VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Covid làm thiếu hụt trầm trọng nhân lực quản lý, chuyên gia nước ngoài

    Trong hơn 100.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, số người giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8%, riêng chuyên gia chiếm tới 58%. Do đó Covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ các dự án…
    Ảnh minh họa – TTXVN.
Báo cáo mới nhất về tình hình quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết tháng 3/2021, cả nước có 101.550 lao động nước ngoài đang làm việc.
Trong đó, số người giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và chuyên gia với 58%… Số lao động thuộc diện được cấp phép lao động mới hoặc cấp lại chiếm tới hơn 93%.
Người lao động nước ngoài đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Số lao động này chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn hoặc các địa phương có dự án lớn với nhiều nhà thầu nước ngoài thi công như: Hà Nội với hơn 4.400 người, Bắc Giang hơn 4.600 người, Long An hơn 5.600 người, Tp.HCM hơn 27.000 người…
Ảnh hưởng của Covid-19 khiến hầu hết lao động mà các doanh nghiệp đang thiếu hụt là vị trí nhà quản lý, chuyên gia dự án ở các công trình trọng điểm. Tình hình trên tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình, dự án trọng điểm, cấp thiết.
Kết quả khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình lao động nước ngoài có nhu cầu trở lại làm việc trong giai đoạn phòng chống Covid-19 cho thấy, hầu hết lao động mà các doanh nghiệp đang thiếu hụt là vị trí nhà quản lý, chuyên gia dự án ở các công trình trọng điểm.
Bộ này nhận định, tình hình trên tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình, dự án trọng điểm, cấp thiết. Ngoài ra, sự thiếu hụt các vị trí trên sẽ dẫn đến việc bị ngưng việc, giãn việc ở một số vị trí khác trong doanh nghiệp, tác động tới nhiều ngành và lĩnh vực ở những công trình, dự án liên quan.
Trước đó, trong năm 2020, tổng số nhu cầu của các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đề nghị ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là hơn 20.000 lao động.
Các đề nghị cấp phép cho lao động nước ngoài vào nhằm phục vụ nhiều công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo trong thời gian tới, nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài sẽ tăng, tập trung chủ yếu là nhóm lao động kỹ thuật cao, chuyên gia có kinh nghiệm quản lý và đã được cấp phép lao động hoặc đủ điều kiện để cấp giấy phép.
*** Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 9% chủ yếu là chuyên gia, lao động nước ngoài
Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ…
Theo thống kê từ Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2021 ước tính đạt 17,7 nghìn lượt người, tăng 9% so với tháng trước nhưng giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước do nước ta tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.
Trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 11.118 lượt người, giảm 99,3%; khách đến bằng đường bộ đạt 6.575 lượt người, giảm 97,8%; khách đến bằng đường biển chỉ đạt 43 lượt người, giảm 99,9%.
Trong tháng, khách quốc tế đến nước ta từ châu Á đạt 15.822 lượt người, chiếm 89,2% tổng số khách quốc tế, giảm 99% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ tất cả các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 7.243 lượt người, giảm 98,9%; Hàn Quốc 3.903 lượt người, giảm 99,2%; Đài Loan 1.018 lượt người, giảm 98,7%; Nhật Bản 831 lượt người, giảm 99,1%.
Khách đến từ châu Âu tháng Một ước tính đạt 1.185 lượt người, giảm 99,5% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 486 lượt người, giảm 99,6%; khách đến từ châu Úc đạt 121 lượt người, giảm 99,8%; khách đến từ châu Phi đạt 122 lượt người, giảm 98%.
*** Quy định mới về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Nghị định quy định trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc…
Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau:
Thực hiện hợp đồng lao động; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ;
Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam; thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nghị định quy định trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 154 của Bộ luật Lao động và các khoản 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần tuyển để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.
Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương khác để giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu.
Trong thời hạn tối đa 02 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 100 đến dưới 500 người lao động Việt Nam và 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 100 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng nội dung đã kê khai về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật; theo dõi và quản lý người lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật; trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 của năm sau, chủ đầu tư báo cáo về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài của 6 tháng đầu năm và hằng năm.

Nguồn VNEconomy.vn-TT