh viện lớn khác. Trước đây, sau những vụ việc được thông tin thì Bộ Y tế cũng tiến hành rà soát. Xin hỏi đến nay kết quả kiểm tra thế nào? Với vụ việc vừa qua ở Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế có tiếp tục làm việc, tiến hành rà soát tiếp ở các bệnh viện công hay không? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng lỗ hổng thất thoát giá thiết bị y tế, khi có nhiều ý kiến cho rằng có chính sách tự chủ bệnh viện công nhưng chưa có quy định về giá dịch vụ y tế? Qua tình trạng trên, Bộ Y tế có nhận định thế nào?
Vừa qua đưa ra việc điều chỉnh giá điện nhưng đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án. Xin hỏi đến nay việc sửa đổi giá điện được thực hiện đến đâu? Bộ Công Thương cho biết tập trung vào 5 phương án. Vậy Bộ có sử dụng 2 đề xuất trong 5 phương án cũ hay sẽ đưa ra những đề xuất mới? Khi nào Bộ Công Thương đưa ra phương án mới về điều chỉnh giá điện?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó doanh nghiệp Việt Nam không phải là ngoại lệ, đều bị ảnh hưởng. Mặc dù Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng vừa báo cáo đầu phiên họp báo hôm nay rằng kết quả của chúng ta rất khả quan, sự nỗ lực cố gắng của chúng ta trong 9 tháng đầu năm có hiệu quả. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Chín tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu thặng dư ở mức 17 tỷ USD. Xuất khẩu quý III có kết quả tích cực hơn so với dự báo trước đây, các tháng quý III có thể đạt 26,6 tỷ USD, tăng đến 34% so với quý II.
Hiện nay, một số ngành chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất. Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu.
Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh COVID-19 không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.
Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho quý IV và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Có thể thấy rằng khó khăn của các doanh nghiệp sau 9 tháng vẫn còn. Tuy nhiên đã đỡ hơn rất nhiều so với đầu năm. Kết quả thể hiện rõ ở mức tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn rất nhiều khó khăn như những doanh nghiệp liên quan đến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp lữ hành du lịch.
Chúng tôi cũng kỳ vọng đối với ngành du lịch khi Thủ tướng chỉ đạo 3 tháng cuối năm phải đưa ngành du lịch tập trung trở lại ở góc độ thị trường trong nước.
Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã có đánh giá sơ bộ, thể hiện ở ba khía cạnh: Nguồn vốn tín dụng, chính sách tài khoá và hỗ trợ trực tiếp trên ngân sách. Tất cả đều có con số, kết quả cụ thể. Trong đó có phần giải ngân gói hỗ trợ cho đối tượng xã hội và người lao động bị giảm sâu thu nhập…
Các bộ, ngành cũng đang rà soát, báo cáo với Chính phủ, có kiến nghị cụ thể đối với tình hình sắp tới, nếu cần sẽ kiến nghị thêm những chính sách mới. Tuy nhiên, có một điều chúng ta hết sức lưu ý là nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Vừa qua các ngân hàng nhà nước đã có nhiều giải pháp quyết liệt, giảm rất sâu về lãi suất… Chúng ta cũng phải xác định nguồn vốn ngân hàng không phải nguồn vốn cho không, mà là nguồn vốn hoàn trả thị trường… Chín tháng vừa qua mức tăng trưởng tín dụng của chúng ta là 5%. Đây cũng là mức tăng tích cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có thị trường, có nguyên liệu thì mới vay vốn được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ giám sát và báo cáo Chính phủ để có thể có những chính sách mới trong thời gian sắp tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Chủ trương xã hội hoá về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua trong Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định 16, 42, 43 của Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành thông tư về vấn đề này.
Vấn đề xã hội hoá này đã đạt được nhiều thuận lợi, thành tựu, liên quan đến lợi ích của các cơ sở y tế, để tiếp cận được quy trình kỹ thuật cao, giúp cho cơ sở y tế trong điều kiện ngân sách có hạn có thể mở rộng được thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ cao cho người dân. Thầy thuốc cũng là những người thụ hưởng thông qua các thiết bị kỹ thuật cao như robot, nâng cao hoạt động chuyên môn, giúp người dân hạn chế ra nước ngoài điều trị, người dân được thụ hưởng ở mức chi phí không cao.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, thông qua xã hội hoá xảy ra tình trạng nâng giá thiết bị.
