– Trong tuần, trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng cho các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời công tác tìm kiếm, cứu nạn và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1411/CĐ-TTg ngày 18/10/2020 về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 tỉnh Thừa Thiên Huế và tại Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Quân khu 4 và các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung mọi nguồn lực, phương tiện để cứu hộ cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc tại thủy điện Rào Trăng 3 và các cán bộ, chiến sỹ đang bị vùi lấp tại Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 bảo đảm nhanh nhất, khẩn trương nhất và an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn.
*Tại văn bản 363/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình mưa lũ và xử lý khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung (ngày 19/10/2020) nêu rõ, trong thời gian tới, lũ, bão đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn theo phương châm “4 tại chỗ”; tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, ổn định đời sống người dân với tinh thần là không được để dân đói, không được để dân rét, không để dân không có chỗ ở; tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ; tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn và an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước.
*Để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.
*Còn tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về ứng phó với bão số 8 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng yê cầu các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ cần chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương để tổ chức tốt công tác cứu trợ cho người dân tránh tập trung hỗ trợ ở một vài nơi, trong khi người dân ở những vùng sâu, vùng xa không được quan tâm hỗ trợ đầy đủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 8, chủ động triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm bốn tại chỗ.
* Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định xuất cấp xuồng, phao cứu sinh từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.
* Theo văn bản 8876/VPCP-QHĐP, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Kiên quyết không để dịch bệnh COVID-19 lây lan, bùng phát trở lại
Trong tuần, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản liên quan đến phòng, chống COVID-19. Trong đó, Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 chiều ngày 19/10/2020 nêu rõ, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang cận kề, dịch bệnh tại nhiều nước đang bùng phát trở lại. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, mọi người dân không được chủ quan trong mọi trường hợp, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại ở nước ta nhất là tại trường học, bệnh viện, các đô thị lớn…, tiếp tục quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.
*Cũng trong tuần, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
*Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cụ thể, về nội dung hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, Quyết định 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi khoản 3 Điều 1 về điều kiện hỗ trợ.
Về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, Quyết định 32/2020/QĐ-TTg sửa khoản 1,2 Điều 13 điều kiện vay vốn.
Sử dụng hoá đơn giấy đến 30/6/2022
Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, trong đó quy định doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được sử dụng hoá đơn giấy đến 30/6/2022.
Tiêu chí khai thuế GTGT, thuế TNCN theo quý
Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó quy định tiêu chí khai thuế theo quý đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan
Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Trong đó, đối với vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra, Nghị định quy định phạt tiền từ 8 – 12 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan.
Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan; không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.
Trốn thuế sẽ bị phạt tiền từ 1 – 3 lần số thuế trốn
Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn; trong đó quy định phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.
Quy định mới về khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2020 và thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại.
Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.
Nguồn chinhphu.vn-TT