– Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc và phải thực hiện theo đúng chủ trương, chỉ đạo tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, ngày 18/11, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã tổ chức Hội nghị “Xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp” và “Khai trương Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc và phải thực hiện theo đúng chủ trương, chỉ đạo tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ủy ban với trách nhiệm của mình, sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và thực hiện việc xây dựng chính phủ điện tử của Ủy ban theo Mô hình kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; tăng cường kết nối với doanh nghiệp về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành và đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, nâng cao chất lượng thông tin giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”.
Cơ hội, thách thức của các doanh nghiệp
Những năm gần đây, khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, công cuộc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội như truyền thông đại chúng, y học, khoa học… Chuyển đổi số trở thành cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới phải thực hiện thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, đồng thời giúp các doanh nghiệp trực thuộc nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trên thị trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, với vai trò xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình cho các đơn vị thành viên, sẽ là tác nhân hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Hiện nay, 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đang nắm giữ những nguồn lực lớn và trọng yếu trong nền kinh tế đất nước như: Nông nghiệp, giao thông vận tải và Logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp, đầu tư và kinh doanh tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông… Do đó, việc xây dựng nền kinh tế số quốc gia sẽ được hiện thực hóa nếu đẩy mạnh chuyển đổi số ở các Tập đoàn, Tổng công ty này.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh đã xác định 2 vai trò chính của cácdoanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Thứ nhất, các Tập đoàn, Tổng công ty phải nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số và khẳng định vai trò dẫn dắt của mình trong chuyển đổi số nền kinh tế. Thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ trực thuộc Ủy ban phải thực hiện chuyển đổi số cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương và các doanh nghiệp khác (trong đó có các doanh nghiệp thuộc Ủy ban).
Đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế
Cùng với đó, Ủy ban đã đặt ra những định hướng chuyển đối số trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao nhận thức và quyết tâm về việc chuyển đổi số. “Đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế, nếu đi chậm, đi sau thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và mất thị trường” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về năng lực số, hạ tầng số, phát triển sản phẩm giải pháp số theo lĩnh vực cũng như xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cao; trong đó, xác định rõ các định hướng chủ yếu.
Thứ nhất, chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.Muốn vậy doanh nghiệp phải coi khách hàng, người dân là trung tâm để phục vụ tốt hơn;qua đó, mở rộng được thị trường, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, các Tập đoàn, Tổng công ty trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 phải có nội dung về thực hiện chuyển đổi số, xác định rõ các nhiệm vụ và kinh phí thực hiện, phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số của Công ty Mẹ, cơ quan đầu não doanh nghiệp, từ đó tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong toàn bộ các đơn vị thuộc Tập đoàn, Tổng công ty.
Tăng cường triển khai nền tảng dùng chung nhằm tối ưu chi phí đầu tư, đẩy nhanh quá trình triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Ủy ban và của cácTập đoàn, Tổng công ty. Nếu như con người và quy trình gắn với đặc thù của doanh nghiệp thì chúng ta có thể bắt đầu nền tảng dùng chung ở lĩnh vực hạ tầng, nền tảng, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng.
Ngoài ra, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng được xác định là vấn đề then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh được gắn liền với số hóa thì an ninh mạng được ví như sinh mạng của mỗi doanh nghiệp.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty đã trình bày thực trạng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Trong đó, những khó khăn, bất cập, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đánh giá cao nỗ lực của các Tập đoàn, Tổng công ty trong việc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, cũng lưu ý lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị cần nâng cao hơn nữa nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số và nâng cao vai trò của người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức mình phụ trách.
“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban sẽ hỗ trợ cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhưng cũng sẽ gia tăng các yêu cầu và áp lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp theo đúng quy định, chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” – đại diện lãnh đạo Ủy ban khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long đã khẳng định, đối với VNPT, những năm tới chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn quyết định số mệnh của VNPT. Chúng tôi xác định trước khi muốn đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi nền kinh tế số thì bản thân VNPT phải chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Chúng tôi đặt mục tiêu VNPT phải giữ vai trò chủ đạo trong cách mạng số tại Việt Nam. Nghĩa là, VNPT phải tham gia với vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam, trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam và hướng ra phạm vi toàn cầu.
Theo ông Phạm Đức Long, trong suốt thời gian vừa qua, tập đoàn VNPT được vinh dự tham gia vào các dự án chuyển đổi số trọng điểm của Chính phủ, và các doanh nghiệp. Cụ thể, cuối năm 2018, VNPT được giao nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia, đến nay đã có khoảng hơn 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính. Sau thành công này, VNPT tiếp tục được Chính phủ giao trọng trách xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Ra mắt cuối năm 2019, chỉ sau 8 tháng vận hành, Cổng DVCQG đã phát triển nhanh chóng từ 8 lên đến trên 2100 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, ước tính chi phí tiết kiệm cho toàn xã hội tới hơn 6.700 tỷ đồng mỗi năm. Gần đây nhất, hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được VPCP ra mắt. Hệ thống được coi là điểm nhấn quan trọng, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số.
Bên cạnh đó VNPT cũng tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số tại các địa phương thông qua việc triển khai các ứng dụng cho Đô thị thông minh ở các lĩnh vực như IOC, Y tế, Giáo dục … Ở khối doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang coi VNPT không chỉ là đối tác cung cấp giải pháp hạ tầng số, mà còn là đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp, từ hạ tầng số đến các giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp, tối ưu trải nghiệm khách hàng và các nền tảng công nghệ cao như AI, IoT, Big Data để giải quyết các bài toán chuyển đổi số cụ thể tại từng doanh nghiệp.
Được biết, tại Hội nghị, Ủy ban đã chính thức khai trương “Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hệ thống do Trung tâm Thông tin thuộc Ủy ban phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và phát triển. Trục được xây dựng theo định hướng mô hình mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, kết nối vào “Trục liên thông văn bản quốc gia”. 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thông qua Trục liên thông văn bản Ủy ban để kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; qua đó, liên thông với Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành 4 cấp hành chính trên quy mô toàn quốc.
Hệ thống này sẽ giải quyết được bài toán gửi nhận văn bản, đặc biệt là công việc điều hành điện tử xuyên suốt giữa Ủy ban, các Vụ, đơn vị và doanh nghiệptrực thuộc. Qua đó, tiết kiệm ngân sách, rút ngắn thời gian lưu chuyển văn bản, giảm chi phí hành chính, tạo tác động lan tỏa đối với các Tập đoàn, Tổng công ty trong đẩy mạnhứng dụng công nghệ vào xây dựng văn phòng không giấy tờ. Tập đoàn VNPT cũng là đơn vị xây dựng hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, nền tảng quan trọng của Chính phủ điện tử. Thành quả này tiếp tục khẳng định sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp nhà nước với vai trò tiên phong trong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Nguồn VnMedia-TT