– Theo Thủ tướng, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Việt Nam được coi là 1 trong những nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Tuy nhiên, Chính phủ và tất cả chúng ta vẫn phải nỗ lực rất nhiều, “bằng cả trái tim và khối óc”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Từ 10 giờ 20 phút sáng 10/11, Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trước hết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn về nhiều vấn đề thời sự, được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận quan tâm.
Qu đó, thể hiện sự trăn trở, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã trực tiếp, nhiều lần trình bày, trả lời các câu hỏi với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và nhân dân.
Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất cho năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 và thời gian tới.
Không chỉ năm 2020, mà ngay từ bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối đầu với những thách thức lớn chưa từng thấy như hạn mặn ở ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, thiên tai, sạt lở đất…, nhưng chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Việt Nam được coi là 1 trong 12 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất. Trong bối cảnh COVID-19, Việt Nam vẫn kiên trì duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.
Giữ chủ động trong bất kỳ tình huống nào
Thủ tướng nhắc lại bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam đối phó dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam cũng hoàn thành tốt các trọng trách như chủ nhà ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…
Chúng ta đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ, tinh thần khởi nghiệp, nhiều ý tưởng táo bạo, sáng tạo độc đáo, vì vậy, chúng ta cần trang bị kỹ năng cần thiết cho thanh niên, tạo nhiều việc làm mới, cần có cơ chế thu hút nhân tài.
Thủ tướng cho biết 6 năm qua chúng ta đã tạo 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp.
Thủ tướng ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người nghỉ hưu trước 1993 và giao Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng phương án bảo đảm nguồn lực, tài chính để thực hiện.
Nhìn lại chặng đường đầy khó khăn, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin về một Việt Nam độc lập, khát vọng, tự cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu áp dụng tái phong tỏa, vì vậy chúng ta không được chủ quan lơ là, đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vaccine…, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội…
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, bão chồng bão, lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống hàng triệu người dân ở miền Trung. Ngay giờ phút này, bão số 12 đang đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Nhiều người dân đã bày tỏ sự cảm động, cảm phục về những cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, lực lượng quân đội, công an, các lực lượng phòng chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… thực hiện kiên quyết phương châm 4 tại chỗ về phòng chống lụt bão. Trong đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an không quản ngại gian khổ, hy sinh quên mình để giúp đỡ nhân dân vượt qua bão lũ. Tình đồng bào đồng chí, thắm thiết đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, truyền thống của dân tộc. Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ, sửa chữa nhà ở, các công trình để nhanh chóng khôi phục đời sống, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội.
Chính phủ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân chủ quan, khách quan qua đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung và sẽ tập trung các giải pháp khắc bất cập hạn chế đối với hồ thủy lợi-thủy điện nhỏ, đẩy mạnh trồng rừng, xử nghiêm các vụ phá rừng, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường năng lực dự báo, ban hành chiến lược ứng phó thiên tai.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn…
Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ trong 5 năm qua đã góp phần làm nên 350 nghìn doanh nghiệp thành lập, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi năm, hàng triệu việc làm tạo ra trên cả nước… Thủ tướng ghi nhận ý kiến của các đại biểu về những bất cập trong cơ chế chính sách, xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm cần quan tâm.
Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn, nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.
Thủ tướng nhắc tới những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra, trong đó có những nạn nhân là những cháu nhỏ chưa kịp học xong bài học trên lớp… Ông bày tỏ trăn trở vì vẫn còn những trẻ em phải đu dây vượt sông tới trường, chèo thuyền đi học…
“Chính phủ và tất cả chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, bằng cả trái tim và khối óc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng làm rõ nhiều vấn đề
Đầu phiên chất vấn sáng 10/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời về việc sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong, việc xử lý phải “bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm”.
