Việt Nam hỗ trợ Lào ứng phó dịch Covid-19; Anh, Mỹ cảnh báo Nga, Trung: Thời của phương Tây chưa kết thúc; Dịch Covid-19 tại Ấn Độ sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới; Nhiều nước Đông Nam Á ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 ở mức cao; Hơn 154.triệu ca nhiễm COVID-19 trên thế giới…là những tin chính được cập nhật.
Việt Nam hỗ trợ Lào ứng phó dịch Covid-19
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng trao tặng tượng trưng món quà 500.000 USD của Đảng – Nhà nước và nhân dân Việt Nam cho Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune.
– Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã gửi thư thăm hỏi tới Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh và thông báo về khoản hỗ trợ khẩn cấp 500.000 USD của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào ứng phó với đợt lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Trong thư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt mà Chính phủ Lào đã triển khai, đồng thời bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc trước những khó khăn, thách thức mà Lào đang phải đối mặt. Với tình cảm đồng chí anh em gắn bó và tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, ngoài khoản hỗ trợ tài chính 500.000 USD, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam khẩn trương chia sẻ với Lào kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ chuyên gia và các loại vật tư, trang thiết bị y tế mà Bạn đang cần trong công tác phòng chống Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phankham Viphavanh, sự quyết tâm và đồng lòng chống dịch của các cơ quan chức năng và toàn thể người dân, đất nước và nhân dân Lào anh em sẽ sớm kiểm soát được dịch Covid-19, mau chóng phục hồi kinh tế – xã hội và tiếp tục phát triển bền vững.
Anh, Mỹ cảnh báo Nga, Trung: Thời của phương Tây chưa kết thúc
– Các nền dân chủ phương Tây thuộc nhóm nước G7 có mục đích tìm kiếm những đồng minh mới để chống lại những thách thức từ Trung Quốc và Nga nhưng không kéo Bắc Kinh đi xuống đồng thời cũng theo đuổi mối quan hệ ổn định hơn với điện Kremlin, hai trong số những nhà ngoại giao hàng đầu của phương Tây hôm qua (3/5) đã cho biết như vậy.
Trước thềm cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các ngoại trưởng G7 kể từ năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang tìm cách thúc đẩy thông điệp về chủ nghĩa đa phương sau 4 năm ông Trump dùng ngoại giao trên Twitter để khiến một loạt đồng minh phương Tây sốc, bối rối và lo ngại.
Được thành lập năm 1975 như là một diễn đàn của những quốc gia giàu nhất ở phương Tây để thảo luận về những cuộc khủng hoảng như lệnh cấm vận dầu mỏ OPEC, G7 tuần này sẽ thảo luận về Nga và Trung Quốc cũng như đại dịch Covid-19 và sự lan rộng của biến đổi khí hậu.
“Mục đích của chúng tôi không phải là tìm cách kiềm chế Trung Quốc hay kéo Trung Quốc đi xuống”, Ngoại trưởng Blinken cho biết tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab.
Theo ông Blinken, phương Tây sẽ bảo vệ “trật tự dựa trên luật quốc tế” trước những hành vi phá hoại của bất kỳ nước nào, trong đó có Trung Quốc.
Sự nổi lên ngoạn mục về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua được xem là một trong những sự kiện địa chính trị đáng chú ý nhất trong thời hiện đại, cùng với sự sụp đổ năm 1991 của Liên Xô.
Các nhà ngoại giao đang rất muốn để cho thế giới biết được phương Tây sẽ khẳng định vị trí của mình. Ngoại trưởng Raab đã nói về việc xây dựng các liên minh thay vì phá vỡ chúng.
Dịch Covid-19 tại Ấn Độ sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới
Các nhà khoa học dự đoán đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ có thể đạt đỉnh trong vài ngày tới sau khi nước này liên tục ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới trong 12 ngày qua.
Tổng số người nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ hôm 3/5 đạt tới 19,93 triệu, tính từ khi dịch bùng phát tại nước này. Ấn Độ ghi nhận 368.147 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, trong khi số ca tử vong tăng thêm 3.417 lên tổng số 218.959 người, theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ. Ít nhất 3,4 triệu người mắc Covid-19 tại Ấn Độ đang được điều trị.