Bộ Y tế không phải bây giờ mới có rà soát đề án đầu tư trang thiết bị y tế. Trước đây chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các đề án, Giám đốc các Sở Y tế, người đứng đầu các bệnh viện phải có trách nhiệm khi phê duyệt đề án dịch vụ y tế, công khai đến người dân.
Về vấn đề xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu, Bộ Y tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ năm 2019 xây dựng 2 thông tư về giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Chúng tôi đã xây dựng dự thảo thông tư từ quý I, quý II năm 2019. Tuy nhiên, khi ban hành chúng tôi cũng phải có sự chấp thuận của các bộ, ngành, bên cạnh đó phải phụ thuộc vào giá tiêu dùng, làm sao để không bị ảnh hưởng đến CPI của quốc gia.
Chúng tôi dự định sẽ ban hành Thông tư này sớm nhất để hướng dẫn các đơn vị có trách nhiệm công khai giá dịch vụ theo yêu cầu, tuân thủ theo khung giá của Bộ Y tế.
Gần đây nhất, Bộ Y tế cũng đã thực hiện việc công khai giá trang thiết bị lên Cổng TTĐT Bộ Y tế, giá thuốc, vật tư y tế cũng vậy, để làm kênh thông tin khi tổ chức mua sắm, xã hội hoá. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm công khai giá dịch vụ lên Cổng TTĐT Bộ Y tế. Chúng tôi dự kiến từ tháng 9/2020, hoàn tất vào 31/12/2020, tất cả các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế như vậy.
PV Vũ Viết Tuân (báo điện tử VnExpess): Đề nghị Bộ Công an cho biết, sai phạm của cán bộ Bệnh viện Bạch Mai vừa bị khởi tố là gì và căn cứ để xử lý hình sự trong việc tăng giá bán robot Rosa của Bạch Mai là gì? Bạch Mai có phải là bệnh viện đầu tiên bị điều tra trong việc xã hội hóa thiết bị y tế hoặc robot chữa bệnh hay không? Sau Bạch Mai, cơ quan điều tra có kế hoạch mở rộng đến các bệnh viện khác hay không?
Trước những khó khăn của Ngân hàng Nhà nước thì gần đây Ban IV đã đề xuất kiến nghị miễn đóng phí công đoàn năm 2020. Đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết quan điểm về việc này như nào? Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước gần đây cũng đưa ra con số 29 nghìn tỷ đồng phí công đoàn đã gửi vào 4 ngân hàng có kỳ hạn. Quan điểm của Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc này như thế nào?
Gần đây, người dân phản ánh có kẽ hở trong việc định danh, nhân viên bỏ qua quy trình khiến nhiều người không vay tiền nhưng vẫn mắc nợ ngân hàng. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm về việc này!
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Về định danh của người sử dụng dịch vụ thanh toán, trước hết phải nói những trường hợp báo chí đưa ra có thể là những trường hợp mang tính chất lừa đảo hoặc có sự sơ hở của một số ngân hàng thương mại nên một số đối tượng có được thông tin của khách hàng và lợi dụng để vi phạm. Những trường hợp như vậy khi phát hiện, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xử lý cũng như các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh vi phạm.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trong việc xác định cũng như tạo điều kiện cho định danh khách hàng trong sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, sử dụng dịch vụ thẻ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và xây dựng dự thảo và xin ý kiến của các bộ, ngành về Thông tư thay thế Thông tư 23 ban hành từ 2014. Sẽ cố gắng ban hành sớm trong tháng 10/2020. Tại dự thảo, chúng tôi sẽ kết hợp với cơ quan công an để sử dụng thông tin được lưu trữ trong dữ liệu công dân, và quan trọng nhất là trao quyền cũng như trách nhiệm cho các tổ chức cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán; xác định, đảm bảo được giải pháp về mặt công nghệ, đảm bảo an toàn cho việc định danh của những người tham gia sử dụng những dịch vụ này.
