Phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
– Quan hệ hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã có nền tảng vững chắc và không ngừng được củng cố trong hơn 45 năm qua. Quan hệ đó không chỉ là quan hệ giữa hai chính phủ, giữa các bộ, ngành ở Trung ương, mà còn lan toả xuống tận các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã nhấn mạnh như trên trong buổi trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ trước thềm chuyến công du của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tới Việt Nam.
Lòng tin chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam vào ngày 18/10. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide kể từ khi ông nhậm chức, cũng giống như trước đây Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên khi ông trở lại làm Thủ tướng năm 2012. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi cho rằng đây đúng là điểm trùng hợp thú vị khi ông Suga Yoshihide quyết định chọn Việt Nam là nước đầu tiên ông đi thăm sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản được 1 tháng. Trước đây ông Abe Shinzo cũng đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên tới thăm vào tháng 1/2013, tức là cũng chỉ trong vòng 1 tháng sau khi lên cầm quyền. Sự trùng hợp thú vị này phản ánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng gần gũi hơn bao giờ hết.
Sự gần gũi, tương đồng này không chỉ ở trong quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, mà còn được phản ánh ở cả cấp độ khu vực và quốc tế khi hai nước cùng chia sẻ những lợi ích và lập trường chung trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như các vấn đề về an ninh khu vực, về tự do hoá thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực và quốc tế…
Chính vì vậy, việc tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide lựa chọn Việt Nam và tiếp đó là Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, không đơn thuần là ngẫu nhiên, mà theo tôi đánh giá đã có sự tính toán kỹ lưỡng.
Thứ nhất, tân Thủ tướng Nhật Bản muốn khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư khi các nước vừa đang ứng phó với đại dịch COVID-19, vừa đang tích cực chuẩn bị cho thời kỳ hậu COVID-19. Chúng ta đều biết là Chính phủ Nhật Bản đang đưa ra những chính sách nhằm đa dạng hoá nguồn cung ứng sản xuất, trong đó Việt Nam và Đông Nam Á cũng là một địa điểm mà nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hướng tới.
Thứ hai, chuyến thăm cũng là dịp để Chính phủ mới của Nhật Bản khẳng định tiếp tục coi trọng vai trò của Đông Nam Á, của ASEAN và Việt Nam trong chính sách đối ngoại của mình nói chung cũng như trong chính sách kết nối Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương mà Nhật Bản đã nêu ra từ năm 2007 đến nay. Việt Nam hiện đang là Chủ tịch của ASEAN, đồng thời lại là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vì thế Việt Nam sẽ là địa điểm lý tưởng để tân Thủ tướng Nhật Bản khẳng định chính sách của mình với khu vực, khẳng định Nhật Bản tiếp tục coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực và cũng hy vọng tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ đưa ra những biện pháp chính sách mới nhằm củng cố quan hệ Nhật Bản-ASEAN và hỗ trợ các sáng kiến kết nối trong ASEAN nói chung, trong tiểu vùng sông Mekong nói riêng, chuẩn bị cho sự tham gia của Nhật Bản tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và các hội nghị liên quan khác vào tháng 11 tới.
Cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư từ Nhật Bản
Khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, theo ông chính sách dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản “hậu COVID-19” sẽ như thế nào và có ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam. Đồng thời các bộ, ngành, địa phương cần có những chính sách gì để đón đầu cơ hội này, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi rất chú ý đến việc Nhật Bản công bố công khai chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng sản xuất của mình, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đại dịch COVID vừa qua khiến nhiều nước giật mình khi thấy chuỗi cung ứng toàn cầu của họ đang ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia và nếu như có sự cố ở quốc gia đó hay trong quan hệ quốc tế thì chuỗi cung ứng sẽ bị ngưng trệ trên phạm vi toàn cầu. Điều này đòi hỏi các nước, trong đó có Nhật Bản, phải xem xét lại và đưa ra những chính sách nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hoá nguồn cung ứng sản xuất của mình, một là trở về Nhật Bản, hai là mở rộng sản xuất ra tại các nước, các khu vực khác nhau. Theo công bố của Jetro vừa qua, trong số 30 công ty đăng ký đa dạng hoá chuỗi cung ứng có tới 15 công ty lựa chọn Việt Nam. Tôi cho rằng số các công ty Nhật Bản muốn lựa chọn Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sẽ còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Đây là tín hiệu tích cực, cũng là cơ hội lớn cho chúng ta và cần có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, cũng như các cấp chính quyền địa phương và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích cực, chủ động trong việc tận dụng cơ hội này.