Các chuyên gia y tế cho rằng các con số thực tế về dịch Covid-19 tại Ấn Độ có thể cao hơn từ 5 đến 10 lần. Các bệnh viện tại Ấn Độ đã hoạt động hết công suất trong khi nguồn cung oxy y tế đã cạn kiệt. Các nhà xác cũng như lò hỏa táng đều không đủ sức chứa khi Ấn Độ vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai trong gần hai tuần qua.
“Lần nào chúng tôi cũng phải vật lộn để có hạn ngạch bình oxy của mình”, B.H Narayan Rao, một quan chức ở thị trấn Chamarajanagar phía Nam Ấn Độ cho biết. “Đó là cuộc chiến diễn ra hàng ngày”, B.H Narayan Rao nói về sự tranh giành nguồn khí oxy y tế.
Vợ chồng Bill Gates ly hôn nhưng vẫn sẽ cùng nhau làm từ thiện
Mặc dù ly hôn nhưng cả hai vẫn sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong các dự án giải quyết các vấn đề ở Quỹ từ thiện về vấn đề giáo dục, bình đẳng giới và y tế.
Bill Gates vừa thông báo ông và vợ Melinda French Gates ly hôn sau 27 năm chung sống.
Trên Twitter cá nhân của tỷ phú Bill Gates, ông đã cho đăng tải một bản thông báo ký tên cả hai vợ chồng về vấn đề này. Cả hai cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong các dự án giải quyết các vấn đề ở Quỹ từ thiện về giáo dục, bình đẳng giới và y tế.
“Sau khi suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi đi đến quyết định sẽ kết thúc cuộc hôn nhân của mình. Suốt 27 năm qua, chúng tôi đã cùng nhau nuôi dạy 3 đứa trẻ phi thường, tạo ra một nền tảng tổ chức hoạt động trên toàn thế giới để đưa nhân loại tới một cuộc sống khỏe mạnh, hiệu quả hơn.
*** Nhiều nước Đông Nam Á ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 ở mức cao
(ĐCSVN) – Trong ngày 3/5, Philippines ghi nhận 7.255 ca nhiễm mới, trong khi con số này ở Indonesia là 4.730 ca, ở Malaysia là 2.500 ca, ở Thái Lan là 2.041 ca,… Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh ở khu vực Đông Nam Á vẫn rất phức tạp.
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 4/5 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 154.138.636 ca, trong đó 3.225.929 ca tử vong và 132.196.736 ca đã được chữa khỏi.
Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 635.861 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ – nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 – ghi nhận số ca nhiễm mới là 34.149 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 33.222.217, trong đó 591.476 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết tính đến sáng 2/5 (giờ địa phương), nước này đã phân phối tổng cộng hơn 253 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới các cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện các chiến dịch tiêm chủng.
Chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là Ấn Độ. Trong 10 ngày qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 300.000 ca/ngày, trong đó có ngày 30/4 ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới, ngày 3/5 ghi nhận 355.828 ca mắc mới. Báo Times of India dẫn nguồn tin chính quyền cho biết Chính phủ Ấn Độ ít có khả năng sẽ áp đặt một lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc, dù đã khuyến cáo các bang và vùng lãnh thổ liên bang thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt và áp dụng biện pháp phong tỏa phù hợp để phá vỡ chuỗi lây lan của virus SARS CoV-2.
Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 14.779.529 ca và số ca tử vong là 408.622. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 24.619 ca nhiễm mới, 847 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (44.854.519 ca). Với 40.952.685 ca mắc, châu Á trở thành khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 38.494.862 ca và Nam Mỹ với 25.157.297 ca. Châu Phi (4.615.351 ca) và châu Đại Dương (63.201 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ – quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Trong 24 giờ qua, nước này xác nhận thêm 1.093 ca mắc COVID-19 và 65 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.348.873 ca, trong đó 217.233 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 3.021.179 ca nhiễm, trong đó 64.792 ca đã tử vong.
Tại châu Phi, Tunisia ghi nhận thêm 1.004 ca mắc mới COVID-19 trong ngày hôm qua và 47 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 312.747 ca, trong đó có 10.915 ca tử vong. Hiện Tunisia xếp thứ 3 trong số 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu lục, chỉ sau Nam Phi và Maroc.
Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.838 ca, trong nhiều ngày qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp tử vong mới, vẫn dừng ở mức 910 ca.
Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mở rộng danh sách người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) với một số điều kiện nhất định. Theo đề xuất, EU sẽ cho phép nhập cảnh vì lý do không cấp thiết đối với tất cả những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ có tình hình dịch tễ diễn biến tích cực và những người đã tiêm đủ liều các loại vaccine COVID-19 được EU cấp phép.
Tại châu Á, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo số bệnh nhân COVID-19 thể nặng ở nước này tăng thêm 34 người lên 1.084 người, mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày thứ hai liên tiếp. Số bệnh nhân thể nặng chiếm đến 50% số giường bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt của một số tỉnh, trong đó có Osaka và Hyogo lân cận hiện đang áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp kể từ cuối tháng 4 vừa qua.
Lào ghi nhận tình hình dịch bệnh diễn biến theo hướng tích cực hơn. Bộ Y tế Lào ngày 3/5 cho biết nước này đã ghi nhận 33 ca mắc mới tại 6/18 tỉnh, thành trong 24 giờ qua, giảm hơn 3 lần so với 112 ca được phát hiện trong ngày 2/5. Đến nay, tổng số ca mắc tại Lào là 966 ca, trong đó có hơn 900 ca được phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay, phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 60 bệnh nhân và chưa có trường hợp nào tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 841 ca mắc mới, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, cao hơn so với 730 ca của một ngày trước đó. Tổng số ca bệnh nhân COVID-19 tại nước này từ đầu dịch đến nay hiện là 15.361 người. Bộ trên cũng thông báo về 61 ca đã bình phục và thêm 4 ca tử vong từ ngày 1-3/5 trong độ tuổi từ 24 đến 61 tại Phnom Penh và Kampong Chnang, nâng số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 106 người.
Thái Lan ghi nhận thêm 31 ca tử vong, mức cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 276 ca. Bộ Y tế Thái Lan ghi nhận 2.041 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 71.025 ca. Chuyên gia y tế cảnh báo Thái Lan sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi quốc gia Đông Nam Á này liên tiếp ghi nhận số người tử vong do đại dịch ở mức cao kỷ lục trong 3 ngày qua.
Trong ngày 3/5, Philippines công bố 7.255 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.062.225 ca. Số ca tử vong tại đây tăng thêm 94 ca lên 17.525 ca. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 2.500 ca mắc mới, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 2.496 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 417.512 ca. Malaysia cũng xác nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 1.551 ca. Trong khi đó, số ca bình phục tăng thêm 2.068 người lên 385.208 người./.
*** 30 người trên một chuyến bay từ Ấn Độ đến Italia nhiễm COVID-19
Hiện tất cả 242 người trên máy bay, bao gồm cả 30 người nhiễm COVID-19 đều đã được chính quyền Italia đưa đi điều trị, cách ly và giám sát chặt chẽ, theo NDTV.
Thách thức đối với ông Moon Jae-in
Thất bại nặng nề của đảng Dân chủ Hàn Quốc (DP) cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in trước đảng đối lập Quyền lực nhân dân (PPP) trong cuộc bầu cử Thị trưởng Seoul và Thị trưởng Busan vừa qua đã đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền đương nhiệm để giải quyết các vấn đề đối nội, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào năm sau.
Saudi Arabia – Iran khởi động với khe mở hẹp
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vừa công khai bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Iran. David Rigoulet-Roze, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược của Pháp (IRIS), cho rằng những lý do kinh tế và địa chính trị là nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Riyadh.
Nga nhờ Trung Quốc sản xuất vaccine Sputnik V
Nga đang hợp tác cùng các công ty dược của Trung Quốc sản xuất vaccine Sputnik V do nhu cầu với mẫu vaccine COVID-19 này tăng vọt.
Hé lộ khả năng đánh chặn vệ tinh của BND
Ngày 19-5-2020, Tòa án Hiến pháp Đức đã ra phán quyết liên quan tới vụ án về việc đánh chặn không nhắm mục tiêu các dạng liên lạc quốc tế của cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND). Tòa án không cấm hình thức thu thập thông tin này nhưng yêu cầu có các biện pháp bảo vệ cụ thể, giám sát kỹ hơn để hoạt động phải tuân theo Hiến pháp Đức.