Sau khi các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, Quốc hội dành 20 phút cho các đại biểu tranh luận, phát biểu ý kiến về các nội dung trả lời.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời câu hỏi liên quan tới việc xử lý các chủ đầu tư chung cư chiếm đoạt kinh phí bảo trì.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, theo số liệu đến năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư, hơn 90% được quản lý vận hành an toàn, ổn định, gần 10% có tranh chấp và có vấn đề tồn tại, liên quan tới việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm tổ chức ban quản trị, chậm bàn giao phí bảo trì và tranh chấp sử hữu chung-riêng, tranh chấp về một số vấn đề khác…
Nguyên nhân là một số quy định pháp lý còn chưa thật đầy đủ, rõ ràng như cách tính diện tích căn hộ, logia; một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án và chưa quan tâm dịch vụ sau bán hàng. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chưa tuân thủ đúng quy định, chưa rõ ràng. Có tình trạng buông lỏng quản lý. Nhiều ban quản trị chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Những việc này gây ra nhiều bức xúc trên truyền thông và dư luận. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý nhà chung cư. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản, bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính và các địa phương cũng đã có nhiều cố gắng xử lý, Hà Nội đã chuyển nhiều vụ vi phạm cho các cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Đến nay, sau hàng loạt giải pháp, tình hình tranh chấp nhà chung cư đã giảm hẳn, tuy vẫn còn nhưng không còn điểm nóng gây bức xúc.
Giải pháp sắp tới, Bộ đề xuất sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, trong đó có vấn đề kinh phí bảo trì và quản trị nhà chung cư; sửa đổi Nghị định về xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Về câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến (TPHCM) quan điểm về mức lương tối thiểu đảm bảo đời sống cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết trong Bộ luật Lao động 2019 đã có quy định chương tiền lương tối thiểu vùng cho cả 4 vùng, đảm bảo sự thỏa thuận người lao động-quản lý nhà nước-người sử dụng lao động. Các quy định này đã thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương, khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ý kiến của người lao động, DN, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội…
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (tỉnh Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về xã hội hóa lĩnh vực hàng không. Bộ trưởng cho biết hiện tất cả dịch vụ mặt đất, bãi đỗ, cung cấp xăng dầu, suất ăn đều được xã hội hóa. Một số nhà đầu tư đã tham gia xã hội hóa nhà ga hàng không tại sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh nhưng có một số khiếm khuyết liên quan đến các vấn đề pháp luật, cần phải điều chỉnh. Những sân bay mới như Vân Đồn, Lào Cai Bộ GTVT chủ trương xã hội hóa toàn bộ, DN có thể tham gia toàn bộ xây cả nhà ga, đường băng.
Trả lời câu hỏi đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) về ít đầu tư đường cao tốc ở phía nam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đầu tư cao tốc phụ thuộc quy hoạch, mặt bằng, địa chất, hiệu quả dự án, thu hút đầu tư… Thời gian tới chúng ta tập trung đầu tư cho phía nam, đặc biệt khu vực ĐBSCL.
Về câu hỏi của đại biểu liên quan đến hỗ trợ cho các đoàn nghệ thuật truyền thống ngoài công lập (tuồng, chèo, cải lương…), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết hiện nay các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các đơn vị công lập đang chuyển sang tự chủ một phần, nhà nước đặt hàng tác phẩm. Đối với các đơn vị ngoài công lập cũng có chính sách tương tự. Bộ trưởng xác định các sản phẩm nghiệ thuật truyền thống là sản phẩm độc đáo của du lịch Việt Nam và Bộ đã chỉ đạo các DN du lịch đẩy mạnh hoạt động này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời về vấn đề an ninh nước cho vùng cao. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã đã phê duyệt chương trình điều tra cơ bản tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt cho các vùng khan hiếm nước, trên địa bàn 41 tỉnh, 325 vùng được đánh giá, trong đó có Hà Giang và cả các hải đảo.