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Liên quan đến vụ Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan điều tra đã trả lời, cung cấp đầy đủ rồi. Tiếp tục như thế nào, có điều tra hay không thì căn cứ tài liệu thu thập được, lời khai của các bị can, cơ quan điều tra sẽ tiến hành mở rộng. Vụ Bạch Mai không phải vụ đầu tiên, chắc chắn không phải vụ cuối cùng. Nếu có chỗ nào vi phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Về đề xuất miễn đóng phí công đoàn năm 2020, thực ra câu hỏi này dành cho Công đoàn. Sáng nay, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Lễ giao trải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, có nói về việc tạm dừng, miễn phí công đoàn năm 2020. Việc miễn này cũng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trước hết là giảm mức phí đóng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư cũng như tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người lao động. Việc sử dụng 29 nghìn tỷ quỹ công đoàn gửi vào ngân hàng có kỳ hạn, đây là việc của công đoàn muốn tăng đầu tư quỹ này để thêm nguồn quay trở lại hỗ trợ người lao động.
Trong thời gian đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến người lao động, người lao động nghỉ việc cũng như người lao động đang làm. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ trực tiếp cho người lao động hàng nghìn tỷ đồng giúp người lao động giảm bớt khó khăn. Đối với ngành LĐTB&XH, thời gian vừa qua cũng luôn theo dõi tình hình người lao động qua gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Bộ LĐTB&XH đã đề xuất Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị quyết 42, trong đó có bổ sung một số đối tượng là các giáo viên của các trường mầm non, trung học phổ thông tư thục, dân lập và một số cơ sở giáo dục đảm bảo chi thường xuyên và một số người khác; giảm bớt điều kiện vay vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, giảm một số điều kiện đối với việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất.
Hiện nay chúng tôi cũng đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết trong thời gian tới, đồng thời thực hiện Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Khi nào có kết quả chính thức chúng tôi sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí.
PV Như Quỳnh (Dân trí): Mới đây Bộ Ngoại giao cho biết có 126 nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trên thế giới có mong muốn chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam. Xin hỏi trong số những tập đoàn này có những tên tuổi nào đáng chú ý? Apple có động thái về việc muốn đầu tư vào Việt Nam, xin hỏi Apple có nằm trong danh sách này không?
Liên quan đến việc tiếp tục mở rộng các chuyến bay quốc tế, xin hỏi sắp tới có những chuyến bay nào tới các thị trường đã được cấp phép?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Về mặt thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 và xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…
Từ đầu năm đến nay, Bộ KH&ĐT đã tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp). Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam, họ đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan toả, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam…
Cùng với chính sách Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, chúng tôi rất kỳ vọng cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hoá việc dịch chuyển của mình.
Về tên của các nhà đầu tư cụ thể, Bộ KH&ĐT xin phép không nêu tên vì lý do bảo mật thông tin cũng như giữ cho các nhà đầu tư trong kế hoạch sắp tới của mình. Đây cũng nhằm thể hiện sự tôn trọng của Việt Nam với các nhà đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Vừa qua Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 đã có nhiều chỉ đạo, gần đây nhất Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan mở các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam tới các nước. Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam.
Với chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với nhà chức trách hàng không của các nước. Chúng ta đều biết việc mở lại các đường bay dựa trên cơ sở phòng chống dịch không phải riêng của Việt Nam mà còn của các nước mà hãng hàng không có thể đến, do đó cần có sự thống nhất chung giữa các quốc gia. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế) về việc mở lại các đường bay này.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc mở các đường bay sẽ theo lộ trình và theo thứ tự ưu tiên. Các nước được ưu tiên sẽ là các địa bàn kiểm soát dịch tốt, cụ thể ở đây là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia…, để có thể trao đổi các chuyến bay trên cơ sở kiểm soát dịch tốt. Hiện tại, với các địa bàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Bộ GTVT có đưa ra phương án 1-2 chuyến bay/tuần, có sự thống nhất giữa các bộ ngành đối với quy định về các đối tượng được bay, cách kiểm dịch cũng như cách ly giao về địa phương.
Theo phân công, Bộ GTVT có nhiệm vụ trao đổi với các nhà chức trách hàng không để kết nối các chuyến bay cũng như thảo luận hướng bay, thống nhất phương thức kiểm dịch của các chuyến bay đến-đi… Việc tổ chức cách ly được giao cho các địa phương thực hiện. Đối với một số vướng mắc nhất định hiện nay, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục kiện toàn lại việc cách ly vì hiện nay tần suất 1-2 chuyến/tuần đang là tương đối lớn đối với khả năng cách ly của các địa phương, cũng như thống nhất về chi phí cách ly của các đơn vị lưu trú tại địa phương.
