VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 6/5/2021.

     Nga phát hiện thêm phương thức chống lại COVID-19; Chính quyền Biden đồng ý “xóa độc quyền” vaccine COVID-19; Mặt trận chung; Ấn Độ cảnh báo sóng Covid-19 mới; ADB nêu 5 ưu tiên để xây dựng thành phố đáng sống ở châu Á; Ông Trump đã sai, chứng khoán Mỹ tăng rực rỡ kể từ khi ông Biden lên cầm quyền; Covid-19 không phải do vi khuẩn gây ra; Mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19…là những tin chính được cập nhật.
Nga phát hiện thêm phương thức chống lại COVID-19
VGP News :. | Thông tin chính thức về chùm ca bệnh COVID-19 tại Bệnh viện  Bệnh Nhiệt đới Trung ương | BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM    Ảnh minh họa. 
(VTC News) – Các chuyên gia của một trung tâm thuộc viện Hàn lâm Khoa học Nga đã chứng minh vaccine bại liệt sống trong nước có thể ngăn ngừa COVID-19.
Aydar Ishmukhametov, giám đốc trung tâm khoa học liên bang về Nghiên cứu và Phát triển các chế phẩm sinh học miễn dịch Chumakov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết, đơn vị này đã tiêm cho khoảng 60 tình nguyện viên một loại vaccine bại liệt sống và kết quả là đã giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm này. Trung tâm đã chứng minh được vấn đề.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đặt việc tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt trong cuộc chiến chống COVID-19 như một “lựa chọn cấp cứu”.
Trước đây, như các nhà khoa học đã đưa ra giả thiết, người Nga được bảo vệ khỏi COVID-19 bằng khả năng miễn dịch không đặc hiệu – loại phản ứng tương tự của hệ thống miễn dịch đối với các bệnh nhiễm trùng.
Vào những năm 1960, nhà virus học Liên Xô, Viện sĩ Mikhail Chumakov đã bày tỏ ý tưởng rằng, vaccine bại liệt sống có thể làm giảm quá trình của bệnh cúm. Trung tâm khoa học hiện đã kiểm tra thực nghiệm giả thuyết này đối với virus SARS-CoV-2.
Vào cuối những năm 1950, lần đầu tiên trên thế giới tại Viện Viêm tủy và Viêm não do Virus thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Y tế Liên Xô (nay là Trung tâm khoa học liên bang về Nghiên cứu và Phát triển các chế phẩm sinh học miễn dịch mang tên Chumakov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga), công nghệ sản xuất vaccine sống chống lại bệnh bại liệt ở quy mô công nghiệp đã được phát triển và vào năm 1960, đã có một cuộc tiêm chủng quy mô lớn cho toàn bộ dân chúng Liên Xô.
Trung tâm Chumakov đã phát triển loại vaccine toàn phần bất hoạt “KoviVac”, được Bộ Y tế Nga đăng ký vào ngày 19/02. Nó dựa trên virus SARS-CoV-2, đã được làm mất đi đặc tính lây nhiễm, nhưng đồng thời vẫn giữ được khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch.
Những loại vaccine như vậy chứa toàn bộ tập hợp các protein của hạt virus – đáp ứng miễn dịch được mong đợi là hoàn thiện nhất. Hoạt động sản xuất công nghiệp của KoviVac chính thức bắt đầu từ ngày 25/3.
Chính quyền Biden đồng ý “xóa độc quyền” vaccine COVID-19
Nhiều chuyên gia cho rằng, quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 có thể là rào cản đối với quá trình tiêm chủng toàn cầu và việc xóa độc quyền đối với vaccine là chìa khóa để chống lại đại dịch.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã hoan nghênh quyết định của Mỹ về ủng hộ việc miễn trừ sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19, gọi đây là “một khoảnh khắc hoành tráng” trong cuộc chiến chống lại loại virus chết người này.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 5/5 đã dành lời khen đối với sự hỗ trợ từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19, gọi đây là một ví dụ về “sự đi đầu trong giải quyết các thách thức về y tế toàn cầu”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc ủng hộ đề xuất xóa sở hữu trí tuệ đối với vaccine, từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một động thái cho phép nhiều nước khác có thể sản xuất loại vaccine đang rất được mong đợi này.