Tôi còn nhớ, khi tôi còn làm Đại sứ tại Nhật Bản (nhiệm kỳ 2015-2018), Nidec – một tập đoàn lớn chuyên sản xuất các sản phẩm mô tơ công nghệ cao của Nhật đã đầu tư hơn 500 triệu USD xây dựng 7 nhà máy ở TPHCM. Lúc đó ông Chủ tịch tập đoàn muốn mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất ở khu vực và đang có phân vân lựa chọn là Việt Nam hay ở Indonesia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biết chuyện và trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 6/2016, mặc dù lịch trình rất bận rộn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân tới trụ sở của tập đoàn tại vùng Kansai để trao đổi cụ thể với Chủ tịch và Ban lãnh đạo của Tập đoàn. Thủ tướng ta đã cam kết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Nidec. Sau chuyến thăm, Thủ tướng lại tiếp tục chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Kết quả là Tập đoàn Nidec đã đồng ý mở rộng đầu tư giai đoạn 2 với mức vốn ban đầu từ 200 đến 500 triệu USD tại Khu Công nghệ cao Láng-Hoà Lạc. Sự vào cuộc quyết liệt, chủ động từ người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương là hết sức quan trọng. Rõ ràng, chúng ta cần phải bám chắc từng doanh nghiệp, từng tập đoàn để tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của họ để có những thiện chí phù hợp.
Một số chuyên gia cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phản ánh sự tiếp nối chính sách đối ngoại và di sản của cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Xin ông phân tích kỹ hơn về điều này!
Ông Nguyễn Quốc Cường: Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khi nhậm chức có tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách về đối nội và đối ngoại của cựu Thủ tướng Abe Shinzo trước đây. Ông Suga Yoshihide nhấn mạnh duy trì, cải thiện, phát triển quan hệ với các nước láng giềng trong đó có các nước Đông Nam Á. Bản thân chuyến công du lần này tới Đông Nam Á khi chọn Việt Nam là nước đầu tiên cũng chính là tín hiệu về chính sách đối ngoại rất rõ ràng của Nhật Bản. Tân Thủ tướng Nhật Bản cũng nhấn mạnh tiếp tục chiến lược kết nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương tự do, rộng mở. Tôi nghĩ rằng, về cơ bản chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời gian tới sẽ là sự kết nối những chính sách đối ngoại của cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã triển khai trong thời gian qua. Tôi hiểu rằng, mỗi Thủ tướng đều có những điểm nhấn khác nhau, nhưng chính sách thì không chỉ của riêng ngài Thủ tướng mà là của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền. Chuyến đi lần này cho thấy tân Thủ tướng Suga Yoshihide rất coi trọng vai trò của Việt Nam và ASEAN.
Mối quan hệ thủy chung gắn bó ngày càng phát triển
Ông kỳ vọng gì qua chuyến thăm của tân Thủ tướng Nhật Bản đến Việt Nam dịp này?
Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi kỳ vọng rất nhiều vào chuyến đi này của tân Thủ tướng Nhật Bản. Tôi được biết cả 2 bên đều chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi. Vừa rồi tôi có đọc trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về buổi tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói rằng, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để bảo đảm chuyến thăm của tân Thủ tướng Nhật Bản đến Việt Nam thành công. Chắc chắn là cả Nhật Bản và Việt Nam đều mong muốn và nỗ lực hết mình để chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide đạt được nhiều kết quả tích cực.
Khi còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông, ông Suga Yoshihide đã thăm Việt Nam năm 2013. Đến nay cũng đã hơn 7 năm rồi, chắc ông sẽ có dịp tận mắt chứng kiến những đổi thay nhanh chóng của Việt Nam trong 7 năm đó, với nhiều công trình mới được khánh thành nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản như sân bay Nội Bài mở rộng, cầu Nhật Tân và gần đây mới khánh thành cầu dẫn qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối đường vành đai 3 trên cao…
Đây cũng là dịp để lãnh đạo hai nước vừa làm quen, vừa tăng cường sự tin cậy chính trị và cũng là nền tảng quan trọng để lãnh đạo hai nước đưa ra những quyết sách tăng cường hơn nữa mối quan hệ thực chất và hiệu quả giữa hai nước. Chúng ta đều biết, mối quan hệ thân tình giữa Thủ tướng Abe Shinzo trước đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như với các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam là chất xúc tác quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước trong những năm qua. Tôi cũng hy vọng là qua chuyến thăm lần này, mối quan hệ thân tình, tin cậy giữa lãnh đạo hai nước sẽ được tiếp nối và phát triển hơn nữa.
Tôi nghĩ rằng kinh tế, thương mại và đầu tư chắc chắn sẽ là một trọng tâm của chuyến thăm. Chúng ta trông đợi vào những thoả thuận quan trọng giữa lãnh đạo hai nước, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là giữa các doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới, có thể là trong hoặc sau chuyến thăm.
Việc tăng cường phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau ứng phó với đại dịch COVID-19 và các bước chuẩn bị cho hậu dại dịch như việc nối lại giao thương, đi lại và trao đổi giữa nhân dân, lưu học sinh, thực tập sinh và doanh nghiệp hai nước cũng có thể là một nội dung thảo luận và hy vọng là sẽ có những thoả thuận cụ thể.