Ngoài hợp phần điều tra, chương trình còn có hợp phần sử dụng khoa học công nghệ để quản lý, sử dụng nguồn nước . Bộ đã lập được bản đồ các vùng khan hiếm nước, đã cung cấp cho các địa phương để tiến hành khai thác, như trong đợt hạn hán vừa qua ở miền Tây, các dữ liệu này đã được cung cấp, phục vụ việc khai thác nước.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) việc quản lý nội dung, thuế phí đối với các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Bộ trưởng cho biết hiện nay Việt Nam có 35 DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với 14 triệu thuê bao, doanh thu 9.000 tỷ đồng.
Tổng số thuê bao của các nền tảng xuyên biên giới trên mạng Internet có khoảng 1 triệu thuê bao tại Việt Nam và doanh du ước gần 1.000 tỷ đồng. Các DN trong nước cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam trong khi các nền tảng xuyên biên giới có nhiều vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống…
Bộ TT&TT đang trình Chính phủ sửa đổi nghị định về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về thuế để gắn trách nhiệm với các nền tảng xuyên biên giới, và các giải pháp về kỹ thuật nhằm yêu cầu các nền tảng này tuân thủ pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn về giải pháp đầu tư hạ tầng cho ngành thủy sản.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là vấn đề hết sức quan trọng, hết sức có ý nghĩa với ngư dân, góp phần nâng cao chất lượng thủy hải sản, cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho người dân và tránh trú khi có bão, thiên tai. Tuy nhiên, hạ tầng thủy sản còn yếu và chưa đáp ứng được nhu cầu, nhưng cũng như nhu cầu hạ tầng của nhiều ngành khác rất lớn nhưng chưa có nguồn lực để đầu tư, nguyên nhân là do chúng ta phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ nên các cảng cá chưa có đủ kinh phí để làm.
Về giải pháp sắp tới, theo nguyên tắc, định mức phân bổ vốn, Bộ đã dự kiến 170 dự án với số vốn 4.370 tỷ đồng. Với các cảng cá thì các địa phương tham gia phần vốn của mình để xây dựng, còn các nơi tránh trú bão mang tính liên vùng, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi với Bộ NN&PTNT, trong đó xác định hai ưu tiên sắp tới của ngành nông nghiệp là vấn đề an ninh nguồn nước và các nơi tránh trú bão.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh (tỉnh Cà Mau) giải pháp đột phá hạ tầng giao thông ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết qua các tính toán, kế hoạch thì mục tiêu đến năm 2025 ĐBSCL có ít nhất 300 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi, đã bố trí đủ vốn thực hiện. Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào 2025. Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đang tập trung vào 4 trục giao thông dọc, 4 trục ngang, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng ĐBSCL.
Về đề nghị của đại biểu Rơ Chăm Long (tỉnh Kon Tum) về dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Lai-Kon Tum-Bình Định, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết trong điều kiện ngân sách khó khăn, giao thông trong vùng còn khó khăn nên cần nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển với 3 dự án Quốc lộ 19, 24, 25, khi có điều kiện chúng ta sẽ làm cao tốc.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi về vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị. Theo Bộ trưởng, ví dụ, trong tháng 7/2020, chỉ số chất lượng không khí ở một số thành phố ở mức xấu, nhưng các chỉ số chung về ô nhiễm không khí đối với các thành phố là ở mức bình thường, trừ chỉ số về bụi.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, hiện các cơ quan, địa phương đang triển khai. Trong Luật Bảo vệ môi trường lần này cũng đã có đề cập nội dung này. Bộ cũng xem xét ban hành các quy chuẩn về không khí, với các tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu. Chúng ta cũng xây dựng nhiều trạm quan trắc không khí. Bộ trưởng khẳng định, khi Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua thì rất nhiều nội dung sẽ được xử lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi về thất thoát, lãng phí thông qua đấu thầu, đấu giá đất đai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trước hết, trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thì thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cho biết, qua theo dõi thấy rằng, thời gian vừa qua vấn đề thất thoát, thất thu ngân sách nhà nước qua việc giao đất không qua đấu thầu, đấu giá đã xảy ra và chủ yếu là do khi định giá đất thì không sát với giá thị trường. Các địa phương giao cho nhà đầu tư khi đất chưa sạch và nhà đầu tư phải ứng tiền ra để đền bù, trong quá trình sau khi đền bù thì giá cả thay đổi rất lớn thì không được định giá lại.