CHDCND Triều Tiên trong chiến lược ngoại giao “không mặc cả” của Mỹ
Mới đây, Washington tuyên bố sẽ áp dụng một hướng tiếp cận ngoại giao mới đối với Bình Nhưỡng, nhằm “giải bài toán” phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Dù có chung mục tiêu với những người tiền nhiệm, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cộng sự tại Nhà Trắng lại lựa chọn một “công thức” khác, không kiên nhẫn chiến lược cũng không tìm cách thoả hiệp.
Tai nạn tàu thuỷ tại Bangladesh, ít nhất 25 người thiệt mạng
Ít nhất 25 người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn tàu thuỷ xảy ra vào sáng 3/5 tại Bangladesh. Lực lượng cứu hộ và giới chức địa phương hiện đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
Hàn Quốc nói gì sau tuyên bố gay gắt về Mỹ của Triều Tiên?
Yonhap ngày 3/5 đưa tin, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young mới đây khẳng định, căng thẳng không nên gia tăng tại bán đảo Triều Tiên trong mọi tình huống.
Afghanistan sẽ ra sao khi không còn quân Mỹ?
Ngày 11-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định việc rút quân sẽ bắt đầu trước ngày 1-5 và hoàn tất trước ngày 11-9. Bên cạnh đó, quân đội các nước đồng minh với Mỹ thuộc khối NATO cũng sẽ rời khỏi Afghanistan. Hiện tại, Mỹ còn 2.500 quân ở đây và điều gì sẽ xảy ra tại quốc gia này khi không còn lính Mỹ?
Australia “xét lại” hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng quân sự – thương mại
Vì lý do an ninh quốc gia, Australia tuyên bố nước này sẽ xem xét lại hợp đồng cho một doanh nghiệp Trung Quốc thuê cảng quân sự – thương mại trong thời gian 99 năm, Reuters ngày 3/5 đưa tin.
COVID-19 dồn dập tấn công thế giới
Dù hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm, thế giới tuần qua tiếp tục chứng kiến những kỉ lục đau buồn mới liên quan đến dịch bệnh. Đó cũng là chỉ dấu cho thấy cuộc chiến chống lại COVID-19 sẽ không sớm kết thúc.
Nhìn lại 10 ngày Ấn Độ nếm trải “sóng thần” COVID-19
Ấn Độ đã nhanh chóng dập tắt làn sóng COVID-19 đầu tiên vào năm ngoái, nhưng thắng lợi ấy đã không đến lần hai. Chỉ trong vòng 10 ngày, số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ liên tục phá vỡ mọi kỷ lục, khiến hệ thống y tế gần như sụp đổ. Hơn cả sự chung tay từ quốc tế, quốc gia Nam Á này, nên chăng, cần thay đổi chiến lược để có thể gỡ bỏ những kỷ lục đau lòng này.
Ấn Độ trải qua ngày kinh hoàng với gần 3.700 người tử vong
Dù số ca nhiễm COVID-19 mới giảm nhẹ, song số ca tử vong do căn bệnh này tại Ấn Độ hôm 2/5 tiếp tục tăng kỷ lục. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đã không thể đối phó với sự lây lan quá nhanh và rộng của dịch bệnh.
Biểu tình nổ ra liên tiếp: Châu Âu trải qua cuối tuần không bình yên
Từ Berlin, đến Paris, và cả London, những cuộc biểu tình quy mô lớn đang liên tục xảy ra trên khắp châu Âu nhằm phản đối chính sách của chính phủ, trong bối cảnh các hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài tại lục địa già để đối phó với đại dịch COVID-19.
Phát hiện đột biến virus gây COVID-19 có khả năng “né” kháng thể
Giới nghiên cứu Ấn Độ cảnh báo đã phát hiện một số mẫu đột biến của chủng virus SARS-CoV-2 biến thể mới có khả năng né phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Triều Tiên cảnh báo Mỹ về “cuộc khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát”
Triều Tiên ngày 2/5 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phạm phải “một sai lầm lớn” khi gọi chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là mối đe dọa nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt với “một cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn ngoài tầm kiểm soát”.
Quân đội Campuchia triển khai tiêm vaccine cho nửa triệu người ở “vùng đỏ”
Quân đội Campuchia hôm 1/5 đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn cho gần nửa triệu người ở “vùng đỏ” ở Phnom Penh – khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
Tổng hợp-TT