Mỗi ngày hơn 1.000 người nhập cảnh Hà Nội, hầu hết muốn cách ly trong khu quân đội
– Mỗi ngày hơn 1.000 người nhập cảnh về Hà Nội. Do giá khách sạn còn cao nên đa số những người về trong các chuyến bay thương mại đều làm đơn xin ở lại khu cách ly quân đội.
Ảnh minh họa
Hơn 1000 người về Hà Nội mỗi ngày, nguy cơ dịch bệnh từ những người nhập cảnh
Chiều 8/10, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, đã chủ trì phiên họp trực tuyến Ban chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn của Thành phố.
Báo cáo tại phiên họp, Phó GĐ Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, còn ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về, trong tuần ghi nhận 1 trường hợp dương tính cách ly ngay khi nhập cảnh.
Lũy tích đợt 3 từ ngày 25/7 đến nay, có 44 ca mắc và chưa có ca tử vong. Trong đó, có 11 ca ngoài cộng đồng và 33 ca nhập cảnh. Đến nay, tất cả các trường hợp F1, F2 tại Hà Nội đã hoàn thành việc cách ly y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tiếp tục xét nghiệm PCR cho các trường hợp nhập cảnh, trường hợp nghi ngờ, trường hợp có yếu tố dịch tễ. Kết quả, từ ngày 1-8/10, đã xét nghiệm cho 1.639 trường hợp, 1 dương tính (BN1097), còn lại đều âm tính.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Trong thời gian vừa qua, đã mở lại một số chuyến bay thương mại đưa người Việt Nam ở một số quốc gia về nước và đưa các chuyên gia đến Việt Nam làm việc.
Cùng với tâm lý chủ quan của một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị và thời tiết mùa Đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh là virus phát triển. Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ lan rộng.
“Mỗi 1 ngày có khoảng 4 chuyến bay thương mại với hơn 1.000 người về Hà Nội. Đây là những nguy cơ dịch bệnh lây lan và cách ly những người nhập cảnh là nhiệm vụ hàng đầu” – Ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.
Đại diện huyện Quốc Oai thông tin về một trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính với COVID-19 khi nhập cảnh ở Nhật Bản. Tuy nhiên, khi xét nghiệm PCR lại có kết quả âm tính. Huyện đã rà soát 37 trường hợp tiếp xúc gần và đã xét nghiệm PCR. Đến nay, đã có kết quả 4 trường hợp người nhà đều âm tính, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả và chưa có biểu hiện nào liên quan đến dịch bệnh…
Nhân trường hợp này, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Y tế cần báo cáo Bộ Y tế xem xét lại các quy trình xét nghiệm với các trường hợp xuất cảnh.
“Khi nhận được thông tin người xuất cảnh dương tính với COVID-19, địa phương phải tiến hành rà soát xét nghiệm rất vất vả. Vì vậy, cần phải nghiên cứu các trường hợp đi nước ngoài, các yếu tố liên quan đến dịch bệnh có hay không; cần biện pháp như thế nào phòng ngừa thế nào… Bởi, mỗi trường hợp như vậy kéo theo rất nhiều trường hợp F1 phải đi cách ly tập trung gây lãng phí kinh phí, đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ”, ông Quý nhấn mạnh.
Hầu hết người về Hà Nội muốn cách ly ở khu quân đội
Sau khi nghe các quận huyện báo cáo, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý lưu ý quận Hoàn Kiếm sẽ có nhiều hoạt động như Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, phố đi bộ… Do vậy, Quận cần tiếp tục hạn chế các sự kiện đông người, trừ các sự kiện chính trị xã hội quan trọng.
“Ai đến khu công cộng như ở Hồ Gươm phải đeo khẩu trang, xem xét đặt các điểm bán khẩu trang, tổ chức lực lượng nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Ông Quý nêu một thực tế, đó là vừa qua trong chuyến bay thương mại thử nghiệm về Hà Nội có 89 công dân, trong đó có trẻ em, học sinh, lao động mất việc làm do dịch bệnh, có hoàn cảnh khó khăn trong khi giá khách sạn cách ly ở Hà Nội còn cao (2,6 triệu/ngày đêm chưa kể tiền xét nghiệm), do đó đa số người dân làm đơn xin ở lại khu cách ly quân đội vì ờ đây điều kiện chăm sóc tốt mà chỉ phải chi phí 1,6 triệu/14 ngày.
“Nếu cách ly hết ở khu quân đội thì không đủ chỗ, nhưng cách ly ở khách sạn thì lại khó khăn kinh tế cho người dân. Sở Du lịch cần xem xét rà soát thêm các khu khách sạn bình dân với giá thành hợp lý hơn để phục vụ người dân” – Phó Chủ tịch UBND TP phân tích.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận huyện tiếp tục ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ lây lan dịch bệnh: tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở y tế, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; tăng cường kiểm tra tại trường học nhà máy xi nghiệp, chợ siêu thị, bar, karoke…
Thực hiện nghiêm quy trình về việc đón, tiếp, xét nghiệm, cách ly với người nhập cảnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép…
“Các đơn vị cần tập trung bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng bộ TP, Lễ Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM lấy ý kiến đối với lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ. Trên cơ sở góp ý của các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, cấp phép bay cho các hãng hàng không trong thời gian tới.
Theo đó, dự kiến, hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội các ngày thứ 3, 4, 5, 6 (tổng số tối đa 1.304 ghế) và có 5 chuyến bay hạ cánh TP. HCM vào các ngày thứ 3 (2 chuyến), 4, 5, 6 (tổng số tối đa 1.290 ghế) do Vietnam Airlines và Vietjet Air thực hiện.
Đó là các đường bay Quảng Châu (Trung Quốc) – T.PHCM vẫn do Vietnam Airlines khai thác vào thứ 6 hàng tuần. Đường bay Nhật Bản do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác với 2 chuyến/tuần, đường bay Seoul (Hàn Quốc) đi Hà Nội/TP.HCM 2 chuyến/tuần, đường bay Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đi Hà Nội, TPHCM 2 chuyến/tuần cũng do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác. Đường bay đi Campuchia và Lào tần suất 1 chuyến 1 tuần do Vietnam Airlines khai thác.