Qua thanh tra, kiểm tra thì đến nay còn rất nhiều trường hợp như thế đang phải xử lý; trong đó có cả những trường hợp như sau khi cổ phần hóa, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch của các cơ sở do doanh nghiệp quản lý… cũng vẫn đang xảy ra. “Những vấn đề này sẽ được tiếp tục xử lý trong thời gian tới. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như báo cáo với Chính phủ để hoàn thiện cơ chế quản lý, đặc biệt là về đấu thầu, đấu giá cũng như là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết.
Trả lời câu hỏi đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (tỉnh Khánh Hòa) về việc đảm bảo tính độc lập trong xét xử của thẩm phán, hội thẩm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định sự tôn trọng xét xử của tòa án cấp dưới còn việc lúng túng trong áp dụng pháp luật thì tòa án cấp trên hướng dẫn về áp dụng khi có cách hiểu khác nhau về một nội dung luật, hướng dẫn này mang tính tham khảo.
Bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương liên quan đến việc sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong.
Phó Thủ tướng cho biết, đây là một vụ việc mà trước đây Phó Thủ tướng đã có ý kiến phát biểu Quốc hội, trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan tư pháp thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Ngày 14/8/2019, Bộ Công an có văn bản số 465 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về việc điều tra, xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong, nội dung chính là nêu do các Bộ liên quan chưa có văn bản trả lời yêu cầu giám định nên việc xử lý phải chờ theo quy định của pháp luật. Sau đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo Bộ Cong an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, khẩn trương có văn bản gửi cơ quan cảnh sát điều tra về kết luận giám định các vấn đề có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan, theo đó, đã chỉ đạo các cơ quan đánh giá kết quả sản xuất của Thuận Phong, có phải là hàng giả hay không, đây là quá trình chưa chuyển sang giai đoạn tố tụng mà xem xét hành chính, với trách nhiệm của mình, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành đánh giá, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điểu tra. Sau đó, đã chuyển cơ quan điều tra để thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc yêu cầu giám định. Ngày 20/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản 3721 kèm theo kết quả giám định, ngày 3/4/2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung, sau đó Bộ đã ban hành văn bản 3310 kèm theo kết quả giám định bổ sung.
Trước đó, ngày 15/4/2020, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã nhận được kết luận giám định của Bộ Công Thương. Hiện vụ việc đang thuộc trách nhiệm xử lý của các cơ quan tố tụng, việc còn lại, Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với các cơ quan xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về quyết định của mình.
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Hồng Hải (TP. Hải Phòng) về việc tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết dù tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60% nhưng tỷ lệ có chứng chỉ còn thấp. Để khắc phục vấn đề này chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, tay nghề cao để tăng năng suất la động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thời gian tới, ngành LĐTBXH chú trọng phát triển lượng lao động qua đào tạo phù hợp với thông lệ quốc tế, đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ là tiêu chí bắt buộc, phấn đấu mỗi năm tăng 4%, và đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40% đến 45%, tương đương mặt bằng chung các nước phát triển. Trong hoạt động đào tạo nghề cần tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, bồi dưỡng thường xuyên, trang bị cho người lao động kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, ngoại ngữ…
Ngành LĐTBXH cũng cần làm tốt công tác dự báo cung-cầu về thị trường lao động, sắp xếp lại quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, khuyến khích DN sử dụng và trả lương người lao động có chứng chỉ đào tạo, đào tạo lại những lao động trong DN chưa có chứng chỉ…