Quá trình triển khai và phân phối vaccine đã được đẩy mạnh tại Mỹ trong thời gian qua. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi đối với chính quyền Biden nhằm tăng cường hỗ trợ công bằng vaccine toàn cầu và chia sẻ nguồn cung cấp vaccine của Mỹ với các quốc gia nghèo hơn và bị ảnh hưởng nặng nề.
Hàng chục quốc gia, cũng như các nhóm nhân quyền, các cựu lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các chuyên gia y tế công cộng, đã liên tục kêu gọi việc từ bỏ bằng sáng chế của vaccine trong những tuần gần đây trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hôm 4/5 cho biết Washington sẽ tham gia đàm phán với WTO liên quan đến việc xóa bỏ các bằng sáng chế này, qua đó, có thể phân phối rộng rãi hơn đối với vaccine này, không chỉ ở Mỹ.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Nam Phi và Ấn Độ đã đệ trình một đề xuất lên WTO nhằm miễn trừ sở hữu trí tuệ đối với vaccine và các công nghệ y tế tân tiến cần thiết cho cuộc chiến chống COVID-19. Đến nay, đã có hơn 100 nước ủng hộ lời kêu gọi này.
Mặt trận chung
SGGP Trong các cuộc họp trực tiếp lần đầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các Ngoại trưởng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đã dành phiên họp đầu tiên ngày 4-5 để thảo luận về Trung Quốc, vốn đang gia tăng quân sự và ảnh hưởng kinh tế cũng như sẵn sàng dùng sức ảnh hưởng để làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế mà các quốc gia đã đầu tư rất nhiều trong nhiều thập kỷ vì lợi ích không chỉ công dân Mỹ mà còn của mọi người trên toàn thế giới”. Theo nguồn tin quan chức cấp cao của Mỹ, sau phiên họp này, sự đồng thuận giữa các nước G7 trong các vấn đề về Trung Quốc hay các vấn đề khác đưa ra bàn thảo là rất cao. Trong phiên thảo luận, ngoại trưởng các nước G7 đồng loạt lên tiếng cảnh báo về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, cũng như chính sách kinh tế ép buộc của Bắc Kinh đối với các quốc gia khác. Cũng theo quan chức Mỹ, phiên họp của ngoại trưởng các nước G7 không tập trung vào việc phối hợp hành động mà hướng trọng tâm vào việc thiết lập mặt trận chung của các nước cùng chí hướng nhằm đối phó với Trung Quốc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh đến việc đảm bảo “Bắc Kinh tuân theo các cam kết mà họ đã đưa ra” và kêu gọi tìm kiếm cách thức làm việc với Trung Quốc hợp lý và tích cực nếu có thể, chẳng hạn như vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, rất nhiều công việc đang chờ đợi các nước G7. Theo ông Maas, đã đến lúc ngoại trưởng các nước G7, với tư cách là cộng đồng các giá trị, phải tỏ rõ vai trò của mình, bởi trong thời điểm chỉ có những cuộc gặp trực tuyến do đại dịch Covid-19 thì “những quốc gia khác” đã cố gắng định hình lại trật tự toàn cầu “theo các giá trị hoàn toàn khác” và việc vi phạm các quy tắc trở thành điều bình thường. Ngoại trưởng Maas kêu gọi chống lại những điều này dựa trên các giá trị dân chủ, nhà nước pháp quyền, nhân quyền và trật tự thế giới.
Theo Reuters, G7 cũng đang hướng đến việc thu hút các đồng minh mới nhằm đối phó thách thức từ Trung Quốc. Nước chủ nhà Anh đã mời các vị khách, trong đó có cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia tới hội đàm ở trung tâm thủ đô London. Ngoại trưởng Anh D.Raab phát biểu về việc xây dựng các liên minh: “Tôi nhận thấy nhu cầu gia tăng về những nhóm các quốc gia có cùng tư tưởng, chia sẻ các giá trị và bảo vệ hệ thống đa phương. Chúng ta có thể thấy xu hướng này đủ để làm việc cùng nhau”.
Ấn Độ cảnh báo sóng Covid-19 mới
Giới chức Ấn Độ cảnh báo nước này phải sẵn sàng cho một đợt bùng phát Covid-19 mới và rất cần thêm oxy từ các quốc gia khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở New Delhi hôm 5/5, K. Vijay Raghavan, cố vấn khoa học chính của chính phủ Ấn Độ, cho biết đất nước 1,3 tỷ dân phải sẵn sàng đối phó nhiều rắc rối hơn, ngay cả sau khi đánh bại làn sóng Covid-19 thứ hai hiện nay.
