Vaccine AstraZeneca là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Đây là vaccine do Cty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Hiện vaccine này đã được cấp phép lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Dự kiến ngày 28.2, lô vaccine đầu tiên gồm 204.000 liều sẽ về đến Việt Nam. Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vaccine AstraZeneca của COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam.
Reuters dẫn dữ liệu nghiên cứu mới nhất cho biết, vaccine của AstraZeneca-Oxford đạt hiệu quả 76% trong ngăn ngừa COVID-19 trong vòng từ 22 đến 90 ngày sau khi tiêm một liều duy nhất. Trước đó, dữ liệu tạm thời cho thấy, hiệu quả của vaccine này là 70,4%. So sánh với hiệu quả đạt tới 95% của loại vaccine hai liều từ Pfizer-BioNTech, vaccine của AstraZeneca có phần khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, giới chức y tế toàn cầu đã lên tiếng bênh vực vaccine của AstraZeneca, cho rằng còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì và vaccine này sẽ góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Vaccine AstraZeneca đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở nhiều quốc gia, gần đây nhất, ngày 15.2, WHO cho biết đã đưa vaccine AstraZeneca vào danh sách sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu, trở thành vaccine thứ 2 được phê duyệt sau Pfizer-BioNTech hồi tháng 12.2020.
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca được phát triển dựa trên công nghệ “vector virus”, theo đó một loại virus gây cảm cúm thông thường ở loài tinh tinh được làm cho suy yếu có tác dụng đưa ra các chỉ dẫn di truyền đến các tế bào con người, giúp chống lại virus SARS-CoV-2. Về mặt giá cả, AstraZeneca cam kết, vaccine của hãng sẽ được bán không lợi nhuận với giá chỉ vài USD một liều. Điều kiện lưu trữ cũng là một trong những ưu điểm nổi bật của vaccine AstraZeneca khi chỉ cần bảo quản bằng tủ lạnh thông thường.
Với ưu điểm giá thành rẻ, dễ dàng bảo quản và vận chuyển, vaccine AstraZeneca được đánh giá tốt hơn về độ phù hợp với những quốc gia đang phát triển. Ngoài Việt Nam, vaccine của AstraZeneca-Oxford đã được một loạt nước ký thỏa thuận mua, gồm Australia, Brazil, Canada, Chile, Ecuador, EU, Pháp, Đức, Ấn Độ, Israel, Italia, Nhật Bản, Malaysia, Morocco, Hà Lan, Panama, Philippines, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ… Đáng chú ý, vaccine COVID-19 của AstraZeneca cũng chiếm tỉ lệ lớn về liều lượng trong chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, với hơn 330 triệu liều sẽ được triển khai cho các nước nghèo từ cuối tháng 2.
Vaccine của Pfizer-BioNTech
Vaccine hai liều của Pfizer-BioNTech có hiệu quả đạt tới 95%, sử dụng công nghệ mới mRNA để ngăn ngừa virus và phải bảo quản lạnh sâu ở nhiệt độ âm 70 độ C. Bảo quản và vận chuyển vaccine Pfizer-BioNTech là một thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia phát triển. Tuy nhiên, vaccine của Pfizer-BioNTech là một trong số những vaccine hàng đầu được nhiều quốc gia phê duyệt sử dụng khẩn cấp và đặt mua hơn cả. Các quốc gia đã có đơn đặt hàng trước với vaccine này bao gồm: Bahrain, Canada, Chile, Dubai, Ecuador, EU, Đức, Israel, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, Panama, Peru, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ… Vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech được sử dụng cho những người ở độ tuổi từ 16 trở lên, trong khi vaccine AstraZeneca có thể sử dụng với đối tượng trên 18 tuổi.
Vaccine Sputnik V
Theo TASS, Nga đang đàm phán với khoảng 50 quốc gia về việc cung cấp vaccine COVID-19 Sputnik V – vaccine COVID-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới. Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Pankin cho biết, vaccine Sputnik V an toàn và hiệu quả cao đang được sử dụng ở Nga trên quy mô lớn và đã được cấp phép sử dụng ở 26 quốc gia. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine Sputnik V của Nga có hiệu quả 91,6%, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỉ lệ này là 91,8%. Trong khi đó, 98% tình nguyện viên xuất hiện kháng thể sau khi được chủng ngừa Sputnik V. Vaccine này của Nga nằm trong top 3 vaccine được phê duyệt sử dụng nhiều nhất trên thế giới, sau Pfizer và AstraZeneca.