VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

TIn vắn quốc tế ngày 18/3/2021.

    Australia triển khai gói đầu tư hơn 385 triệu USD hỗ trợ ASEAN phục hồi; Mỹ – Hàn cảnh báo thách thức “chưa từng có” từ Trung Quốc; Châu Âu có sai lầm khi dừng tiêm vaccine AstraZeneca?; Ông Biden “nặng lời” với ông Putin, Nga khẩn cấp triệu hồi đại sứ; 5 ngân hàng lớn của Mỹ như ‘con thiêu thân’ lao vào Trung Quốc; Một ngày, thế giới có thêm hơn nửa triệu người nhiễm COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Australia triển khai gói đầu tư hơn 385 triệu USD hỗ trợ ASEAN phục hồi
     Australia – ASEAN thống nhất tập trung thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại, đầu tư…
Ngày 17/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã cùng các Trưởng SOM ASEAN và Thứ trưởng Ngoại giao Australia tham dự Diễn đàn ASEAN – Australia lần thứ 33 theo hình thức trực tuyến.
Là đối tác đầu tiên của ASEAN (lập quan hệ từ 1974), Australia luôn là một trong các Đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. Với chính sách nhất quán coi trọng quan hệ với ASEAN, Australia ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tham gia đóng góp xây dựng vào các tiến trình đối thoại và hợp tác do ASEAN chủ trì ở khu vực.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí nâng tần suất họp Cấp cao ASEAN – Australia lên thường niên, đưa Australia thành Đối tác thứ 7 duy trì họp Cấp cao hàng năm với ASEAN.
Tại diễn đàn hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Justin Hayhurst tái khẳng định cam kết Australia về việc tăng cường quan hệ với ASEAN.
Australia thông báo triển khai gói đầu tư trị giá 500 triệu AUD (hơn 385 triệu USD) được Thủ tướng Australia công bố dịp Cấp cao ASEAN – Australia (11/2020) hỗ trợ phục hồi toàn diện ở khu vực.
Nước này cũng tài trợ 1 triệu AUD giúp ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể; hỗ trợ 1 triệu AUD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và 21 triệu AUD cho Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh nhiễm mới nổi (ACPHEED).
Các nước ASEAN hoan nghênh cam kết và hợp tác hiệu quả của Australia, hoan nghênh Australia tích cực tham gia và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác duy trì ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức nổi lên.
Mỹ – Hàn cảnh báo thách thức “chưa từng có” từ Trung Quốc
(DTO) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định liên minh với Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với những thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên.
“Trước những thách thức chưa từng có từ Triều Tiên và Trung Quốc, liên minh Mỹ – Hàn chưa bao giờ quan trọng như vậy”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại cuộc hội đàm đầu tiên với người đồng cấp Hàn Quốc Suh Wook ở Seoul ngày 17/3.
Ông Austin khẳng định liên minh Mỹ – Hàn là trụ cột cho an ninh, hòa bình, thịnh vượng của khu vực Đông Bắc Á.
“Tôi có mặt ở đây để tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc bảo vệ Hàn Quốc. Cả hai nhất trí rằng sự sẵn sàng về quân sự luôn là ưu tiên hàng đầu, và cùng nhau đảm bảo rằng chúng ta sẵn sàng chiến đấu ngay đêm nay nếu cần thiết”, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hai Bộ trưởng cũng nhất trí về tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 17/3 cũng có cuộc họp với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong. Ông Blinken cho biết Mỹ sẽ hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác để phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
“Chúng tôi muốn đạt được tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, về quyền con người, dân chủ và luật pháp”, ông Blinken.
Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc trong các vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, cũng như yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ, Hàn Quốc sẽ có cuộc hội đàm theo hình thức 2+2 trong ngày 18/3. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ cũng có cuộc gặp với những người đồng cấp Nhật Bản và ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc.
Các Bộ trưởng chỉ trích hành vi “cưỡng ép và gây hấn” của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, đồng thời khẳng định các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông đã “vi phạm luật pháp quốc tế”. Các Bộ trưởng cho rằng hành vi của Trung Quốc không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hành, tạo ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ.
Châu Âu có sai lầm khi dừng tiêm vaccine AstraZeneca?
Việc triển khai vaccine Covid-19 AstraZeneca đã bị gián đoạn ở nhiều nước Tây Âu. Động thái này đi ngược lại lời khuyên của các cơ quan y tế toàn cầu.
Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và hơn mười quốc gia khác đã tạm dừng triển khai tiêm vaccine AstraZeneca.
Chính phủ gọi động thái này là biện pháp phòng ngừa sau những lo ngại rằng vaccine có thể gây ra các trường hợp đông máu.
Tuy nhiên, quyết định này khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên, đồng thời gây ra vô số nghi ngại trong nhóm người đã hoặc đang xếp hàng để tiêm.
Một số chuyên gia cho biết các trường hợp đông máu được báo cáo là rất hiếm, trong khi vaccine đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm các trường hợp mắc bệnh Covid-19.
“Ngay lúc này, tôi không thấy có bất cứ lý do gì để các nước ngừng tiêm vaccine AstraZeneca”, nhà nghiên cứu cấp cao về Y tế Toàn cầu tại Đại học Southampton Michael Head nói.
Ông Head nhận định: “Vaccine này giúp bảo vệ người dân chống lại đại dịch.Vì vậy, việc tạm dừng chiến dịch tiêm chủng mà không có lý do chính đáng vào thời điểm này dường như là động thái tồi tệ”.
Lợi ích lớn hơn rủi ro
Ngày 11/3, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca sau khi có báo cáo về tình trạng máu đông ở một số bệnh nhận. Trong số đó, một trường hợp nặng đã tử vong.
Na Uy ngay sau đó cũng đưa ra các báo cáo về 3 trường hợp đông máu. Tuy nhiên, những sự cố này chưa được xác nhận là có liên quan đến vaccine.
Sau vụ việc, nhiều nước Tây Âu đã ngừng sử dụng loại vaccine này. Chính phủ các nước thông báo người dân rằng quyết định thể hiện tính thận trọng trong khi chờ Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) xem xét vụ việc. Cơ quan này dự kiến họp vào ngày 18/3.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phân tích các báo cáo về những trường hợp liên quan đến đông máu vào 16/3.
Tuy nhiên, đến nay, cả hai cơ quan đều cho biết không có bằng chứng về mối liên hệ với quá trình đông máu. Cơ quan EMA còn nhấn mạnh thêm lợi ích của vaccine lớn hơn những rủi ro mà nó có thể đem tới.
Theo các chuyên gia y tế, những sự cố được báo cáo chưa đủ để gây ra lo ngại. Hiệp hội Quốc tế về Huyết khối và Rối loạn đông máu (ISTH) đã khuyến cáo rằng tất cả người trưởng thành đủ điều kiện nên tiếp tục tiêm vaccine Covid-19.
Tổ chức này nhận định: “Dựa trên tất cả dữ liệu, ISTH tin rằng lợi ích của việc tiêm chủng COVID-19 vượt trội hơn hẳn so với những biến chứng tiềm ẩn, kể cả đối với bệnh nhân có tiền sử đông máu hoặc người đang dùng thuốc làm loãng máu”.
Trên thực tế, những trường hợp đông máu được báo cáo ở người đã tiêm chủng cũng rất ít. Sau khi triển khai tiêm chủng 1,7 triệu liều AstraZeneca, Đức chỉ phát hiện ra 7 trường hợp đông máu.
Cơ quan Dược phẩm Na Uy cho biết 3 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện cho thấy “các triệu chứng bệnh hiếm gặp”. Những bệnh nhân này có số lượng tiểu cầu trong máu thấp bất thường. Điều đó có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng.
Ông Biden “nặng lời” với ông Putin, Nga khẩn cấp triệu hồi đại sứ
Dân trí Moscow triệu hồi đại sứ tại Mỹ để tham vấn về tương lai quan hệ Nga – Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói người đồng cấp Vladimir Putin sẽ phải “trả giá” vì cáo buộc can thiệp bầu cử.
Trong thông cáo ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu hồi đại sứ Anatoly Antonov trở về nước để thảo luận tương lai mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Thông cáo nhấn mạnh, động thái này nhằm đảm bảo tránh kịch bản quan hệ song phương Nga – Mỹ suy giảm đến mức không thể cứu vãn.
“Mục đích chính của chúng tôi là xác định phương cách để có thể cải thiện mối quan hệ mà Washington đã khiến nó đi vào ngõ cụt những năm gần đây”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong thông cáo phát đi.
Bà Zakharova nói thêm: “Chúng tôi mong muốn ngăn chặn quan hệ song phương suy thoái đến mức không thể cứu vãn nếu như người Mỹ nhận ra những rủi ro liên quan”.
Động thái trên của Nga diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cảnh báo cứng rắn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin liên quan đến cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2020. “Ông ấy (Putin) sẽ phải trả giá. Các bạn sẽ sớm thấy điều đó”, Tổng thống Biden nói trong cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 17/3.
Văn phòng Giám đốc tình báo Mỹ hồi đầu tuần công bố báo cáo dài 15 trang, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Báo cáo cáo buộc rằng, Tổng thống Putin “có thể đã chỉ đạo” chiến dịch nhằm gây tổn hại cho hoạt động tranh cử của ông Biden, mặt khác tạo thuận lợi cho ông Donald Trump và theo đuổi một chiến dịch “lan truyền thông tin sai lệch” nhằm làm suy yếu niềm tin của dư luận vào hệ thống bầu cử Mỹ. Giới quan sát cho rằng, cáo buộc này có thể mở đường cho việc chính quyền ông Biden công bố trừng phạt Nga vào tuần tới. Nga đã lên tiếng bác bỏ, cho rằng đây là những cáo buộc “vô căn cứ”, “sai sự thật”.
5 ngân hàng lớn của Mỹ như ‘con thiêu thân’ lao vào Trung Quốc
Năm ngoái, bất chấp căng thẳng giữa chính quyền Washington và Bắc Kinh, Goldman Sachs cùng 4 ngân hàng lớn khác của Mỹ vẫn như “con thiêu thân” lao vào thị trường Trung Quốc. Tổng giá trị tài sản chịu rủi ro của 5 ông lớn này tại Trung Quốc đạt gần 78 tỷ USD.
Thị trường tài chính Trung Quốc hứa hẹn mang lại hàng tỷ USD lợi nhuận từ mảng đầu tư và quản lý tài sản và do vậy có sức hút đặc biệt lớn đối với các ngân hàng hàng đầu thế giới. Các ngân hàng lớn của nước Mỹ cũng không nằm ngoài lực hút đó.
Trong năm 2020, tổng giá trị tài sản chịu rủi ro tại thị trường Trung Quốc của 5 ngân hàng hàng đầu nước Mỹ gồm Goldman Sachs, Citigroup, JPMorgan Chase, Bank of America và Morgan Stanley đạt 77,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2019.
Các ngân hàng châu Âu cũng tăng cường đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. HSBC Holdings (Anh) ngày càng muốn gắn bó tương lai với châu Á và dự định đầu tư ít nhất 6 tỷ USD vào khu vực này.
*** Một ngày, thế giới có thêm hơn nửa triệu người nhiễm COVID-19
   (ĐCSVN) – Đến sáng 18/3, thế giới có tổng số 121.803.630 ca nhiễm và 2.691.809 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 528.507 và 9.709 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 18/3, đã có 98.198.310 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 20.913.511 ca bệnh đang điều trị, có 20.824.640 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 88.871 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 90.830 ca nhiễm, Brazil tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (62.794 ca) và Pháp (38.501 ca). Đồng thời, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 2.736 ca, sau đó là Mỹ (1.288 ca) và Italy (431 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 36.779.236 ca, trong đó có 866.467 ca tử vong và 26.006.075 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 206.486 ca nhiễm và 3.558 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Anh, Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.418.436; 4.274.579 và 4.146.609 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 125.831 ca, sau khi có thêm 141 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (103.432 ca) và Pháp (91.437 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 72.252 ca nhiễm COVID-19 và 1.577 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 34.813.403 và 795.907 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 30.294.798 ca nhiễm và 550.649 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.169.007 và 919.239 ca nhiễm, cùng 195.119 và 22.554 ca tử vong vì COVID-19.
Với 26.478.020 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 18/3, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 412.671 ca đã tử vong do COVID-19 và 24.731.524 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 11.474.302; 2.930.554 và 1.771.115 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 159.250; 29.696 và 61.492 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 124.874 ca nhiễm và 3.403 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 19.584.191 ca và 506.760 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 90.830 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 11.700.431 vào thời điểm hiện tại, và 2.736 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 285.136 ca.
Tính đến sáng 18/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.095.103 ca, trong đó có 108.885 ca tử vong và 3.664.665 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.532.497 ca nhiễm và 51.634 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.531 ca nhiễm và 74 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 490.088 và 243.439 ca nhiễm bệnh cùng 8.745 và 8.463 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 52.956 ca nhiễm (tăng 52 ca) và 1.104 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 17 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.154 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Trong bối cảnh các quốc gia đang tăng cường triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, Ủy viên Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton vừa tuyên bố đánh giá cao vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga và kêu gọi sản xuất vaccine này tại Liên minh châu Âu.
Bên cạnh đó, nhằm giúp khôi phục hoạt động tự do di chuyển cho công dân, Liên minh châu Âu ngày 17/3 công bố kế hoạch cấp chứng nhận số về an toàn đi lại cho những công dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19.
Iceland từ ngày 18/3 cũng sẽ mở cửa biên giới cho toàn bộ du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà không cần phải trải qua xét nghiệm hoặc cách ly bắt buộc. Việc làm này của Iceland nhằm thu hút thêm khách du lịch để giúp phục hồi nền kinh tế vốn chịu tác động của dịch COVID-19./.
Tổng hợp-TT