“Sóng Covid-19 thứ ba là không thể tránh khỏi do mức độ lây lan của virus cao. Nhưng không rõ giai đoạn đó sẽ xảy ra vào khoảng thời gian nào. Chúng ta nên chuẩn bị cho những đợt bùng phát mới”, Raghavan nói.
Trong lúc chính phủ Ấn Độ đối mặt với những chỉ trích vì để bệnh nhân chết trên đường phố do thiếu giường bệnh viện, các chuyến hàng oxy và thiết bị y tế từ Mỹ, Pháp, Anh, Nga và các nước khác đã đến trong những ngày gần đây. Một quan chức chính phủ khác nói Ấn Độ sẽ cần thêm oxy từ các nước khác cho đến khi tình hình ổn định.
“Chúng tôi không có và không đủ oxy”, quan chức giấu tên cho hay. “Nếu chúng tôi có thể nhận được nhiều oxy hơn, thêm nhiều mạng sống sẽ được cứu”.
ADB nêu 5 ưu tiên để xây dựng thành phố đáng sống ở châu Á
ADB đưa ra các khuyến nghị cho các chính phủ châu Á để xây dựng các thành phố đáng sống…
Với mục tiêu hướng dẫn các thành phố học hỏi từ những thách thức và cơ hội phổ biến nhất thông qua các bài học kinh nghiệmm, ấn phẩm “Tạo dựng các thành phố Châu Á” nhấn mạnh đến sự cải thiện chất lượng sống và cơ hội kinh tế – xã hội tại các thành phố tăng trưởng nhanh của Châu Á là thiết yếu để phát huy tối đa tiềm năng của chúng, đồng thời cũng là động cơ của sự thịnh vượng kinh tế và trung tâm cho phát triển bền vững.
“Đô thị hóa là động lực cho tăng trưởng sản xuất của khu vực, nhưng cơ hội ở các thành phố không dành cho tất cả cư dân, và còn bị hạn chế hơn nữa bởi đại dịch Covid-19. Các thành phố ở Châu Á và Thái Bình Dương nằm trong số những đô thị lớn nhất và sôi động nhất trên thế giới, với rất nhiều kinh nghiệm và cách làm hiệu quả cần được chia sẻ”, Phó Chủ tịch ADB chuyên trách Quản lý tri thức và Phát triển bền vững, ông Bambang Susantono chia sẻ.
Hiện tại, có tới 17 trong số 33 đại đô thị với dân số trên 10 triệu người nằm ở khu vực Châu Á đang phát triển. Năm 2019, hơn một nửa trong tổng số 4 tỷ người dân của khu vực này sống ở các đô thị, và dự kiến sẽ có thêm 1 tỉ người di cư tới các thành phố trong 30 năm tới. Vào năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của khu vực này có thể đạt tới 64%.
Xem xét những thách thức về đô thị hóa trong khu vực, ấn phẩm của ADB đưa ra 5 giải pháp cần ưu tiên để phát triển đô thị đáng sống tại khu vực châu Á.
Thứ nhất, các chính phủ phải thực hiện quy hoạch đô thị thông minh và bao trùm.
Thứ hai, các chính phủ cũng cần tập trung vào giao thông và năng lượng bền vững.
Thứ ba là mở rộng tiếp cận tài chính để giúp các thành phố đạt được những mục tiêu đề ra trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Cuối cùng, các chính phủ cần cải thiện khả năng chống chịu của các thành phố, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và các tình huống khẩn cấp về y tế công như đại dịch Covid-19.
Ông Trump đã sai, chứng khoán Mỹ tăng rực rỡ kể từ khi ông Biden lên cầm quyền
Ông Trump từng nhiều lần cảnh báo rằng chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ nếu ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ…
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2020, ứng cử viên Cộng hoà Donald Trump cảnh báo rằng chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ nếu ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đắc cử. Ông Biden đã thắng ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhưng những gì diễn ra ở Phố Wall sau đó hoàn toàn trái ngược với lời cảnh báo của vị cựu Tổng thống.