Một kết quả quan trọng nữa theo tôi hình dung sẽ là thoả thuận tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực, vấn đề biển Đông. Nhật Bản có thể sẽ khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của mình để Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và các Hội nghị liên quan khác vào tháng tới, ủng hộ Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm thành công vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Với những nội dung nêu trên, tôi tin chắc rằng chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sắp tới của tân Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ thành công hết sức tốt đẹp, để ngài Thủ tướng Nhật Bản có những ấn tượng không quên về lòng mến khách và tình cảm chân tình của lãnh đạo và người dân Việt Nam.
Là Đại sứ từng gắn bó với đất nước, con người và nhân dân Nhật Bản, từng được đến và làm việc với nhiều địa phương của đất nước “Mặt trời mọc”, xin ông cho biết điều gì khiến quan hệ hai nước thủy chung gắn bó và ngày càng phát triển hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Cường: Trong thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản tôi đã có dịp đi thăm tất cả 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản, có lẽ là Đại sứ tại Nhật Bản đầu tiên của Việt Nam làm được như vậy để tìm hiểu về nhu cầu phát triển của các địa phương Nhật Bản, tăng cường xúc tiến đầu tư giữa hai bên. Qua những chuyến đi đó, tôi nhận thấy lãnh đạo địa phương và người dân Nhật Bản có sự gắn kết với Việt Nam rất thân tình.
Quan hệ thủy chung gắn bó đó được thể hiện đầu tiên là sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, cùng có lợi giữa Việt Nam và Nhật Bản, là chính sách nhất quán của cả hai phía. Ở Nhật Bản có nhiều đảng phái khác nhau, đảng cầm quyền và các đảng đối lập thường có nhiều ý kiến trái ngược nhau trong nhiều chính sách đối nội và đối ngoại, nhưng họ đều ủng hộ chính sách tăng cường phát triển quan hệ với Việt Nam.
Quan hệ hai nước đã có nền tảng vững chắc và không ngừng được củng cố. Đó chính là những thành tựu phát triển quan hệ mạnh mẽ và hiệu quả trong hơn 45 năm qua như tôi đã phân tích ở trên. Quan hệ đó không chỉ là quan hệ giữa hai Chính phủ, giữa các bộ, ngành ở Trung ương mà đã lan toả xuống đến các địa phương, người dân và doanh nghiệp hai nước.
Thứ hai, sự tương đồng về văn hoá cũng như giao lưu ngày càng mật thiết giữa nhân dân hai nước có vai trò quan trọng để hai nước ngày một gắn bó thân thiết hơn. Với số du học sinh, thực tập sinh Việt Nam ngày càng tăng, lớn hơn cả số du học sinh, thực tập sinh của 9 nước ASEAN khác cộng lại tại Nhật Bản thì Việt Nam sẽ là nước duy nhất ở Đông Nam Á có đông đảo số người, nhất là thế hệ trẻ, biết tiếng Nhật, hiểu về văn hoá Nhật Bản, có nhiều bạn bè và yêu quý đất nước và người dân Nhật Bản. Đây chính là nguồn tài sản vô giá góp phần củng cố quan hệ hai nước, không chỉ ở giai đoạn hiện nay mà sẽ còn cho nhiều thập niên tới nữa.
Thứ ba và theo tôi cũng là điểm quan trọng nhất khiến quan hệ hai nước ngày càng gắn bó và phát triển sâu rộng chính là sự song trùng về lợi ích.
Lãnh đạo Nhật Bản nhiều lần khẳng định một nước Việt Nam ổn định và phát triển thịnh vượng là phù hợp với lợi ích của Nhật Bản. Nhật Bản cũng rất coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế. Trong tầm nhìn về kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương tự do và rộng mở, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực cũng như bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực thì Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung có vị thế địa chính trị hết sức quan trọng bởi 2/3 nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho Nhật Bản đi qua Thái Bình Dương.
Với Việt Nam, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của chúng ta. Nhật Bản đã và đang tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong suốt tiến trình cải cách, đổi mới và phát triển đất nước. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đã công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam, là nước G7 đầu tiên mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng (tháng 5/2016), mời Thủ tướng tham dự Hội nghị G20 (năm 2019). Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản… Nhật Bản cũng luôn ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Về phần mình, Việt Nam cũng ủng hộ Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc duy trì ổn định, hoà bình và phát triển của khu vực và quốc tế, kể cả việc Nhật Bản trở thành Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi cơ quan này tiến hành cải tổ.
Hai nước cũng có sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả. Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nguồn vốn kỹ thuật cao là điều mà Việt Nam đang cần cho sự phát triển của mình. Ngược lại, Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực trong hợp tác với Nhật Bản. Hy vọng qua chuyến đi này có những thỏa thuẩn để 2 nước khôi phục lại giao thương, du lịch, hợp tác về giáo dục, lao động sau dịch COVID-19 vừa qua cũng như thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới.