VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021

    – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1 và 6,46% trong Kịch bản 2.
   Ảnh minh họa.
   Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, năm 2020 chứng kiến nhiều biến động của kinh tế Việt Nam. Diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 đòi hỏi Việt Nam, giống như các quốc gia khác, phải thực hiện những biện pháp phòng chống chưa từng có tiền lệ (giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới…).
Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các biện pháp này đã đóng góp đáng kể vào thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch, song cũng kéo theo hệ lụy không nhỏ đối với nền kinh tế. Việc phát triển vắc-xin COVID-19 cũng chuyển biến nhanh ở bình diện toàn cầu, dù còn lo ngại về khả năng tiếp cận.
Trong bối cảnh ấy, công tác chỉ đạo và điều hành năm 2020 của Chính phủ đã thể hiện những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, song kiên định với “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch hiệu quả và hỗ trợ, vừa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã trình bày Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021. Theo đó, tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020, số liệu tăng trưởng 6 tháng cuối năm đã cho thấy sự phục hồi đáng kể so với 6 tháng đầu năm. Kết quả tăng trưởng của Việt Nam ít nhiều được đánh giá khá tích cực.
Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo được từng bước hoàn thiện, tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Những khó khăn trên diện rộng của khu vực doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tình hình lao động-việc làm, đặc biệt sau làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19. Dù tương đối ít doanh nghiệp phải sa thải lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải giảm lương và giờ làm.
Tác động của dịch COVID-19 đã làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Năng suất và chất lượng lao động trong toàn nền kinh tế có xu hướng cải thiện, tuy chưa thực sự rõ ràng.
Lạm phát có xu hướng ổn định hơn trong 6 tháng cuối năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân đạt 2,31% trong năm 2020. Tốc độ tăng CPI bị kiềm chế chủ yếu bởi giảm cầu do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nhiều tháng liên tục và các chính sách hỗ trợ, ứng phó của Chính phủ. Áp lực tăng đối với CPI trong 6 tháng cuối năm 2020 xuất phát từ một số nhóm hàng dịch vụ như giáo dục, giao thông.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1, và 6,46% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đưa ra diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro; dịch COVID-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo; việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; CMCN 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam; khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư – kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài…

Nguồn VNMedia-TT