Như vậy, có thể thấy việc mở thành công các chuyến bay quốc tế đầu tiên sẽ là tiền đề để mở các chuyến bay tiếp theo tới Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan cũng như thống nhất cách bay, công tác cách ly trong thời gian tới.
Xin hỏi Ngân hàng Nhà nước hiện nay chúng ta có bao nhiêu đơn vị trung gian thanh toán được cấp phép và việc các cá nhân tổ chức ký hợp đồng với các trung gian thanh toán thì cần điều kiện gì để tránh tình trạng một số đối tượng xấu lợi dụng trung gian thanh toán này để lừa đảo?
Trong thời gian vừa qua, liên tục phát hiện các vụ buôn bán qua thương mại điện tử, bán hàng giả với số lượng lớn. Mấu chốt là các đơn vị này sử dụng bưu chính và chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng giả hàng lậu, mà đa số đơn vị vận chuyển đi trên đường hầu hết không bị cơ quan chức năng kiểm tra vì đa số các gói hàng được đóng niêm phong kỹ càng. Vô tình các đối tượng xấu lợi dụng hình thức vận chuyển này để buôn lậu. Xin được hỏi trong thời gian tới, có cách quản lý như thế nào hoặc các đơn vị vận chuyển phải có trách nhiệm như thế nào trong phòng chống hàng giả hàng lậu?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Hiện nay, có 37 tổ chức trung gian thanh toán, không phải là ngân hàng, cũng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ là ví điện tử. Để đảm bảo tính bảo mật an ninh trong thanh toán thì Nghị định 101 quy định rất rõ, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin riêng liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật. Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng phải tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện yêu cầu đảm bảo an toàn cũng như bảo mật hệ thống công nghệ thông tin và quy định về an toàn bảo mật cho việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng trên internet.
Thông tư 39 và Thông tư 18, Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã hướng dẫn rất rõ trách nhiệm của các đơn vị trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán này.
Ngân hàng Nhà nước đang rà soát và xây dựng các hành lang pháp lý chặt chẽ và an toàn nhất cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay, vì đây là vấn đề thời gian qua người dân rất quan tâm và cũng rất nhiều trường hợp đã lợi dụng ứng dụng công nghệ để thực hiện sai phạm có tính chất lừa đảo trên mạng.
Đối với các tổ chức tín dụng, chúng tôi cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cũng như chỉ ra những hình thức có thể dễ bị lợi dụng để cảnh báo các đơn vị này. Trong thời gian qua, mặc dù có rất nhiều tổ chức không phải là ngân hàng tham gia cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán này, nhưng cùng các tổ chức kết nối, họ đã có sự phối hợp rất tích cực. Mặc dù vậy, hành lang pháp lý hiện nay vẫn cần tiếp tục phải được hoàn thiện.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo: Bất kỳ ai tham gia vào thương mại điện tử và vận chuyển lưu thông hàng hóa phải chấp hành các quy định pháp luật hiện hành về hàng giả, hàng cấm, hàng lậu.
Trong Luật Bưu chính quy định rất rõ, các doanh nghiệp bưu chính có quyền kiểm tra các kiện hàng trước khi vận chuyển. Hiện nay, có khoảng 500 doanh nghiệp bưu chính tham gia hoạt động này. Ví dụ tại các điểm giao dịch hàng hóa của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, thường xuyên có lực lượng công an cùng với các hệ thống máy soi chiếu. Chỉ còn một số doanh nghiệp nhỏ lẻ chúng ta cũng cần phải quan tâm.
Đặc biệt, gần đây trong lĩnh vực thương mại điện tử, điều đáng quan tâm nhất là bộ phận giao hàng nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát. Hàng lậu, hàng cấm thì có thể kiểm tra phát hiện được ngay, còn hàng giả thì rất khó. Chính vì vậy, trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật, ý thức của người dân rất quan trọng. Trước khi mua hàng, người dân cần phải kiểm tra bằng bất kỳ cách nào. Trong điều kiện hiện nay thì đây là cách tốt nhất, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật.