VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Doanh nghiệp cần quan hệ mới có tài liệu và câu chuyện “tỉnh mở, sở thắt”

    Có tới 57,4% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương…

Doanh nghiệp cần quan hệ mới có tài liệu và câu chuyện tỉnh mở, sở thắt - 1

  Ảnh minh họa
Ngày 15/4, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 đã được công bố dựa trên số liệu khảo sát 12.300 doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một thông tin không mấy vui là chỉ số tính minh bạch của nhiều địa phương đã giảm mạnh trong năm 2020.
Cụ thể, việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh và văn bản pháp lý lần lượt chỉ ở mức 2,54 điểm và 3,03 điểm trên thang điểm 5, chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước đó. Chất lượng thông tin trên website chính quyền các tỉnh năm 2020 chỉ ở mức 34,5 điểm trên thang điểm 50. Số doanh nghiệp được chính quyền cung cấp thông tin giảm từ 71,4% (năm 2017) xuống còn 56,3%.
Một chỉ số rất đáng lưu tâm là có tới 57,4% doanh nghiệp được điều tra phản ánh “cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương”. Các tài liệu thuộc diện khó tiếp cận theo phản ánh của doanh nghiệp bao gồm quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư công, tài liệu ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới và chính sách ưu đãi đầu tư…
CPI là thước đo hành động của chính quyền góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Kết quả chỉ số PCI cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn đang bị “xử ép” bằng một số chính sách. Cụ thể, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI.
Rõ ràng, với những “phàn nàn” của các doanh nghiệp về tính minh bạch thông tin của chính quyền các địa phương thì việc “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” xem ra vẫn chưa thể như kỳ vọng. Và đương nhiên, với sự nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tư nhân từ thông tin đến các chính sách cho thấy, chính quyền địa phương chưa nhận ra được trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình đối với sự thành, bại của các doanh nghiệp.
Trong chiến lược phát triển kinh tế, Đảng luôn xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang kiên trì thực hiện, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định khi khu vực này chiếm đến trên 40% GDP và hứa hẹn sẽ là động lực bứt phá đưa kinh tế nước ta hội nhập quốc tế.
Phát triển kinh tế tư nhân, ngoài các chính sách của Trung ương rất cần được tiếp sức từ chính quyền các địa phương. Đương nhiên, các địa phương cũng phải nhìn nhận đúng vai trò của lĩnh vực kinh tế tư nhân trong việc phát triển kinh tế – xã hội của mình.
Nỗ lực cải cách hành chính để thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy lĩnh vực này bằng nhiều chính sách hỗ trợ là điều các địa phương đang triển khai. Thế nhưng, khi doanh nghiệp vẫn phải có “quan hệ” mới lấy được tài liệu thì rõ ràng hiện tượng “tỉnh mở, sở thắt, cán bộ hành” vẫn đang hết sức nhức nhối, khiến nỗ lực cải cách hành chính chưa thể phát huy hiệu quả.
Lắng nghe, điều chỉnh chính sách phù hợp, công khai minh bạch thông tin để doanh nghiệp có thể tiếp cận là điều hết sức cần thiết. Khi tiếp cận được thông tin, các doanh nghiệp mới có thể hoạch định chiến lược phát triển dài hạn, từ đó có thể đóng góp được hiệu quả hơn vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương và cả nước.
Nguồn DTO-TT