Chỉ số S&P 500 – thước đo rộng nhất của thị trường chứng khoán Mỹ – hiện đã tăng 8,6% so với mức đóng cửa vào ngày 20/1, ngày cầm quyền cuối cùng của ông Trump. Điều này đồng nghĩa với việc ông Biden là vị Tổng thống chứng kiến chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên kể từ Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1961 – theo số liệu từ CFRA Research được hãng tin CNN trích dẫn.
Thành quả này vượt qua mức tăng 8,4% mà S&P 500 đạt được trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, đồng thời vượt xa mức tăng 5% của chỉ số trong “tuần trăng mật” của ông Trump.
Covid-19 không phải do vi khuẩn gây ra
SGGP Thời gian qua, trên mạng xã hội lưu truyền thông tin về việc dịch Covid-19 không phải do virus gây ra. Theo đó, bài viết xuất hiện có tiêu đề “Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới mổ tử thi người mắc Covid-19 và sau một cuộc điều tra, nước này đã xác định Covid-19 không phải do virus gây ra”.
Bài viết đăng tải các thông tin như, sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện không phải virus, mà vi khuẩn mới là nguyên nhân khiến người bệnh tử vong và dẫn đến việc hình thành các cục máu đông trong mạch máu, dây thần kinh; dẫn tới việc bệnh nhân chết vì những vi khuẩn này…
Ngay sau đó, nhiều hãng tin uy tín trên thế giới, trong đó có Reuters, đã khẳng định bài viết trên là sai sự thật. Những thông tin cho rằng dịch Covid-19 do vi khuẩn gây ra đã lan truyền trong nhiều tháng kể từ khi dịch bệnh này bùng phát và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhiều lần bác bỏ thông tin này.
Về thông tin bài viết cho rằng các bác sĩ Nga đang vi phạm luật của WHO vốn không cho phép khám nghiệm tử thi của bệnh nhân tử vong vì mắc Covid-19 cũng không đúng. WHO không cấm, nhưng cũng không khuyến khích việc khám nghiệm tử thi người bệnh chết vì mắc Covid-19.
*** Mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19
   (ĐCSVN) – Đến sáng 6/5, thế giới có tổng số 155.817.160 ca nhiễm và 3.255.162 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 834.653 và 14.170 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Ấn Độ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất trong một ngày qua do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 6/5, đã có 133.214.774 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.347.224 ca bệnh đang điều trị, có 19.236.926 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 110.298 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 412.618 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (75.652 ca) và Mỹ (46.129 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.982 ca, sau đó là Brazil (2.791 ca) và Mỹ (743 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 45.085.499 ca, trong đó có 1.025.679 ca tử vong và 40.144.966 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 115.798 ca nhiễm và 2.822 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.706.378; 4.847.489 và 4.425.940 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.570 ca, sau khi có thêm 27 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (122.005 ca) và Nga (111.895 ca).
Với 41.965.383 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 6/5, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 519.822 ca đã tử vong do COVID-19 và 36.081.180 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 21.070.852; 4.955.594 và 2.591.609 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 230.151; 41.883 và 73.568 ca.
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 65.201 ca nhiễm COVID-19 và 1.303 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 38.631.211 và 867.023 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 33.321.244 ca nhiễm và 593.148 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.352.964 và 1.257.328 ca nhiễm, cùng 217.740 và 24.450 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 125.179 ca nhiễm và 4.022 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 25.430.836 ca và 690.386 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 75.652 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 14.936.464 vào thời điểm hiện tại, và 2.791 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 414.645 ca.
Tính đến sáng 6/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.636.622 ca, trong đó có 123.554 ca tử vong và 4.166.734 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.588.221 ca nhiễm và 54.557 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2.073 ca nhiễm và 46 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 512.656 và 315.600 ca nhiễm bệnh cùng 9.043 và 11.122 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 63.267 ca nhiễm (tăng 27 ca) và 1.208 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 13 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.965 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vấn đề sản xuất, phân bổ và tiêm phòng vaccine đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Hội nghị ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết sẽ có động thái để mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 với mức giá chấp nhận được; đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty, khích lệ các thỏa thuận trao đổi công nghệ và tự nguyên cung cấp theo những nội dung được các bên liên quan đồng ý.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hy vọng các nhà sản xuất vaccine trên thế giới sẽ chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cũng đã kêu gọi Nga xem xét tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19. Bà cũng hối thúc Trung Quốc, Brazil, Cuba và Nga – những quốc gia đang phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19 – có hành động tương tự.
Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại WTO./.

Tổng hợp-TT